Tháng 8/2011, Sở Giáo dục và Đào tạo GD&ĐT Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) công bố mời thầu gói thầu “Mua sắm máy tính để bàn và máy chiếu đa năng” thuộc một dự án của Bộ GD&ĐT. Đây là gói thầu mua sắm thiết bị theo hình thức đấu thầu cạnh tranh.
Theo hồ sơ mời thầu, nhà thầu phải có 2 hợp đồng tương tự như hợp đồng của gói thầu này đã thực hiện với tư cách là nhà thầu chính hoặc nhà thầu phụ trong thời gian 03 năm gần đây. Hồ sơ cũng quy định về “năng lực sản xuất và kinh doanh” là “tối thiểu có 10 người, trong đó có ít nhất 3 người trình độ từ đại học trở lên”. Đồng thời, doanh thu trung bình hàng năm trong 2 năm gần đây (năm 2009, 2010) tối thiểu 7,3 tỷ đồng.
Gói thầu “mua sắm máy tính” tại Sở GD&ĐT Hà Tĩnh bị “tố” có sai phạm. Ảnh minh họa |
Đọc thông báo này, lãnh đạo Cty cổ phần Tập đoàn điện tử công nghiệp Việt Nam (CDC) hăng hái làm hồ sơ tham gia đấu thầu. Xét về năng lực, CDC hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu vì DN này đã là một nhà thầu “lành nghề” trong lĩnh vực này.
Cty CDC là một DNNN trực thuộc Bộ Công thương, hoạt động theo Đăng ký kinh doanh số 110782 ngày 29/5/1993 do Sở KH&ĐT Hà Nội cấp. Sau đó, công ty chuyển đổi thành Cty Cổ phần điện tử công nghiệp thông qua cổ phần hóa theo quyết định số 2087/QĐ-BTC ngày 29/04/2009 của Bộ trưởng Bộ Công thương. Từ ngày thành lập, CDC đã tham gia nhiều gói thầu mang tầm quốc tế, quốc gia và đã có rất nhiều công trình về công nghệ thông tin có tầm cỡ với doanh thu hàng năm lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Đến ngày mở thầu, đại diện CDC cảm thấy hết sức tự tin vì theo kết quả được công bố, CDC có rất nhiều lợi thế so với các nhà thầu khác. Cụ thể, Cty CDC (Hà Nội) chào giá dự thầu là 4.689.020.000 VNĐ (4,689 tỷ đồng), đồng thời có thư giảm giá 150.000.000 VNĐ (150 triệu đồng), qua đó giá thực được chào là 4.539.020.000 VNĐ (4,539 tỷ đồng).
Trong khi đó, Cty Hải Nam (Nghệ An) có giá dự thầu là 5.033.600.000 VNĐ (5,033 tỷ đồng); Cty Lam Hồng (Hà Tĩnh) có giá dự thầu là 4.889.340.000 VNĐ (4,889 tỷ đồng) và Cty Nam Phong có giá dự thầu là 4.891.440.114 VNĐ (4,891 tỷ đồng). Cả ba công ty này đều không có thư giảm giá, qua đó có thể thấy là CDC vượt trội về giá đấu.
Tuy nhiên, trong quá trình chấm thầu, không hiểu sao phía chủ đầu tư và nhà tư vấn là Cty tư vấn và thẩm định giá Đông Á lại cho rằng Cy CDC không đủ năng lực và kinh nghiệm, và kết quả là CDC đã trượt thầu, thay vào đó chọn công ty Lam Hồng! Một trong những điểm được coi là “không đủ năng lực” chính là việc Cty CDC đã cổ phần hóa vào năm 2009 và theo đăng ký kinh doanh mới (của Cty cổ phần) thì CDC… chưa đủ 3 năm kinh nghiệm.
Với “kết quả” nhận được, phía CDC đã chủ động làm công văn gửi tổng Cục Quản lý đấu thầu, Bộ KH&ĐT để “hỏi cho chắc” về trường hợp của mình.
Công văn gửi đi đã được Cục Quản lý đấu thầu phúc đáp nhanh chóng theo đúng quy định hiện hành. Cụ thể, theo công văn số 481/QLĐT – CS do ông Nguyễn Xuân Đào, Phó Cục trưởng Cục quản lý đấu thầu ký ngày 22/09/2011 thì “Trường hợp nhà thầu có tên mới do được đổi tên khi thực hiện cổ phần hóa thì kinh nghiệm của nhà thầu này được tính từ khi được thành lập, bao gồm cả quá trình trước khi nhà thầu được đổi tên”.