Trưởng thôn “mê” hiến máu tình nguyện

Anh Nguyễn Tấn Chờ
Anh Nguyễn Tấn Chờ
(PLVN) - Là 1 trong 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội, anh Nguyễn Tấn Chờ - Trưởng thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiên, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk vẫn vẹn nguyên trong mình tinh thần sẵn sàng cho đi dòng máu đỏ để cứu người như 30 năm trước khi lần đầu tiên anh hiến máu. “Chừng nào tôi còn sức khỏe thì tôi vẫn tiếp tục hiến máu cứu người” – anh luôn chắc nịch một câu khẳng định như vậy.

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Tây Nguyên, ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Tấn Chờ (SN 1967, thôn Tiến Thịnh, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) đã được cha mẹ dạy phải sống bác ái, nhân đạo. Cơ duyên khiến anh tham gia hiến máu và duy trì đều dặn cho đến tận hôm nay xuất phát từ lần thực hiện nhiệm vụ truy quét Fulro ở biên giới năm 1986.

Khi đó, một đồng đội của anh bị thương nặng, mất nhiều máu có thể nguy hiểm đến tính mạng. Cả đơn vị được huy động đến để tiếp máu, nhưng do người bệnh thuộc nhóm máu hiếm (nhóm máu AB) nên chỉ có hai người nhóm máu O là phù hợp (vì không có kháng nguyên nên nhóm máu O có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác - PV).

Nhưng không may người kia bị nhiễm ký sinh trùng sốt rét không thể cho máu, nên anh Chờ một mình cho máu cứu sống đồng đội. Đó là kỷ niệm không thể nào quên. Tới nay, người đồng đội được cho máu ngày ấy vẫn coi anh Chờ là ân nhân, dù ở xa nhưng họ vẫn giữ mối thân tình bằng hữu.

Từ cái lần đầu tiên ấy, đến nay anh Chờ đã có 37 lần hiến máu nhân đạo và nhiều lần hiến tiểu cầu. Xuất ngũ về địa phương, anh Chờ tích cực tham gia công tác xã hội và trở thành Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Tiến Thịnh. Từ đó đến nay, anh chưa bỏ sót đợt hiến máu cứu người nào mà Hội Chữ thập đỏ xã, huyện tổ chức.

Không chỉ hiến máu tại địa phương, anh Chờ còn đăng ký làm tình nguyện viên hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Gương mặt và số điện thoại của anh đã trở nên quen thuộc với các y, bác sỹ. Dù mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm, hễ nghe ở đâu có bệnh nhân cần máu là anh lập tức lên đường cho máu. 

Cuối năm 2014 có một cậu bé 5 tuổi ở huyện Krông Năng bị thiếu tiểu cầu trầm trọng, nguy hiểm đến tính mạng, trong khi nguồn tiểu cầu dự trữ tại bệnh viện đã hết. Nhận được thông báo từ bác sĩ, anh Chờ đến ngay Bệnh viện tỉnh Đắk Lắk nơi cậu bé đang điều trị để hiến tiểu cầu, kịp cứu bệnh nhân.

“Người nghèo cuộc sống vốn khó khăn, khi đau ốm nhập viện, họ càng túng quẫn. Mình giúp được chừng nào, họ đỡ vất vả chừng ấy. Mình không giàu có vật chất nhưng trời thương cho khỏe mạnh là hạnh phúc rồi. Nhiều lần tham gia hiến máu, mình biết việc cho máu không ảnh hưởng đến gì sức khỏe mà còn có lợi cho người hiến máu, góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân trong cơn nguy kịch. Mình sẽ hiến máu đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa mới thôi”, anh Chờ cho biết.

Không chỉ bản thân hiến máu, anh còn tích cực vận động bà con trong thôn, xóm, và người thân trong gia đình tham gia hiến máu, trong đó cô con gái đầu lòng của anh Nguyễn Huỳnh Thủy (22 tuổi) cũng đồng hành cùng cha trong nhiều hoạt động hiến máu tình nguyện cứu người.

Ngoài việc hiến máu tình nguyện, từ năm 2013 đến nay, anh Chờ cũng tham gia hoạt động “Bếp cháo tình thương” của huyện, cứ 1 tuần 2 buổi, anh cùng các hội viên phát các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo đang chữa trị tại bệnh viện huyện. 

Ở xã Quảng Tiến nơi anh Chờ sinh sống còn có một Đội hiến máu tình nguyện. Những năm qua, phong trào hiến máu nhân đạo ở xã diễn ra rất sôi nổi, lan tỏa những hành động hết sức nhân văn là nhờ Đội tình nguyện hiến máu nói ít, làm nhiều này. Nhờ hoạt động sôi nổi của Đội tình nguyện hiến máu, số lượng tình nguyện viên không ngừng tăng lên.

Đến giữa năm 2019, đội đã có 45 thành viên, trong đó có 5 người đăng ký tham gia Ngân hàng máu sống của huyện. Mỗi tình nguyện viên trong Đội tình nguyện hiến máu có độ tuổi, công việc, hoàn cảnh sống khác nhau nhưng tất cả đều có một quan niệm chung là sẵn sàng cho những giọt máu quý giá của mình đi để tăng thêm cơ hội sống cho những bệnh nhân cần máu, góp sức nhân rộng phong trào để hiến máu trở thành một thói quen của nhiều người dân tại địa phương. 

Trong nhiều năm qua, anh Nguyễn Tấn Chờ đã được các cấp ngành tuyên dương, khen thưởng vì thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu, vận động hiến máu tình nguyện. Năm 2015, anh Chờ đã vinh dự được biểu dương trong Đại hội Thi đua của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ IV tổ chức tại Hà Nội.

Năm 2020 anh là một trong 130 tấm gương tiêu biểu, điển hình tiên tiến của 55 tập thể và 75 cá nhân được đã được Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) và Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị (Bộ Công an) lựa chọn để tôn vinh tại Triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” khai mạc ngày 7/5/2020 nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2020) và sơ kết 04 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... 

Từ ngày 9-11/6, Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện đã tổ chức chuỗi hoạt động tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc lần thứ XIV, hưởng ứng Ngày Quốc tế người hiến máu 14/6. Đây là hoạt động thường niên từ năm 2007 nhằm tri ân, biểu dương những tấm gương hiến máu và vận động hiến máu tiêu biểu trên khắp mọi miền đất nước.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.