Những quy tắc khắc nghiệt
Cung nữ là những người phụ nữ làm công việc hầu hạ quân chủ trong hậu cung ở các triều đại phong kiến Trung Quốc. Thân phận cung nữ nhìn chung rất đa dạng, phần lớn là nô lệ gốc gác không rõ ràng, con cháu nhà quan bị phạm tội hoặc con nhà bình dân được tuyển lựa bởi các quan viên phụ trách trong hậu cung.
Một số trường hợp lại do tự nguyện, tức các cung nữ xuất thân khá giả, bình dân được đưa vào hầu hạ từ khi còn nhỏ tuổi, nhằm thấm nhuần lễ nghi cung đình. Ngoại lệ đó là thời nhà Thanh, cung nữ phải có lai lịch rất rõ ràng và xuất thân cũng có địa vị nhất định trong xã hội, phải là con nhà quan viên hoặc lương dân thuộc tầng lớp Bao yThượng tam kỳ (quần thể người phục vụ cho Hoàng thấtthuộc 3 loại quân kỳ cao nhất: Tương hoàng kỳ, Chính hoàng kỳ và Chính bạch kỳ) mới có thể được tuyển chọn vào cung hầu hạ.
Các cung nữ nhà Thanh. |
Dựa theo các quan điểm phổ biến, yêu cầu tiên quyết nhất là ngoại hình phải xinh đẹp, không bị dị tật cùng không được quá ngu độn. Triều đại nhà Thanh có quy chế rất rõ khi tuyển cung nữ, hàng năm đều do Nội vụ phủtuyển chọn từ con gái thuộc Thượng tam kỳcủa giai cấp Bao y. Chế độ cung nữ triều Thanh cũng rất quy củ, tuy có thể bị phi tần chủ tử trách phạt, nhưng “Không thể hủy hoại dung nhan”, cũng không thể đánh chết. Đôn phi của Thanh Cao Tông đã đánh chết một cung nữ, khiến bản thân bà bị giáng chức sau đó.
Theo ghi chép trong “Hà Thanh Tân Lệnh”, cuốn sách lịch sử Trung Quốc từ thời Bắc Tề (thế kỷ 6) trở đi, thì số lượng, quy cách, cấp bậc của cung nữ chốn hậu cung mỗi triều đại đều có sự khác nhau, nhưng nhìn chung được phân thành “ngũ đẳng”, gồm Chiêu nghi, Phu nhân, Phi, Thế phụ và Ngự nữ.
Nghĩa vụ của cung nữ là phục vụ Hoàng đế, Hoàng hậu và các Phi tần. Để thỏa mãn lối sống an nhàn, xa xỉ của chủ nhân, họ phải gánh vác những công việc rất khó khăn, vất vả. Trách nhiệm của họ bao quát trong phạm vi hậu cung, từ lo liệu y phục, thức ăn, đi lại, cho đến gánh vác nhiệm vụ mua vui như biểu diễn, ca múa, tấu hài...
Cung nữ mới vào cung chịu sự dạy bảo, rèn giũa từ việc đi đứng, trang điểm, chải đầu, đến cả việc ăn, ngủ. Tất cả đều có quy định nghiêm khắc, chặt chẽ. Ví dụ như thời nhà Thanh có quy định, cung nữ khi ngủ không được ngửa mặt lên trời mà buộc phải nằm nghiêng, co chân lại.
Nếu làm phật ý chủ nhân, cung nữ có thể bị hành hạ cho đến chết (Ảnh minh họa). |
Lý do là khi ấy, người trong cung cho rằng mỗi điện đều có một vị Thần riêng, đêm đến Thần đều xuất hiện để kiểm tra, bảo vệ sự an nguy cho các bậc vua chúa. Cung nữ không chú ý tới dáng ngủ sẽ đắc tội với thần thánh. Nếu họ sai phạm sẽ bị đánh thừa sống thiếu chết. Chỉ cần làm phật ý chủ nhân, nhiều cung nữ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.
Không chỉ hầu hạ các bậc vua chúa, cung nữ mới vào còn phải phục vụ và chịu sự quản lý của các cung nữ già có kinh nghiệm. Tất cả công việc cá nhân hàng ngày của cung nữ già, như rửa mặt, chải đầu, rửa chân, tắm táp... đều do các cung nữ mới vào cáng đáng.
Các cung nữ già có quyền hành rất lớn, tính tình lại nóng nảy, nên các cung nữ trẻ luôn là nơi để họ trút giận mà không cần lý do. Họ có thể đánh, phạt các cung nữ khác bất cứ lúc nào. Nếu bị đánh thì chỉ đau một lúc, còn nếu bị phạt quỳ ở góc tường thì không biết sẽ phải quỳ bao nhiêu thời gian. Nhìn chung, cung nữ là những cuộc đời khổ cực và cô độc, “không lo chuyện cơm áo nhưng trống rỗng về tinh thần”.
Tuổi xuân héo tàn sau tường thành
Phạm vi sinh hoạt của cung nữ trong thành Trường An năm xưa chỉ giới hạn đến Dịch Đình. Ngoại trừ những người có thân phận hoặc nhiệm vụ đặc biệt, số còn lại đều không được bước chân ra ngoài nửa bước.
Phần lớn các cung nữ đều chịu cảnh “lúc vào mười sáu, nay đã sáu mươi”. Tuổi xuân của họ ngày ngày trôi qua sau bức tường thành, lúc cuối đời chỉ có thể ở am ni cô mà đèn sách tụng kinh, hoặc về lăng tẩm thờ phụng tiên vương cho tới khi chết.
Theo các ghi chép lịch sử, một trong những cách thức giải quyết nhu cầu sinh lý của cung nữ chốn cung cấm là tìm đến các đối tượng khác, được gọi là “đối thực”. “Đối thực” ban đầu được dùng để mô tả hành vi đồng tính luyến ái nữ giữa các cung nữ, về sau lại được sử dụng cho mối quan hệ ân ái giữa cung nữ và thái giám.
Cung nữ đều là những giai nhân được tuyển chọn kỹ càng nhưng tuổi xuân của họ hầu hết mòn mỏi trong cung cấm. |
Nhưng thái giám đã trải qua quá trình tịnh thân đau đớn thì làm sao có thể thỏa mãn nhu cầu sinh lý của các cung nữ? Tất nhiên, quá trình ân ái giữa cung nữ và thái giám không giống những trường hợp khác, chủ yếu chỉ thỏa mãn nhu cầu tinh thần, nhu cầu sinh lý thông qua kích thích thị giác và xúc giác mà thôi.
Thời nhà Đường từng có chế độ “xuất cung” dành cho cung nữ. Lệnh ân xá này thường được ban bố khi có thiên tai hoặc lúc tân đế kế vị.“Việc thả cung nữ tùy theo sở thích của Hoàng đế mà chọn lựa. Nếu quân vương cảm thông với thân phận của những người này thì sẽ cho thả nhiều.Ví dụ như Đường Cao Tổ và Đường Cao Tông mỗi lần đều cho rất nhiều cung nữ xuất cung. Trong khi đó, Đường Huyền Tông lại thả ít hơn”.
Sau khi xuất cung, có người trở thành “biệt trạch phụ” của những kẻ có tiền. Họ được người giàu bao nuôi, trở thành tình nhân, bị quy vào tội “thông dâm” thời bấy giờ, nếu bắt được ắt phải chịu phạt.
Tuy nhiên, đa số họ không thể có cuộc sống giống như những người bình thường khác. Đa số cung nữ sau khi xuất cung đều có tình trạng sức khỏe không tốt, thường bị mắc chứng “uất máu”cũng như một số chứng bệnh khác. Người mắc chứng “uất máu” thường khó hô hấp, thân thể suy nhược, khí huyết không thông, người chuyển nặng còn không có khả năng mang thai, sinh con.
Thực ra, chứng “uất máu” cũng không phải chứng bệnh gì khó chữa. Thời xưa, cung nữ thường hầu hạ chủ nhân đi làm những việc nặng nhọc, cơ thể và tinh thần trong một thời gian dài đều ở trạng thái áp lực cao và căng thẳng cực độ. Bởi vậy, cơ thể họ suy nhược, tinh thần hoảng hốt. Họ chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống bồi bổ, giữ tâm lý thoải mái là có thể hồi phục. Thế nhưng ai lại dám lấy một cung nữ về để hầu hạ, chữa trị chờ họ khỏi bệnh.
Thêm nữa, cung nữ từ 13-14 tuổi đã nhập cung, làm việc trong cung đến khi 25, thậm chí 30 tuổi mới được xuất cung lấy chồng. Phụ nữ ở tuổi này thời xưa đều rất khó xuất giá, cộng thêm chứng bệnh “uất máu”lại càng khiến họ không tìm nổi đối tượng cưới gả.
Tục ngữ có câu “ất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại” tức là trong thiên hạ có ba điều bị coi là bất hiếu, và trong ba điều này, không có con cái nối dõi là điều bất hiếu lớn nhất. Vì thế, dù những cung nữ này đã được xuất cung, nhưng cũng không ai dám lấy họ làm vợ, vì sợ phạm phải điều bất hiếu lớn nhất ấy.