Kho báu đương nhiên không có, trong khi nhà hàng xóm bị lún, tường nứt nẻ, nghiêng ngả sắp đổ. Sợ nguy hiểm đến tính mạng, chủ nhà đành ấm ức chạy đi chỗ khác sinh sống.
Chủ căn nhà bị “vạ lây” là chị Nguyễn Thị Muôn (SN 1974), chị kể: gom góp mãi chị mới mua được ngôi nhà. Đang sống yên ổn, thì khoảng tháng 7/2013, chị thấy hàng xóm kế bên bắt đầu đào đất ở sân tìm kho báu. Vợ anh hàng xóm là Nguyễn Thị Phương rất mê tín, động việc gì cần làm cũng đến các “thầy” xem bói.
Giữa năm ngoái, chị này nghe một “thầy” cao tay phán rằng, gia đình chồng làm ăn thất bát, nợ nần mãi không trả được là do ở xung quanh nhà có chôn xác một cô gái. Trước đây cô gái này chết trẻ, được mai táng cùng một hũ đựng đầy châu báu. Giờ phải khai quật mồ mả cô gái lên thì nhà cửa mới được thoáng mát, không bị “ma ám”, làm ăn may mắn thuận lợi; đồng thời có cơ hội sở hữu kho báu chôn cùng. Tin lời, nhà này biến sân nhà thành bãi tìm kiếm báu vật, hì hục đào xới đất cát.
Vết nứt nẻ trong nhà chị Muôn |
Việc đào bới chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Khu vực đào bới được vây kín lại bằng những tấm bạt, người ngoài không thể nhìn vào. Trước khi đào, người ta thấy ông “thầy” bói, mặt bịt kín khẩu trang, khi thì đi taxi, khi tự đi xe máy đến nhà, làm lễ cầu khấn.
“Rất nhiều vàng mã, hình nhân thế mạng, ngựa giấy được đem đốt. Có lần con ngựa giấy to quá, không chuyển về được bằng xe máy, họ phải chở đến bằng ô tô, đốt sáng rực cả góc làng, đứng xa 300m đã thấy ngọn hừng hực”, một hàng xóm nhớ lại.
Có thông tin cho rằng gia đình ông Nhường phải thế chấp nhà cho ngân hàng lấy 300 triệu để lấy tiền đào bới tìm kho báu; nhiều người khác lại cho rằng họ vay ngân hàng trước đó đã hai năm. “Việc họ có dùng tiền vay ngân hàng để tìm kiếm kho báu không thì chưa thể khẳng định, nhưng việc thuê “thầy” cúng, mua đồ vàng mã, kinh phí đào bới phải tốn mấy trăm triệu. Đấy là chưa kể nửa năm trời, nhà này không làm được gì ra tiền, vì cả nhà lo tìm kho báu”, một hàng xóm cho biết.
Trưởng thôn Vĩnh Thượng, ông Phạm Hữu Hoan cho biết, hố đào sâu hàng chục mét, có cả ròng rọc, ván gỗ cốt pha làm bậc thang để hỗ trợ chuyển đất lên. Sân nhà ông Nhường khi đó chẳng khác nào một bãi chiến trường, ngổn ngang đất bùn, gỗ cốt pha.
Tường nhà chị Muôn sát sân nhà ông Nhường, việc đào bới ảnh hưởng trực tiếp đến ngôi nhà chị. “Khi tôi biết họ đào tôi đã nhắc nhở cả mấy chục lần, nhưng họ phớt lờ không nghe, còn bảo tôi lắm mồm”, chị Muôn kể.
Chị Muôn ngẩn ngơ trước căn nhà bị hàng xóm làm hỏng |
Chị nhớ lại, cứ đêm ngủ là hàng xóm lại tổ chức đào bới, khiến chị lo lắng, không ngủ được. “Họ đào được khoảng một tháng thì nhà tôi bắt đầu bị rạn nứt. Nhiều đêm đang ngủ mà nghe tiếng rắc rắc, cót két phát ra từ mái nhà. Tiếng đào bới ở dưới nền nhà uỳnh uỵch, tôi ngủ trong nhà mà ngỡ như đang nằm trên xe lửa đi đêm”, chị Muôn nhớ lại.
“Nhiều lần tôi báo cáo sự việc đến thôn, xã nhưng họ chần chừ, không giải quyết triệt để”, vẫn lời chị Muôn.
Đến khoảng đầu tháng 1/2014, nhà chị Muôn bị ảnh hương nghiêm trọng, nền, tường, mái bị nứt ra, nhiều chỗ rộng 20cm. Lo sợ nhà sập bất cứ lúc nào, ảnh hưởng đến tính mạng, chị Muôn đành khăn gói quần áo, đến gõ cửa nhờ cậy em trai sống gần đó ở nhờ.
“Khi đi tôi ấm ức lắm, tốn bao nhiêu tiền bạc mới sửa sang xong, ở chưa được bao lâu thì phải chạy. Khổ nỗi mình can ngăn nhiều nhưng không được, “lực bất tòng tâm”; chính quyền thì thờ ơ không can thiệp kịp thời. Phận mình “thấp cổ bé họng”, tôi đành bỏ nhà đi mà nước mắt như mưa, tủi phận mình thân cô thế cô nên không được ai giúp đỡ”, chị Muôn nghẹn ngào nhớ lại.
Trưởng thôn cho biết, sau khi nhận được phản ánh của người dân, đến ngày 26/1/2014, lực lượng an ninh xã, thôn đã xuống hiện trường, lấp lại các hố. Theo đo đạc, những hố sâu hút, được đào hầm thông qua dưới nền nhà chị Muôn 40cm.
Xã vào cuộc giải quyết, chị Muôn yêu cầu gia đình ông Nhường bồi thường thiệt hại. Sau nhiều lần hòa giải, ông Nhường đồng ý bồi thường 50 triệu khắc phục hậu quả.
“Nhưng công an xã gọi lên ba lần, họ đều nói không có tiền. Nhiều lần tôi sang đòi tiền, họ bảo không có, còn thách thức”, chị Muôn nói. “Đã gần nửa năm trôi qua, nhà tôi không thể ở, tiền thì chưa được nhận, cuộc sống hết sức khó khăn”, vẫn lời chị Muôn. Chị cho biết, thời gian tới nếu không được bồi thường, chị sẽ kiện hàng xóm ra tòa án.
Trước hoàn cảnh chị Muôn, dư luận địa phương thương cảm, ai cũng mong các cấp lãnh đạo xã Khai Thái và huyện Phú Xuyên quan tâm, giúp đỡ, đòi lại quyền lợi chính đáng cho người đàn bà yếu thế này./.