[links()]Trung Quốc ngày 28/5 bày tỏ quan ngại về những phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, cho rằng tuyên bố của Bắc Kinh tại biển Đông vượt quá sự cho phép của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Người phát ngôn Hồng Lỗi. Ảnh: Wantchinatimes |
Trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila ngày 28/5 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói rằng, Trung Quốc quan ngại về ý kiến của bà Clinton trong bối cảnh các nước khác đã chọn giải pháp tham gia vào vấn đề này.
"Phía Trung Quốc luôn cam kết đảm bảo hòa bình và ổn định ở biển Đông và trong khu vực bằng các biện pháp, ví dụ như đàm phán và ký kết với các nước ASEAN Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) song song với việc nỗ lực giải quyết tranh chấp qua các cuộc đàm phán với các bên liên quan trực tiếp”, ông Hồng Lỗi nói.
Trước đó, trong phiên điều trần tại Ủy ban Các vấn đề Đối ngoại của Thượng viện Mỹ ngày 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Cliton khẳng định “những tuyên bố của Trung Quốc tại biển Đông đã vượt quá sự cho phép của UNCLOS”. Bà Clinton và một số tướng lĩnh quân sự Mỹ đã thúc giục thượng viện Mỹ phê chuẩn UNCLOS vì việc Mỹ không phê chuẩn UNCLOS đã làm suy yếu sự ủng hộ của họ với các nước đồng minh trong tranh chấp trên biển Đông.
2 thượng nghị sỹ dân chủ John Kerry và Barbara Boxer tại phiên điều trần cũng đã chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc tại biển Đông. Ông Kery cho rằng các tuyên bố của Trung Quốc đã vượt xa khá nhiều vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này theo quy định của UNCLOS và lấn vào một vùng lãnh thổ đáng kể rất gần với biên giới đất liền của các các nước trong khu vực.
Theo Đại sứ quán Trung Quốc, ông Hồng cũng đã bày tỏ sự quan ngại về những nỗ lực của Manila hòng lôi kéo bên thứ 3 vào những xung đột với Bắc Kinh quanh khu vực bãi cạn Scarborough (mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham).
Cùng ngày 28/5, Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng phản đối mạnh mẽ một báo cáo đăng trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc ở Manila. Nội dung của báo cáo này viết 2 nước đã nhất trí cho rằng UNCLOS “không thể được sử dụng làm căn cứ pháp lý để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ”. Philippines Daily Inquirer dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez nhấn mạnh những gì Manila nhất trí với Bắc Kinh hồi đầu tháng 5/2012 chỉ là việc cả 2 bên cần kiềm chế để không gây thêm bất kỳ căng thẳng nào ở bãi cạn Scarborough.
“Tôi nói là không có thỏa thuận nào hết. Họ đang lải nhải rằng chúng tôi không tôn trọng thỏa thuận. Tôi thấy tôi nên nói rõ cho Trung Quốc hiểu rõ thông tin của họ là không chính xác” - Ngoại trưởng Philippines Del Rosario tuyên bố. Ngoại trưởng Rosario cũng khẳng định Trung Quốc “vi phạm Tuyên bố ASEAN về ứng xử của các bên ở biển Đông khi ngăn cản Philippines thực thi pháp luật tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này”.
Các cuộc xung đột ở biển Đông - liên quan đến Trung Quốc và một số nước thành viên ASEAN – được dự đoán sẽ là một trong những chủ đề nóng tại Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM-6) khai mạc ngày 29/5 tại Phnom Penh, Campuchia.
Theo nhận định của giới phân tích, những vấn đề liên quan đến tranh chấp trên biển Đông cũng sẽ tiếp tục là chủ đề chính trên bàn nghị sự Đối thoại Shangri-la diễn ra tại Singapore đầu tháng 6 này.
Minh Ngọc (theo Philippines Daily Inquirer)