Số phận của hơn 600.000 thí sinh trượt đại học năm 2010 đang được đem ra “mổ xẻ”. Phương án học nghề được đặt ra nhiều nhất, nhưng thực tế rất ít thí sinh trượt “đầu quân”.
HS trong giờ thực hành nghề mộc tại Trường Trung cấp nghề Thanh Hoá. |
Áp lực bằng cấp Từ giữa tháng 8, các trường cao đẳng và trung cấp nghề (không tổ chức tuyển sinh) bắt đầu xét tuyển và “cuộc đua” vét thí sinh bắt đầu. Tuy nhiên theo thầy Nguyễn Hữu Hoài, Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa, tỷ lệ các trường tuyển đủ chỉ tiêu là rất ít ỏi. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các bậc phụ huynh có xu hướng cho con học ĐH, CĐ chứ không muốn con cái đi theo con đường nghề. “Trượt ĐH, các em thi cao đẳng, trượt cao đẳng các em mới tính đến chuyện học nghề. Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện nhiều các trường ĐH, CĐ nên không học trường này các em học trường khác chứ ít em lựa chọn con đường học nghề”- thầy Hoài tâm sự. Cùng quan điểm với thầy Hoài, thầy Phạm Văn Điều (Trường Trung cấp nghề Gia Lai) cho biết: “Phần lớn phụ huynh đều muốn con cái mình được làm thầy chứ không muốn con cái mình làm thợ, đến khi không thể làm thầy được mới chấp nhận đi làm công nhân. Tuy nhiên, khi đã chấp nhận cho con cái đi làm công nhân nhiều người cũng chỉ muốn con cái làm công nhân áo trắng chứ không muốn làm các nghề như xây, mộc…”.
Theo Tổng cục Dạy nghề, tổng chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động năm 2010 là hơn 1,7 triệu người (trong đó đào tạo dài hạn hơn 300.000 lao động). Năng lực của các trường nghề dư sức giải quyết số học sinh thi trượt ĐH, CĐ. |
Có hai con thi… trượt đại học nhưng nhất định không cho con đi học nghề, ông Nguyễn Văn Dũng (xã Tráng Việt, Mê Linh, Vĩnh Phúc) nói: “Làm nghề thợ mộc, phụ hồ thì cần gì bằng cấp. Đã học hết lớp 12, tôi cố gắng cho các cháu đi học ĐH,CĐ để có cái bằng cho nó ấm thân”.Tâm lý ngại học nghề “Đây là tâm lý hết sức phổ biến - thầy Nguyễn Hữu Hoài bày tỏ - hàng năm, cứ thi xong ĐH,CĐ và... trượt là dư luận lại hướng các em tới học nghề, vô hình trung tạo ra tâm lý: “Học dốt thì đi học nghề” khiến các em rất mặc cảm”. Ngoài việc phải đối mặt với quan niệm của xã hội, các trường nghề còn phải đối mặt với tâm lý ngại học nghề của phần lớn lao động phổ thông. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, nhà máy vẫn tuyển lao động chưa qua đào tạo nên nhiều lao động không có hứng thú khi đi học nghề vì có học hay không thì lương và điều kiện làm việc cũng vẫn vậy. Điều này đã khiến công tác tuyển sinh nghề vốn đã khó khăn lại càng thêm phần khó khăn. Để giải quyết tình trạng này, ông Hà Minh Phương - quyền Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh sinh viên (Tổng cục Dạy nghề) nói: “Ngay sau kỳ thi ĐH,CĐ, chúng tôi liên tục làm các chương trình truyền thông về học nghề, cung cấp thông tin cho các em về những trường nghề có uy tín, những nghề đang cần lao động và có thu nhập cao”. Thực tế, theo ông Phương, để kích thích nhu cầu học nghề của lao động chỉ có một cách là khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã được đào tạo nghề và trả lương xứng đáng cho lao động có nghề. Hiện nay, theo thang, bảng lương, mức chênh lệch thu nhập giữa lao động có nghề và lao động phổ thông rất thấp. Thầy Hoài cho biết thêm: “Để thực hiện được điều này cần có một bảng lương cho lao động qua đào tạo nghề từ sơ cấp trở lên để đảm bảo có học có hơn”.
Theo Dân việt