Trung Quốc: Dịch vụ mai mối trở thành món hời béo bở

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Chính sách “Một con” đã dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở Trung Quốc, kéo theo vấn đề nan giải tìm vợ đối với đàn ông nước này. Giờ đây, để cưới được vợ, họ phải sử dụng đủ mọi cách và mất rất nhiều tiền của vào các trường học tán tỉnh hay trung tâm mai mối…

Hiện nay ở Trung Quốc có khoảng 200 triệu người độc thân. Đây là kết quả của chính sách “Một con” kéo dài suốt mấy chục năm qua, kèm theo đó là tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính. Cứ 100 nữ thì có tới 114 nam, theo đó số đàn ông Trung Quốc nhiều hơn số phụ nữ khoảng 30 triệu người.

Thực trạng này đã dẫn đến ngành công nghiệp mai mối phát triển mạnh ở Trung Quốc. Các ứng dụng, trang web tán tỉnh, các trung tâm hẹn hò hay công ty mai mối mọc lên như “nấm sau mưa”, thu lợi hàng trăm triệu USD/năm.

Theo New York Times, các lớp học dạy kỹ năng mềm như tán tỉnh, học hẹn hò ngày càng mở ra nhiều tại Trung Quốc và trở thành môn học ngoại khóa của nhiều nam giới. Học viên sẽ được thầy dạy tán tỉnh chỉ cách thoa kem nền, cách chăm sóc da trước khi đi hẹn hò; đưa đi thay đổi phong cách thời trang; hướng dẫn cách nói năng, dáng đi, điệu bộ; cách chụp ảnh, sử dụng mạng xã hội…

Từ tầng lớp nghèo tìm vợ…

Tại một trung tâm mai mối được trang trí lộng lẫy ở Hàng Châu có tên “Thành phố thân mật”, 8 người đàn ông đến đây tham gia “khóa học tán tỉnh” với mong muốn tìm kiếm người phụ nữ của cuộc đời mình. Một trong số họ là Liu Yuqiang, ăn mặc chỉn chu, mắt đeo kính râm, giày đánh bóng, đầu tóc chải chuốt cẩn thận… Tất cả đều nhằm che giấu sự thật là anh xuất thân từ ngôi làng nhỏ nơi quê nghèo và để mưu sinh anh đang làm ở một siêu thị. 27 tuổi, Liu không còn trẻ và cũng biết rõ đàn ông nông thôn không phải sự lựa chọn của phụ nữ thành phố.

Liu bước đi ngượng nghịu, cảm thấy sợ và thiếu tự tin vào bản thân. Trong khi đó, Tiến sĩ Tình yêu, huấn luyện viên tán tỉnh đang cố giúp anh bắt chuyện với phụ nữ. “Đi tới chỗ cô gái. Ước lượng khoảng cách an toàn 1,5 m. Nói rằng cô ấy thật thu hút, lấy số điện thoại rồi giả vờ có hẹn và đi tiếp”, Tiến sĩ Tình yêu dặn dò. Nhưng 10 phút trôi qua, Liu vẫn chưa bắt chuyện với ai. Dù Tiến sĩ Tình yêu đôi khi thúc nhẹ ra dấu cho Liu tiếp cận đối tượng, nhưng lần nào Liu cũng không thể làm được. Thất bại, Liu dựa vào tường trong một quán cà phê và uống một ngụm nước suy ngẫm trong lúc chờ đối tượng tiếp theo. Cha mẹ đang gây áp lực cho anh và liên tục thúc giục anh lấy vợ. “Bố mẹ tôi giờ đã già rồi, họ đã làm việc chăm chỉ cả đời để nuôi tôi. Bây giờ, tôi có trách nhiệm để bố mẹ được hạnh phúc”, Liu nói. 

Đôi khi, Liu mơ có nhà, xe và làm chủ để trở thành đối tượng theo đuổi của phụ nữ. Liu từng chia sẻ: “Nếu là nam, bạn sẽ không muốn đến từ Giang Tây”. Bởi lẽ, xuất thân tỉnh lẻ khiến viễn cảnh tìm vợ của anh càng mịt mù. Những người có hộ khẩu ở quê thường đối mặt với nguy cơ bị xa lánh trong khi nữ giới Trung Quốc coi trọng nguồn gốc xuất thân của chồng và đánh giá cao địa vị của đàn ông có nhà, xe. Điều này đặt ra thách thức cho hàng triệu lao động di trú từ quê. Theo Liu, họ ở cách tình yêu tận “3 ngọn núi cao” là tiền, thời gian và quan hệ. Một cô gái từng từ chối thẳng thừng với Liu vì cho rằng mối quan hệ với anh sẽ chỉ dẫn đến “đám cưới chay”, không tiệc, nhẫn, xe và cũng chẳng có tuần trăng mật. 

Việc tìm đối tượng không bao giờ là chuyện dễ dàng. Tình yêu giờ đây không chỉ dựa trên mối quan hệ đơn thuần giữa nam và nữ mà trở thành một vấn đề phức tạp. Để yêu nhau, những thanh niên Trung Quốc sẽ đặt ra nhiều tiêu chí để lựa chọn. Kinh tế phát triển kéo người trẻ ra khỏi các làng và thị trấn để tìm kiếm cơ hội cho mình. Người trẻ từ đó cũng được tự do hơn nhưng áp lực cưới xin vẫn đè nặng vai họ. Điều này tạo cơ hội cho hàng nghìn “ông mai, bà mối”, các chuyên gia tình yêu có dịp bận rộn với nhiệm vụ tìm kiếm hạnh phúc cho những người độc thân. Các cuộc hẹn hò tập thể thường xuyên được tổ chức. Những trang web mai mối đang xuất hiện ngày càng nhiều. Bản thân anh Liu cài tới 7 ứng dụng hẹn hò trên điện thoại.

Hiện nay, Baihe là một trong những trang web mai mối lớn nhất Trung Quốc, có hơn 300 triệu thành viên và 3.000 nhân viên là những người mai mối. Các chuyên gia tình yêu của Baihe có mặt ở khắp mọi nơi trên đất nước, giúp đỡ những người độc thân đến với nhau. Không chỉ giúp người dùng tìm kiếm bạn đời, họ còn cung cấp cả dịch vụ cho vay tiền với những người muốn an cư lạc nghiệp. Do vậy, mỗi năm ngành mai mối Trung Quốc thu về hàng trăm triệu USD.

… đến giới thượng lưu tìm cô dâu hoàn hảo

Không chỉ những người không tiền, địa vị như Liu khó khăn trong việc tìm vợ, kể cả người giàu có cũng gặp trắc trở trên con đường tình yêu, hôn nhân. Nhiều người Trung Quốc đang đầu tư hàng trăm nghìn USD để tìm cô dâu hoàn hảo. Công ty Diamond Love (Tình yêu Kim cương) có trụ trụ sở tại Thượng Hải, thu hút tới 5 triệu khách hàng sẵn sàng trả 15.000 USD/tháng để có được cô dâu của đời mình. 

Công ty này hiện đang có có 200 nhân viên tư vấn cùng 200 bà mối sẵn sàng phục vụ tầng lớp thượng lưu tại 6 địa điểm trên toàn quốc. Nhân viên “do thám” thường chạy theo những cô gái ở khu mua sắm, lái xe quanh thành phố, “rình” ở các trường đại học để “săn” vợ cho các đại gia. Có lần họ còn tổ chức cuộc thi văn nghệ cho các cô gái mà giám khảo chính là những người tìm vợ. Ren Xuemei, 42 tuổi, là bà mối chuyên nghiệp của Công ty, đã học qua tâm lý học và là một trong số ít những người hiểu về rắc rối tình duyên của giới thượng lưu. “Họ có xu hướng muốn một người phụ nữ có một khuôn mặt bầu bĩnh với làn da trắng, mềm mại, ấm áp, chăm chỉ, kèm theo đó là tấm bằng đại học của một trường có tiếng ở Trung Quốc. Nói cách khác, cô gái ấy phải là một trinh nữ”, bà Ren nói. 

Một khách hàng của bà đã từ chối 3.000 cô gái trong bộ dữ liệu của Công ty chỉ vì lý do như lông mày quá cao hay da có khuyết điểm. Trường hợp khách hàng khó tính nhất của bà Ren là một người 47 tuổi, tạm gọi là ông Rich, chi gần 150.000 USD để tìm vợ. Tuy nhiên, ông Rich từ chối cả 50 người phụ nữ mà Công ty đề xuất và luôn gọi điện hỏi xem có “hàng mới” hay chưa. Ông Rich thuộc “Phúc nhất đại” - thế hệ người giàu đầu tiên của Trung Quốc. Ông xuất thân khiêm tốn nhưng phất lên nhờ đầu tư nước ngoài. Với thân hình gầy gò, không ưa nhìn và hút thuốc nhiều, ông Rich lại tin rằng ông xứng đáng lấy cô gái xinh nhất làm vợ và đã ký hợp đồng một năm với trung tâm mai mối để được hẹn hò 5 người phụ nữ mỗi tháng. 

Dù thiếu phụ nữ nhưng nhiều người vẫn “ế”

Đàn ông khó tìm vợ là chuyện thường tình, nhưng những cô gái ở độ tuổi 27-30 ở Trung Quốc vẫn chưa lấy được chồng cũng là một thực trạng đang diễn ra. Nguyên nhân một phần là do sự kén chọn của cha mẹ, phần khác là do đàn ông tìm vợ thích những cô gái ở độ tuổi 25 trở xuống hơn. “Cha mẹ tôi đang tìm chồng cho tôi”, cô Hui Xue nói trong sự bối rối. Bản thân cô năm nay đã 29 tuổi và là một nhà kinh tế học xinh đẹp. Cô từng đi du học tại Anh, Mỹ và hiện làm việc cho một công ty lớn. Nhân thân quá tốt, nhưng đến giờ cô vẫn chưa lấy chồng vì sự kén chọn của bố mẹ mình. 

Vì chỉ có một đứa con duy nhất nên những người cha, người mẹ ở Trung Quốc dành tất cả tâm tư, tiền bạc vào việc nuôi dạy đứa con của mình. Họ luôn kỳ vọng con gái có được một người chồng hoàn hảo nhất, xứng đáng nhất. Bắt đầu từ sáng sớm, khoảng 500 ông bố, bà mẹ đã tụ tập tại một trung tâm mai mối, giành giật chỗ ngồi tốt nhất để đưa hồ sơ thông tin của con gái mình. Từ bác sĩ, nhà thiết kế đến nhân viên ngân hàng, tất cả hồ sơ đều xuất sắc, nhưng các cô gái đều trong độ tuổi cuối 20, đầu 30.

Mặc dù bản thân cô đang hẹn hò với một đồng nghiệp. Anh lịch sự và đối xử tốt với cô nhưng không phải người đạt được nhiều thành tựu. Hui Xue không chắc liệu anh có “đủ tốt để kết hôn” hay không. Cô cho biết cô phải có được sự chấp thuận từ gia đình trước. Áp lực từ bố mẹ, Hui Xue thường xuyên phải lui tới những trung tâm mai mối chủ yếu để trấn an bố mẹ. Tuy nhiên, sau một thời gian cô chán nản với tất cả mọi thứ. “Tôi không thể hiểu nổi, đây là cuộc hôn nhân của tôi hay là cuộc hôn nhân mang lại danh vọng, hạnh phúc cho cha mẹ tôi. Thứ gọi là tình yêu giữa nam và nữ giờ không còn quan trọng nữa rồi”.  

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.