Đây được coi là cơ hội để Trung Quốc thể hiện vai trò của mình trong trật tự thế giới mới.
Cam kết đầu tư hàng tỉ USD
Tại Hội nghị Thượng đỉnh 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh 16+1) tại thủ đô Budapest, Thủ tướng Lý Khắc Cường nhấn mạnh, cả Trung Quốc và các quốc gia Trung - Đông Âu đều có thế mạnh riêng, có thể bổ sung và thúc đẩy nền kinh tế của nhau, cũng như tạo dựng thành công trên thị trường quốc tế nhờ hợp tác cùng nhau. Cơ chế này phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa, và hy vọng sẽ mang lại kết quả tích cực trong thời gian tới. Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia khu vực này để đưa mối quan hệ hợp tác song phương lên tầm cao mới trong 5 năm tới.
Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết Trung Quốc sẽ đầu tư hàng tỉ Euro vào các quốc gia Trung - Đông Âu. Trong đó, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc sẽ rót khoảng 2 tỉ Euro thông qua một hiệp hội liên ngân hàng giữa Trung Quốc và các nước Trung - Đông Âu được khai trương ngày 27/11. Giai đoạn hai Quỹ hợp tác đầu tư hai bên cũng đã được khởi động với số vốn lên tới gần 1 tỉ Euro, chủ yếu dành cho các nước Trung - Đông Âu.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhận định 16 nước Trung-Đông Âu tham dự hội nghị chính là động lực thúc đẩy nền kinh tế châu Âu, và châu Âu cần phải hợp tác với một nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc cả về tài chính và công nghệ để phát hiển hơn trong tương lai. Cơ chế hợp tác 16+1 sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho các nước thành viên mà còn cho cả châu Âu trên tinh thần cùng thắng.
Trong khuôn khổ hợp tác này, Hungary đã xem xét các dự án chính, điển hình là dự án hiện đại hóa tuyến đường sắt Budapest-Belgrade, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông của Tuyến đường Tơ lụa hình thành trong tương lai. Hungary cũng công bố gọi thầu dự án nâng cấp tuyến đường sắt nối liền Hungary và Serbia trị giá gần 2 tỉ Euro, với phần lớn vốn vay từ Ngân hàng Xuất-nhập khẩu Trung Quốc.
Bên lề Hội nghị đã diễn ra diễn đàn doanh nghiệp với sự tham dự của đại diện hơn 1.000 doanh nghiệp tới từ Trung Quốc và 16 nước Trung - Đông Âu. Hàng chục thỏa thuận và hợp đồng kinh tế cũng đã được ký kết, trong đó có thỏa thuận xây tuyến một đường cao tốc nối Serbia với Croatia trị giá 450 triệu Euro.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Hungary, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư vào Hungary, giúp tạo ra nhiều việc làm hơn tại nước này; mở ra những cơ hội tốt cho các công ty Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm quản lý của Hungary. Hai bên đã ký hơn 10 thỏa thuận hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại điện tử, tài chính, viễn thông, du lịch và giáo dục.
Hiện nay, Hungary là điểm đến đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở khu vực Trung và Đông Âu (CEE), chiếm tới 1/3 tổng vốn đầu tư của Trung Quốc vào khu vực này. Đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Hungary là khoảng 4,1 tỷ USD, tạo ra 10.000 việc làm cho người dân địa phương. Năm 2016, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Hungary tăng 10% so với năm 2015, trong khi nhập khẩu từ Hungary vào Trung Quốc tăng 20%.
Tham vọng
Hội nghị Thượng đỉnh 16 nước Trung - Đông Âu (CEEC) và Trung Quốc (hay còn gọi là Hội nghị Thượng đỉnh 16+1) là ý tưởng của Trung Quốc nhằm hiện thực hóa Sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường” do Chủ tịch Tập Cận Bình đề xuất. Đây là sáng kiến đầy tham vọng của Trung Quốc muốn mở rộng và thúc đẩy hợp tác với 16 nước Trung và Đông Âu trong các lĩnh vực đầu tư, giao thông vận tải, tài chính, khoa học, giáo dục và văn hóa. Để hiện thực hóa sáng kiến này, Trung Quốc dự kiến đầu tư hàng tỉ đô la Mỹ xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng như cảng biển, đường sắt và đường bộ dọc theo Con đường tơ lụa cổ nối liền quốc gia này với châu Âu.
Nhiều nhà phân tích cho rằng không phải ngẫu nhiên Trung Quốc lại rót tiền vào Trung-Đông Âu. Một mặt, Trung Quốc quyết tâm thực hiện chiến lược tăng cường sự hiện diện của mình tại Trung và Đông Âu để tiến sâu vào trong EU, tạo hành lang kinh tế Á-Âu.
Mặt khác, việc thiết lập diễn đàn 16+1 chính là cơ hội để Trung Quốc tăng cường quan hệ với các quốc gia Trung và Đông Âu, cũng như kết nối với châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua sáng kiến “Một Vành Đai, Một Con Đường”. Từ đó, tạo bàn đạp cho Trung Quốc thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường rộng lớn, trở thành đối trọng kinh tế cạnh tranh của EU.
Ngoài ra, việc mở rộng hợp tác kinh tế với chính các thành viên EU không chỉ giúp Trung Quốc khẳng định vị thế quốc tế đang lên, mà còn triển khai các mục tiêu chiến lược như dự án “Con đường tơ lụa”, gây sức ép EU công nhận quy chế kinh tế thị trường của nước này hay việc ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ.
Dù nằm cách xa nhau về mặt địa lý nhưng Trung Quốc và các nước Trung-Đông Âu đã thiết lập một nền tảng hợp tác xuyên khu vực. Đây là một phần của quá trình toàn cầu hóa đang thực sự phát huy ảnh hưởng ở mọi nơi trên thế giới, đồng thời thúc đẩy hợp tác có tính bổ sung cho nhau ở mỗi quốc gia và khu vực.