Trung Quốc: Điệp viên nước ngoài đã “chui sâu leo cao” như thế nào?

Từ Tuấn Bình
Từ Tuấn Bình
(PLO) - Năm 2001, trước khi Phó Thủ tướng Tiền Kỳ Tham sang thăm Mỹ thì báo chí hải ngoại bất ngờ đưa tin: Tháng 12/2000, một chuyên gia chiến lược quân sự quân hàm Đại tá đã phản bội, chạy thoát sang Mỹ khiến những con bài chính về chính sách chiến lược quân sự Trung-Mỹ-Đài Loan hoàn toàn rơi vào tay người Mỹ. 

Sau đó, phía Mỹ chính thức xác nhận, kẻ phản bội là Từ Tuấn Bình - Cục trưởng Cục Mỹ và Đại Tây Dương, Bộ Tổng Tham mưu.

Đại tá tình báo đào tẩu sang Mỹ

Theo nguồn tin của một quan chức Bắc Kinh, nội tình vụ Từ Tuấn Bình rất phức tạp, nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì báo chí hải ngoại đưa tin.

Thân phận thực của Bình là điệp viên cao cấp của Cục 2 (Cục Tình báo quân sự, Bộ Tổng Tham mưu); cấp trên của Bình là tướng Cơ Thắng Đức - Phó Cục trưởng Cục 2 - mới bị kết án tù cách đó ít lâu do dính líu đến vụ án buôn lậu Viễn Hoa.

Bình là một nhân viên cốt cán làm công tác tình báo hải ngoại của quân đội, nắm giữ rất nhiều bí mật về mạng lưới tình báo ở nước ngoài của Trung Quốc. Vụ phản đào của Bình có thể dẫn đến việc hệ thống tình báo hải ngoại của Trung Quốc bị Mỹ phá vỡ.

Báo chí hải ngoại tiết lộ: Từ những thông tin tình báo do Bình cung cấp, người Mỹ biết chính sách của Trung Quốc đối với Mỹ và Đài Loan bề ngoài cứng rắn, thực ra là hư trương thanh thế; do đó, họ cố ý rất lạnh nhạt với chuyến đi của ông Tiền Kỳ Tham.

Từ Tuấn Bình thường xuyên tháp tùng các chuyến đi thăm của lãnh đạo Quân ủy, rất quen và biết nhiều về các quan chức Quân ủy, những thông tin tình báo mà Bình mang sang Mỹ  không chỉ là số lượng tên lửa của Trung Quốc, độ chính xác của chúng mà còn là tính cách các nhà lãnh đạo, tập quán quyết sách và phương thức quyết sách...

Đại tá Từ Tuấn Bình trốn ở lại Mỹ trong chuyến tháp tùng đoàn thăm Mỹ tháng 12/2000. Do Bình nắm rất nhiều cơ mật của quân đội đối với Mỹ nên Bắc Kinh rất căng thẳng, lo lắng, các cơ quan tình báo quân sự vội vã đưa ra những điều chỉnh lớn về bố trí lực lượng.

Đây là sự kiện điệp viên chạy trốn nghiêm trọng nhất kể từ sau vụ Du Cường Thanh, Trưởng phòng Bộ An ninh quốc gia phản bội chạy sang Mỹ khiến điệp viên chiến lược Kim Vũ Đài mai phục hơn 30 năm trong Cục Tình báo Mỹ (CIA) bị lộ và bị bắt hồi năm 1985.

Từ Tuấn Bình năm 1989 được đưa sang tu nghiệp tại Học viện Kennedy, Đại học Havard, là cấp dưới trực tiếp của Cơ Thắng Đức - Cục phó Tình báo quân sự - có quan hệ rất rộng.

Năm 1999 xảy ra vụ án buôn lậu Viễn Hoa, Cơ Thắng Đức bị bắt và nhận án tử hình hoãn thi hành. Tháng 12/2000, nhân cơ hội tháp tùng đoàn đi thăm, Bình trốn ở lại Mỹ, mang theo nhiều điều cơ mật, cung cấp cho CIA.

Mãi đến tháng 9/2014, Trung Quốc mới lần đầu tiên chính thức xác nhận sự kiện Từ Tuấn Bình đào tẩu tới Mỹ.

Vương Khánh Giản
Vương Khánh Giản

Đại tá tình báo phản biến ở Tokyo

Vương Khánh Giản là sĩ quan tình báo quân đội thuộc biên chế “Bộ Liên lạc” (tương tự Cục Địch vận) của Tổng bộ Chính trị mang lon Đại tá. Cuối những năm 1980, Giản được “đánh chìm” sang Hội Liên lạc hữu hảo quốc tế Trung Quốc phụ trách mảng công tác đối với Nhật.

Năm 2001, Giản là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật, giao lưu, tiếp xúc nhiều và có quan hệ rộng rãi với các giới của Nhật, rồi phản biến, làm điệp viên cho Nhật.

Theo yêu cầu của đối tác Nhật, cứ đến giờ quy định là Giản mở cửa sổ để thiết bị do thám điều khiển từ xa của Nhật bay vào hoạt động, thậm chí còn cài đặt thiết bị nghe trộm tại Phòng Tùy viên quân sự của sứ quán.

Hè năm 2006, Giản trao cho Nhật một bản báo cáo tình báo quân sự quan trọng và phía Nhật bất cẩn, công bố một phần nội dung bản báo cáo đó, khiến Giản lọt vào tầm ngắm của cơ quan phản gián Trung Quốc. 

Năm 2006, Vương Khánh Giản bị cơ quan An ninh quốc gia điều tra, khởi tố vì tội tiết lộ bí mật quân sự. Đầu năm 2007, Tòa án quân sự mở phiên tòa xét xử bí mật, tuyên phạt Giản án tử hình, hoãn thi hành 2 năm.

Vụ án gián điệp của Giản đầu tiên bị tờ “Sankei Shimbun” của Nhật đăng tải, sau đó được đăng lại rộng rãi trên các báo người Hoa hải ngoại và quốc tế, nhưng trong suốt thời gian dài phía Trung Quốc không lên tiếng xác nhận hay bác bỏ.

Đến tháng 9/2014, lần đầu tiên quân đội Trung Quốc mới chính thức xác nhận vụ án Vương Khánh Giản làm gián điệp cho Nhật là có thật.

Viện sỹ -điệp viên của 5 nước

Lục Kiến Hoa là một trong số những chuyên gia tư vấn cấp cao nhất của Trung Quốc trực tiếp soạn thảo các báo cáo nghiên cứu về chính sách trình lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào. Thật không ngờ, vị chuyên gia chính sách này lại là điệp viên của tình báo nước ngoài…

Lục Kiến Hoa sinh tháng 7/1960 tại Thượng Hải, năm 1982 tốt nghiệp Đại học Phục Đán, năm 1987 lấy bằng Thạc sĩ ở Đại học Nam Khai, 1992 có bằng Tiến sĩ và trở thành Viện sĩ Viện KHXH Trung Quốc rồi trở thành Phó Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu chính sách công trực thuộc Viện này.

Năm 1996, Lục Kiến Hoa được bình chọn vào danh sách “10 thanh niên Bắc Kinh kiệt xuất nhất”, nhiều lần được mời ra nước ngoài giảng dạy, giao lưu học thuật.

Lục Kiến Hoa
 Lục Kiến Hoa

Hoa được đánh giá là nhân vật “tuổi trẻ tài cao”, có nhiều thành tựu nghiên cứu về vấn đề thanh niên, vấn đề xã hội, phát triển xã hội và chính sách công, là một trong số mấy tác giả chủ chốt soạn thảo Sách Xanh về tình hình xã hội Trung Quốc, được mời tham gia thuyết trình các đề tài quan trọng tại nhiều Bộ, Ủy ban.

Hoa cũng là thành viên ban lãnh đạo nhiều tổ chức, hiệp hội của Bắc Kinh và toàn quốc. Lục Kiến Hoa còn là gương mặt quen thuộc trên CCTV với vai trò MC chủ trì chương trình “Đông Phương thời không”, MC chương trình “Đọc sách” của kênh BTV-2, Bình luận viên chương trình “Diễn đàn CCTV”…

Tháng 4/2005, Lục Kiến Hoa bị bắt sau khi cơ quan phản gián Trung Quốc phá vỡ mạng lưới gián điệp của Trình Tường, phóng viên Hong Kong, đại diện thường trú “Thời báo Eo biển” (Singapore) tại Trung Quốc.

Ngày 18/12/2006, Tòa án thành phố Bắc Kinh xét xử và tuyên phạt Lục Kiến Hoa 20 năm tù về tội “tiết lộ cơ mật quốc gia”.

Bản luận tội của viện kiểm sát cáo buộc Hoa từ năm 2003 đã thông qua Trình Tường gửi ra ngoài 70 văn bản, tài liệu, bài viết, trong đó có 18 văn bản liên quan đến bí mật quân sự cao nhất. Lục Kiến Hoa cộng tác với cơ quan tình báo 5 nước và khu vực: Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan.  

Tuy nhiên, vụ án gián điệp của Lục Kiến Hoa không được tuyên truyền rộng rãi ở Trung Quốc.

Gián điệp ẩn mình ở cơ quan trung ương

Đông Đạt Ninh, sinh năm 1950 ở Liêu Ninh, người dân tộc Mãn, văn hóa đại học, tham gia công tác từ 1969, vào ĐCS Trung Quốc tháng 4/1975, năm 1984 bắt đầu về công tác tại Ủy ban Cải cách thể chế quốc gia, lần lượt qua các chức vụ:

chuyên viên Vụ Thí điểm, Vụ Tổng hợp, Phó phòng, Trưởng phòng; năm 1998 là Vụ phó Vụ Thư ký hành chính Văn phòng Cải cách thể chế Quốc vụ viện; tháng 6/2001 là Phó chủ nhiệm (Vụ phó) Sự vụ hành chính, Quỹ bảo hiểm xã hội toàn quốc, tháng 2/2003 lên Chủ nhiệm (Vụ trưởng). Từ tháng 10/2003 là Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Phó Bí thư đảng ủy Quỹ BHXH Trung Quốc.

Ngày 21/2/2004, Đông Đạt Ninh bị bãi chức vì tình nghi hoạt động gián điệp, ngày 26/3 cùng năm thì bị bắt. Qua điều tra cho thấy, trong thời gian từ 1990 đến tháng 2/2004, Ninh đã nhận chỉ thị của đại diện tổ chức gián điệp Đài Loan, thu thập và cung cấp nhiều bí mật quốc gia cho cơ quan tình báo quân sự Đài Loan.

Lợi dụng tiện lợi trong công tác, nhiều lần chuyển phát các tài liệu cơ mật, bí mật và tuyệt mật của trung ương, Quốc vụ viện…cho cơ quan tình báo Đài Loan và được họ trả thù lao 210 ngàn USD. Những thông tin mật mà Ninh cung cấp đã giúp Đài Loan tránh được những tổn thất nghiêm trọng.

Ví dụ thông tin tuyệt mật về việc điều chỉnh tỷ lệ hối đoái đồng Nhân dân Tệ đã giúp Đài Loan có sự chuẩn bị để đối phó, qua đó tránh được thiệt hại tới 200 tỷ Đài Tệ. 

Đông Đạt Ninh
Đông Đạt Ninh

Ngày 22/8/2005, Tòa án trung cấp Bắc Kinh đã mở phiên tòa xét xử Đông Đạt Ninh về tội làm gián điệp, tuyên phạt Ninh mức án tử hình, tịch thu toàn bộ tài sản. Ninh không phục, làm đơn kháng án. Ngày 30/11/2005, Tòa án cấp cao Bắc Kinh xử phúc thẩm ra phán quyết: bác bỏ kháng tố, giữ nguyên mức án tử hình.

Ngày 23/3/2006, được Tòa án tối cao phê chuẩn, Ninh đã bị hành quyết. Tháng 4/2006, Đảng ủy Quỹ BHXH ra quyết định khai trừ đảng tịch đối với Ninh.

Vụ án gián điệp Đông Đạt Ninh được coi là án gián điệp Đài Loan lớn thứ 2 chỉ sau vụ án Thiếu tướng Lưu Liên Côn những năm 1990. Vụ án này đã được Trung Quốc dựng thành bộ phim giáo khoa dùng để tuyên truyền giáo dục: “Vụ án gián điệp Đông Đạt Ninh lấy cắp bí mật”./.

Đọc thêm

Tuyên bố đáng chú ý của Nga

Tuyên bố đáng chú ý của Nga
(PLVN) - Trong bối cảnh phương Tây thảo luận việc cung cấp vũ khí hạt nhân cho Ukraine, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev đưa ra tuyên bố: Nga có thể chuyển giao công nghệ hạt nhân cho "các quốc gia thù địch với Mỹ".

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua

Chấn động thế giới những vụ tai nạn cuối tuần qua
(PLVN) - Thế giới vừa trải qua một cuối tuần nhiều biến động với loạt tai nạn thảm khốc xảy ra ở nhiều nơi: Xe khách lao xuống vực ở Brazil, máy bay Nga bốc cháy khi hạ cánh ở Thổ Nhĩ Kỳ, lũ quét kinh hoàng ở Indonesia và cháy lớn thiêu rụi khu ổ chuột ở Philippines...

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.