- Luật sư Nguyễn Thị Trang - Đoàn Luật sư TP Hà Nội trả lời: Tại Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (HN&GĐ 2014) quy định vợ, chồng có quyền yêu cầu TAND có thẩm quyền giải quyết, công nhận việc ly hôn (chấm dứt quan hệ hôn nhân giữa 2 người). Thẩm quyền giải quyết ly hôn thuộc TAND cấp huyện. Trường hợp quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (đương sự là người nước ngoài, đương sự đang ở nước ngoài…) thì thẩm quyền thuộc TAND cấp tỉnh.
Tuy nhiên, pháp luật cũng quy định, trong một số trường hợp, quyền đơn phương ly hôn bị hạn chế nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người yếu thế như phụ nữ và trẻ em. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014 nêu rõ: “Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi”.
Bên cạnh đó, Điều 56 Luật HN&GĐ 2014 cũng quy định vợ, chồng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương nhưng phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Cụ thể, khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được...
Như vậy, để được Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương thì phải không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 51 và Điều 56 Luật HN&GĐ 2014.
Đối chiếu vào trường hợp của bạn, do con bạn mới 9 tháng tuổi, đã thuộc trường hợp người chồng không được ly hôn đơn phương theo khoản 3 Điều 51 Luật HN&GĐ 2014. Do đó, nếu bạn có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương sẽ không được chấp thuận.