Trung tá Nguyễn Văn Tuế, Trưởng công an phường Bình Trưng Đông cho biết: “Qua thông tin đại chúng, tôi đã cho anh em đi tìm hiểu những người bị hại để làm rõ sự việc, nhưng chưa tìm được. Sự giả dạng công an dùng thủ đoạn đe dọa chiếm đoạt tiền của người dân làm mất trị an trật tự, gây phương hại rất lớn đến uy tín của ngành công an. Tôi khẳng định trên địa bàn phường Bình Trưng Đông không có chuyện công an đòi tiền phí bảo kê. Vì vậy, người dân cần hết sức cảnh giác với những hành vi tương tự như trên và ngay lập tức báo cho công an phường để xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về tài sản cho mình”.
Công an giả liên tục đòi tiền “bảo kê”
Công an quận 7 và quận 2 (TP.HCM) cho biết đang phối hợp để truy tìm đối tượng giả công an cưỡng đoạt tài sản của người bán hàng rong.
Vào ngày 4/7, anh Nguyễn Đình Thể (SN 1994, ngụ phường Bình Trưng Đông, quận 2) tình cờ bắt gặp đối tượng từng nhiều tháng liền nhận tiền “bảo kê” của mình đang thực hiện hành vi với một số nạn nhân khác trên giao lộ Nguyễn Văn Linh – Lê Đức Thọ nên trình báo cơ quan chức năng.
Trao đổi với PV qua điện thoại, anh Thể cho biết mình bán ốp lưng điện thoại trên đường Nguyễn Duy Trinh, phường Bình Trưng Đông. Vào tháng 8/2015, một đối tượng khoảng 40 tuổi đi xe Dream, mang biển số tỉnh Bến Tre lân la đến gặp và đề nghị anh Thể chung chi tiền bảo kê hàng tháng.
“Đối tượng tự xưng là công an khu vực, quản lý khu vực tôi đang bán hàng. Đối tượng cho biết nếu muốn yên ổn làm ăn, không bị thường xuyên kiểm tra thì phải đưa tiền hàng tháng. Hắn đòi mỗi tháng 400 nghìn đồng, nếu không đưa sẽ lãnh hậu quả”, anh Thể nói.
Khu vực đối tượng đòi tiền bảo kê bị anh Thể bắt gặp |
Khi nói chuyện với anh Thể, đối tượng mặc thường phục, chỉ có chiếc quần sẫm màu giống như màu quân phục của lực lượng an ninh. Anh Thể buôn bán đã lâu, chưa thấy công an bảo kê như đối tượng nói. Nhưng nghe bạn bè khuyên phải “chi” tiền cho công an khu vực, anh đồng ý đưa tiền cho đối tượng.
“Mỗi tháng, đối tượng đều đến thu tiền, dáng vẻ rất tự nhiên. Chưa lần nào tôi thấy đối tượng mặc quân phục. Dù nghi ngờ là công an giả nhưng tôi không dám trình báo cơ quan chức năng, sợ nếu đối tượng đúng thật là công an thì có lẽ tôi phải dẹp tiệm. Đối tượng đã thu tiền của tôi được 5 tháng”, anh Thể cho biết.
Không riêng anh Thể, nhiều người bán hàng rong khác cũng bị đối tượng trên tự xưng là công an, dùng lời lẽ đe dọa, yêu cầu phải chung chi vào “quỹ lương của anh em” trong công an phường mới được phép buôn bán. Những người bán hàng rong lo sợ nên đều đưa tiền.
Anh Thể cho biết: “Vào tháng 1/2016, có một anh công an phường Bình Trưng Đông đến cửa hàng của tôi để mua ốp lưng. Trong lúc thử hàng, thấy anh này hỏi thăm chuyện buôn bán, tôi mới kể sự tình và hỏi có thật là những người buôn bán cần phải đóng tiền bảo kê cho công an phường hay không.
Nghe tôi kể, anh công an khá ngạc nhiên và khẳng định ở đâu thì không rõ, nhưng trên địa bàn phường Bình Trưng Đông không có chuyện đó. Tôi mô tả hình dáng, mặt mũi đối tượng thường đến thu tiền. Anh công an bảo trong phường không có ai như mô tả”.
Biết anh Thể và người bán hàng rong bị đối tượng nào đó mạo danh, dùng thủ đoạn đe dọa nhằm chiếm đoạt tài sản, người công an trên yêu cầu anh Thể phải báo ngay cho cơ quan chức năng khi đối tượng quay lại thu tiền.
Đến tháng 2/2016, đối tượng tiếp tục đến thu tiền, anh Thể cố gắng giữ chân lại để trình báo công an đến làm rõ sự việc. Tuy nhiên, đánh hơi được việc làm của mình bị bại lộ, đối tượng nhanh chóng lên xe tẩu thoát trước khi công an có mặt.
Anh Thể cho biết đã rất bực tức, vừa bị lừa, vừa mất tiền, dù không gặp lại nhưng anh nhớ rõ mặt đối tượng và luôn để ý nhằm lật mặt viên cảnh sát dởm.
Cuộc vây bắt náo động
Sáng ngày 4/7, anh Thể trên đường đi đến nhà người quen ở quận 7, bắt gặp đối tượng từng giả công an chiếm đoạt tiền của mình đang thực hiện hành vi tương tự với những người bán hàng rong trên giao lộ Nguyễn Văn Linh – Lê Đức Thọ (thuộc phường Tân Phong, quận 7). Anh Thể dừng lại theo dõi xem có đúng là đối tượng đã từng lừa mình hay không.
Xe máy do đối tượng trên bỏ lại |
Khi một số người bán hàng rong đang gom tiền đưa cho đối tượng thì anh Thể lao đến, khống chế và tri hô đây là đối tượng giả dạng công an lừa tiền. Đối tượng thấy anh Thể, biết mình bị lộ nhưng tiếp tục chống đối, khăng khăng mình là công an thật.
Thậm chí, đối tượng cho rằng anh Thể đang chống người thi hành công vụ và sẽ bị tống vào tù. Thấy chuyện náo động, một số người dân gọi điện cho công an phường Tân Phong trình báo sự việc.
“Do chưa rõ đối tượng có thật là công an hay không nên người dân không dám hỗ trợ bắt giữ. Phần tôi, không khống chế được nên giữ xe của đối tượng lại nhằm làm mất phương tiện tẩu thoát. Đối tượng vờ móc điện thoại ra gọi điện quát nạt, ra lệnh gì đó rồi lợi dụng lúc người dân sơ ý, đang bàn tán đã bỏ trốn”, anh Thể kể.
Công an phường Tân Phong nhanh chóng có mặt tại hiện trường, tạm giữ xe máy biển số 71-B1 774.39, đồng thời mời anh Thể và một số người dân về trụ sở công an phường để lấy lời khai ban đầu.
Bà Hồng, một người bán hàng rong, khai với công an: “Khi tui đang lui cui dọn hàng thì có một người đàn ông mặc áo thun màu đen, quần xanh sậm như của lực lượng an ninh, chân đi giày đen, đi trên chiếc xe Dream khá cũ, biển số tỉnh Bến Tre đến gần.
Người này tự xưng là công an khu vực bảo tôi không được phép buôn bán trên vỉa hè, yêu cầu tôi dọn đi nơi khác. Người này còn đe dọa sẽ kêu lực lượng tiếp viện đến lập biên bản thu giữ hàng hóa mang về phường để xử phạt.
Tôi cứ nghĩ là công an thật nên xuống nước năn nỉ, xin được bán, chứ nghèo quá. Người này ban đầu nạt nộ ghê lắm nhưng sau đó bảo muốn ở lại bán thì phải “biết điều”.
Tiếp đó, người này sang chỗ bán hàng của anh Tín, bằng thủ đoạn tương tự yêu cầu phải đưa tiền mới cho phép buôn bán. Anh Tín cho biết: “Tui buôn bán ở đây nhiều năm, có chơi với công an khu vực ở phường Tân Phong nên biết rõ chuyện bảo kê là không có.
Mà đối tượng trên lại lạ hoắc. Tui nhất định không đưa tiền thì đối tượng đứng lại dọa nạt, thậm chí gọi điện đi đâu đó và nói những câu như “tới nhanh đi, mang theo biên bản và xe để đưa về phường” nhằm trấn áp tinh thần. Tuy nhiên, tui nhất định không nhượng bộ”.
Trao đổi với PV, trung tá Nguyễn Văn Tuế, trưởng công an phường Bình Trưng Đông cho biết: “Chưa thấy người dân nào đến báo tin là bị hại của đối tượng trên. Tuy nhiên, qua thông tin đại chúng, tôi đã cho anh em đi tìm hiểu những người bị hại để làm rõ sự việc nhưng chưa tìm được.
Bởi lẽ sự giả dạng công an dùng thủ đoạn đe dọa chiếm đoạt tiền của người dân làm mất trị an trật tự, gây phương hại rất lớn đến uy tín của ngành công an. Tôi khẳng định trên địa bàn phường Bình Trưng Đông không có chuyện công an đòi tiền phí bảo kê.
Vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác với những hành vi tương tự như trên và ngay lập tức báo cho công an phường để xử lý kịp thời, không gây thiệt hại về tài sản cho mình”.