Dự toán “vống” để bắt dân đóng góp?
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Việt Yên, năm 2016, UBND xã Trung Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng công trình: Đường trục chính thôn Tân Sơn từ Cầu 3 đến nghĩa trang thôn với mục tiêu cải thiện điều kiện đi lại của nhân dân trong thôn, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương.
Theo Quyết định (QĐ) phê duyệt dự toán gói thầu xây lắp công trình này của UBND xã, tổng dự toán được duyệt là 401,6 triệu đồng, trong đó 301,6 triệu đồng là ngân sách nhà nước và 100 triệu đồng huy động người dân đóng góp. Chi phí xây dựng tuyến đường được duyệt là 336 triệu và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hải Thọ được chỉ định thi công công trình.
Tuyến đường có tổng chiều dài 255,44m được phê duyệt có kết cấu mác 250# dày 20cm, lót nilon, đệm cát tạo phẳng, chiều rộng mặt đường Bm =3m, chiều rộng lề đường B1 = 0,5m, cứ 5m bố trí 1 khe co, 1 khe giãn, được thực hiện xong và đưa vào sử dụng nhưng chưa quyết toán trong năm 2017. Tuy nhiên, do có tiền nhân dân đóng góp để xây dựng công trình nên khi kiểm tra và so sánh với các tuyến đường bê tông cùng loại được xây dựng cùng thời điểm trong xã, người dân tính toán thấy giá thành đoạn đường 255,44m đã đội giá lên tới 2,6 triệu đồng/m3 bê tông, cao gấp 3 lần so với bình thường.
Đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, người dân thôn Tân Sơn cho rằng, nhiều biểu hiện cho thấy đã có sự gian lận trong dự toán đầu tư cho đoạn đường. Nhóm lãnh đạo thôn, xã bị cho là đã dự toán “vống” lên 401,6 triệu đồng, trong khi kinh phí cho tuyến đường có giá thành chỉ trên dưới 200 triệu đồng. Sau khi đưa vào sử dụng, phát hiện bất thường trong việc xây dựng tuyến đường này, người dân đã có phản ánh lên Đảng ủy, UBND xã cũng như Huyện ủy, UBND huyện Việt Yên đề nghị làm rõ.
Tuy sự việc chưa được UBND huyện Việt Yên thanh, kiểm tra để làm rõ, nhưng đáng chú ý, trong một biên bản giải quyết vào cuối tháng 11/2018 giữa UBND xã Trung Sơn và đại diện người dân thôn Tân Sơn (khi tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng), lãnh đạo xã này bỗng dưng cam kết sẽ rút 100 triệu tiền người dân đã đóng góp để trả lại để cho thôn làm thêm tuyến đường từ Trạm bơm đi nghĩa trang thôn, đổi lại người dân sẽ rút đơn tố cáo.
Ông Bùi Đăng Son, Tổ trưởng thanh tra nhân dân thôn Tân Sơn cho biết: Số tiền 100 triệu thu trái phép của người dân, sau hai năm tố cáo, kiện đòi, đến ngày 4/12/2018, lãnh đạo xã Trung Sơn và thôn Tân Sơn đã hoàn trả tại trụ sở UBND xã cho dân, nhưng việc làm sai này không có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Đến nay, người dân tiếp tục có đơn đề nghị cấp huyện vào cuộc thanh, kiểm tra làm rõ, nếu có vi phạm phải xử lý nghiêm.
Khuất tất trong bồi thường?
Ngoài những bất thường trong xây dựng đường nông thôn mới, quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) xây dựng Khu dân cư thôn Tân Sơn cũng bị người dân tố cáo có nhiều vi phạm. Theo đó, có hộ dân được Nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) tại vị trí bị thu hồi nhưng quá trình phê duyệt phương án bồi thường chính quyền đã “gạt” đi, không đưa vào danh sách để bồi thường hỗ trợ. Trong khi một số cá nhân, trong đó có lãnh đạo thôn Tân Sơn mặc dù không được Nhà nước giao đất, không có giấy tờ thể hiện quyền sử dụng đất nhưng lại được đưa vào danh sách để nhận bồi thường.
Cụ thể, ngày 11/8/2016, UBND huyện Việt Yên có QĐ phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB thực hiện Dự án xây dựng Khu dân cư Tân Sơn. Trong danh sách 14 tổ chức, cá nhân được phê duyệt nhận tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất với tổng kinh phí 314 triệu đồng không hề có tên hộ gia đình ông Bùi Văn Vin. Trong khi từ năm 1999, Nhà nước đã giao cho ông Vin 312m3 đất tại vị trí này để trồng làm nông nghiệp và việc giao đất được UBND huyện thể hiện bằng việc cấp sổ đỏ cho gia đình ông.
Ông Bùi Văn Vin bức xúc bị mất đất nhưng không được bồi thường |
Từ khi được cấp sổ đỏ đến nay, hộ ông Vin chưa hề bị Nhà nước thu hồi hay hủy bỏ sổ đỏ này; nên khi thực hiện thu hồi đất để xây dựng khu dân cư mới, chính quyền địa phương không đưa ông vào danh sách để thu hồi và tiến hành bồi thường khiến gia đình ông cho rằng có tiêu cực. Ông Vin càng bức xúc hơn khi phát hiện một số trường hợp, trong đó có ông Bùi Văn Sản (nguyên Trưởng thôn Tân Sơn) mặc dù không được Nhà nước giao đất ở khu vực thu hồi để làm dự án khu dân cư nhưng vẫn nằm trong danh sách nhận bồi thường với số tiền 25,5 triệu đồng.
Được biết, năm 2018, Đảng ủy xã Trung Sơn đã kỷ luật Đảng với một số cán bộ và cho thôi giữ chức lãnh đạo thôn. Tuy nhiên, những tố cáo về gian lận trong thu hồi đất và khuất tất trong xây dựng nông thôn mới vẫn chưa được kiểm tra, làm rõ để có biện pháp khắc phục xử lý, khiến người dân tiếp tục có đơn lên các cơ quan chức năng.