Trung Quốc áp dụng luật mới ngăn chặn vấn nạn nghiện game đáng báo động

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLVN) - Giới trẻ nghiện game đang là vấn nạn đáng báo động ở Trung Quốc. Trước tình trạng này, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn, trong đó gần đây đã áp dụng quy định mới dành cho trẻ dưới 18 tuổi.

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của ngành công nghiệp trò chơi điện tử ở Trung Quốc đang phát triển mạnh và thể hiện rõ trong ngành giáo dục, với hàng chục trường đại học mở chương trình đào tạo thiết kế và lập trình game.

Một yếu tố khác khiến giới trẻ nghiện game là ngày càng có nhiều chương trình phát trực tiếp những giải thi đấu esport (thể thao điện tử), giúp nhiều game thủ có cơ hội tỏa sáng, trở thành ngôi sao đẳng cấp thế giới.

Chương trình nổi tiếng nhất là giải thi đấu quốc tế League of Legends (Liên minh huyền thoại), thu hút 100 triệu lượt xem. Trong vòng hai năm qua, chỉ có các đội của Trung Quốc giành chiến thắng.

Theo giới chuyên gia và một số nghiên cứu như báo cáo của Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2018 cảnh báo, 18% người trẻ độ tuổi 13 -17 ở nước này có nguy cơ nghiện game. Không chỉ vậy, Trung Quốc được xem là thị trường game quan trọng và lớn nhất thế giới, đóng góp 1/4 doanh thu game trên toàn cầu. Tổng doanh thu game tại Trung Quốc ước tính lên đến 38 tỷ USD. Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi tháng 5 chính thức xem nghiện game là một chứng bệnh tâm thần.

Trước tình hình này, mới đây Trung Quốc đã đưa ra quy định mới. Theo đó, cấm người dưới 18 tuổi chơi game trực tuyến từ 22h đến 8h, giới hạn 90 phút/ngày và trong dịp nghỉ lễ là ba giờ/ngày. Thêm nữa, số tiền mà giới trẻ có thể nạp vào game cũng có quy định. Trẻ em 8-16 tuổi chỉ có thể nạp tối đa 200 NDT (29 USD) mỗi tháng, đối tượng 16-18 tuổi là 400 NDT (57 USD) mỗi tháng.

Phát ngôn viên của Tổng cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc cho biết, quy định mới nhằm tạo ra một “không gian Internet trong sạch, bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần cho trẻ vị thành niên”. Chính quyền cũng đang làm việc với cảnh sát để phát triển hệ thống giúp các công ty game kiểm tra danh tính người chơi thông qua tài khoản game của họ. Các công ty thiết kế game cũng đang tham gia nỗ lực nhằm cắt giảm tỷ lệ người trẻ nghiện game đáng báo động. Tuy nhiên, tạo ra game mới để kiếm lợi nhuận mà không gây hại cho người chơi là một thách thức.

Nhưng cũng phải nói rằng biện pháp này chưa thật sự giúp nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy khả năng tự kiểm soát bản thân cho những người có nguy cơ nghiện game. “Nói chung, khi càng cấm thứ gì thì nó lại càng hấp dẫn. Tôi chơi game khoảng 3 giờ/ngày. Nhưng nếu không có gì làm tôi thường chơi suốt cả ngày. Tôi nghĩ rằng biện pháp giới hạn độ tuổi và thời gian chơi game sẽ không hiệu quả và cũng không thể giải quyết tận gốc vấn đề”, một sinh viên có tên Lu Chengyi, 20 tuổi chia sẻ.

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi người. Bởi thậm chí khi Chính phủ ban hành các quy định khắt khe về chơi game, giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên, dễ dàng tìm được những lỗ hổng để né tránh. Một số học sinh dùng cả thẻ căn cước công dân của bố mẹ để đăng ký chơi game. Đối với trò chơi yêu cầu đăng nhập bằng hình thức nhận diện, chúng tranh thủ lúc bố mẹ ngủ để quét khuôn mặt”, ông Yang Fan, Giám đốc bộ phận phòng chống nghiện tại Wangjing Education, một công ty đào tạo game thủ chuyên nghiệp cho biết.

Đây không phải lần đầu Trung Quốc đưa ra các quy định nghiêm ngặt cho thị trường game. Tháng 8/2018, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành hạn chế cấp phép game mới để “giảm cận thị ở trẻ em và thanh, thiếu niên”.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.