Hôm 20/8, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã thông qua Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình sửa đổi, cho phép mỗi cặp vợ chồng có ba con và quy định các biện pháp hỗ trợ cho chính sách mới này.
Từ những năm 1980, Trung Quốc đã giới hạn nghiêm ngặt hầu hết các cặp vợ chồng chỉ có một con. Tuy nhiên, do tâm lý thích con trai đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc.
Chính sách một con của Trung Quốc đã giúp giảm 400 triệu ca sinh thêm ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, nhờ đó tiết kiệm tài nguyên và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tỷ lệ sinh của Trung Quốc đã giảm dần.
Các quy định lần đầu tiên được nới lỏng vào năm 2015 để cho phép sinh hai con khi các quan chức thừa nhận những hậu quả tiềm ẩn của việc tỷ lệ sinh giảm mạnh, dẫn đến nguy cơ dân số Trung Quốc "sẽ già trước khi trở nên giàu có".
Trong khi số lượng người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc giảm trong thập kỷ qua thì dân số hầu như không tăng, làm tăng thêm sự căng thẳng trong một xã hội bị già hóa dân số. Thống kê cho thấy 12 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra vào năm ngoái, giảm 18% so với 14,6 triệu của năm 2019.
Người Trung Quốc trên 60 tuổi, chiếm 264 triệu người, chiếm 18,7% tổng dân số cả nước vào năm 2020, cao hơn 5,44 điểm phần trăm so với năm 2010. Đồng thời, dân số trong độ tuổi lao động giảm xuống 63,3% tổng dân số từ 70,1% của thập kỷ trước.
Trung Quốc dự kiến sẽ ban hành các biện pháp mới để “giảm bớt gánh nặng" nhằm khuyến khích người dân sinh thêm con. Ảnh: AP |
Việc chuyển sang quy tắc sinh hai con đã dẫn đến sự gia tăng tạm thời về số lượng sinh nhưng tác động của nó sẽ sớm biến mất và tổng số ca sinh tiếp tục giảm do nhiều phụ nữ tiếp tục quyết định không lập gia đình và sinh con.
Cùng với việc cho phép sinh con thứ 3, Trung Quốc dự kiến sẽ ban hành các biện pháp mới về tài chính, thuế, trường học, nhà ở và việc làm để “giảm bớt gánh nặng" cho các gia đình, tăng thêm các nguồn lực cho cha mẹ và việc chăm sóc con cái.
Đồng thời, Luật sửa đổi cũng hướng đến việc tìm cách giải quyết tình trạng phân biệt đối xử lâu nay đối với phụ nữ mang thai và bà mẹ mới sinh tại nơi làm việc vốn được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc hạn chế sinh thêm con, cùng với chi phí sinh hoạt quá cao và nhà ở chật chội, nhất là ở các thành phố lớn.
Mặc dù tỷ lệ nữ trong lực lượng lao động ở Trung Quốc chiếm tỷ lệ cao, nhưng phụ nữ, đặc biệt là những người có con, lại chiếm tỷ lệ thấp ở các vị trí cao (khoảng 8,4% các vị trí lãnh đạo ở cấp trung ương và cấp tỉnh).