Đất nước “ám ảnh” với sự sạch sẽ
Trước năm 1968, tại Singapore đã tồn tại nhiều chiến dịch làm sạch thành phố. Song, điểm khác biệt cơ bản nhất của phong trào “Keep Singapore Clean” là lời kêu gọi của chính phủ đưa Singapore từ một “đảo quốc sạch” thành một “đảo quốc thực sự sạch”. Được phát động bởi Thủ tướng Lý Quang Diệu, phong trào này được lãnh đạo bởi Hội đồng vệ sinh công cộng (PHC), Phong trào nhân ái Singapore (SKM) và được hỗ trợ bởi Cơ quan môi trường quốc gia (NEA).
Du khách đến nghỉ dưỡng tại Singapore có thể quen nhìn thấy hình ảnh những chiếc xe tải chở rác nhàn rỗi đi trên đường hàng ngày để thu gom rác. Nhưng điều bất ngờ là những chiếc xe rác này cũng sạch sẽ như chính thành phố họ đang thăm quan, thậm chí họ còn không cảm thấy mùi hôi thối từ xe rác. Đối với những thành phố thuộc vùng khí hậu mát mẻ, rác thải có thể để lâu hơn mà không bị bốc mùi nhưng tại những vùng nhiệt đới nóng ẩm như đảo quốc này, việc thu gom rác nhanh chóng là một nhiệm vụ cấp bách hàng ngày.
Một người bạn của tôi từng sống bên Singapore kể rằng, anh đã từng thấy hàng trăm tình nguyện viên (khoảng 200 – 300 người) đi “lùng sục” các khu nhà ở Khatib – một khu phố phía bắc Singapore, để tìm rác. Nhóm tình nguyện viên mặc chiếc áo phông đồng phục của Câu lạc bộ North West Brisk, chủ yếu là người cao niên, một số gia đình còn có cả trẻ em, ngoài ra còn có các nhân viên từ bệnh viện địa phương. Họ thực sự coi trọng “công việc” của mình, từ việc dọn dẹp những mẩu giấy ăn bị vứt lại trên bàn, cho đến việc len vào trong các bụi rậm để nhặt vài mẩu thuốc lá.
Singapore là đất nước bị “ám ảnh” bởi sự sạch sẽ |
Hoàn toàn đúng khi nói rằng Singapore là đất nước bị “ám ảnh” bởi sự sạch sẽ. Trong 52 năm qua, chính phủ đã liên tục thuyết phục người dân giữ gìn sự sạch sẽ của quốc gia này. Năm 1968, Thủ tướng Lý Quang Diệu ban hành “Chính sách Xanh và Sạch”, và coi đó là một mảnh ghép quan trọng trong một bức tranh lớn hơn – đó là những thay đổi cốt lõi trong các chính sách y tế cộng đồng. Pháp luật về y tế cộng đồng điều chỉnh từ việc di chuyển những người bán hàng rong tập trung vào các trung tâm bán hàng rong.
Đến phát triển hệ thống xử lý nước thải, các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh, đến việc quy hoạch lại những ngôi làng lụp xụp với những túp lều kiểu Malay cũ (được gọi là “Kampongs”) thành những khu nhà có cơ sở hạ tầng tốt hơn. Theo quan điểm của Lý Quang Diệu, tất cả mọi người, không kể lớn nhỏ, giới tính, giàu nghèo đều phải được hưởng một không gian sống sạch sẽ như nhau. Muốn tạo nên một Singapore sạch sẽ có thể dựa vào nỗ lực của một bộ phận trong xã hội, nhưng muốn làm nên một Singapore “thực sự sạch sẽ” phải dựa vào nỗ lực của toàn thể xã hội.
Kể từ khi phát động “Keep Singapore Clean”, chính phủ đã liên tục phát động nhiều hoạt động khác như Ngày trồng cây (1971), Giữ gìn nguồn nước sạch (1973), Dọn dẹp sông hồ (1977), Giữ sạch Toilet (1983)… Thông qua nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục cộng động, cuộc thi trên toàn quốc, phong trào của chính phủ đã thực sự truyền cảm hứng cho người dân thực hiện các chiến dịch vệ sinh khác. Trong đó, có thể kể đến chiến dịch Use Your Hands năm 1976 kêu gọi các học sinh, phụ huynh, giáo viên, hiệu trưởng và công nhân trong trường tham gia trồng cây, dọn dẹp các trường học vào cuối tuần.
Phong trào “Keep Singapore Clean” đã trải qua 52 năm thực hiện |
Lý Quang Diệu đã đúng khi nói rằng: “Mục tiêu lớn hơn của phong trào là đẩy cao ý thức trách nhiệm của xã hội, giảm thấp tỷ lệ bệnh tật, qua đó tạo ra các điều kiện xã hội cần thiết cho tăng trường kinh tế trong các ngành công nghiệp và du lịch”. Ông đã đúng. Tổng hợp tư nhiều nguồn thống kê, tuổi thọ người dân Singapore tăng từ 66 lên 83 (đứng thứ ba toàn cầu). Từ năm 1967 – 2018, lượng khách du lịch quốc tế đến quốc đảo tăng từ hơn 200.000 lượt đến mức hơn 18.5 triệu lượt. Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng từ 93 triệu USD năm 1970 đến 39 tỷ USD năm 2010 và 66 tỷ USD vào năm 2017.
Phạt tiền có hiệu quả không?
Các cửa hàng lưu niệm ở Singapore thường bán những chiếc áo phông có in chữ: “Singapore: A fine city”. Từ “fine” ở đây vừa mang ý nghĩa “đáng sống, tốt đẹp” vừa mang ý nghĩa “tiền phạt”. Bởi lẽ, có vô số quy định có thể khiến một người bị phạt vì xả rác. Năm 1968 là lần đầu tiên chính phủ cố gắng kiểm soát hành vi của người dân thông qua biện pháp tài chính. Đến nay, chính quyền Singapore ban hành hàng chục ngàn phiếu phạt tiền mỗi năm vì hành vi xả rác bừa bãi. Mức phạt tối thiểu là 300 USD (khoảng 4,5 triệu VND).
Là người nước ngoài, có nhiều điều luật nghe chừng quá nghiêm khắc đến mức kỳ lạ chỉ với những “hành vi phạm tội vặt”. Singapore nổi tiếng cấm nhập khẩu kẹo cao su, mặc dù không phải là bất hợp pháp khi chỉ sở hữu nó. Bạn sẽ bị phạt khi mang sầu riêng - một loại trái cây nhiệt đới “nặng mùi”, lên tàu xe công cộng. Bạn cũng bị phạt nếu không xả nước trong nhà vệ sinh công cộng, dù đến nay hầu hết các nhà vệ sinh đều tự động xả nước. Ngoài ra còn có khoản tiền phạt khi khạc nhổ bừa bãi. Thuốc lá điện tự bị cấm hoàn toàn.
Theo ông Liak Teng Lit - Chủ tịch Cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA), chính sách phạt tiền chỉ có hiệu quả lúc mới bắt đầu. Mức sống của người dân cao hơn, việc chi trả cho những lao động lương thấp để dọn dẹp vệ sinh trở nên dễ dàng hơn. Nói cách khác, Singapore hiện nay không sạch bởi vì người dân địa phương sợ bị phạt mà bởi có một “đội quân” thường xuyên thu gom rác, quét dọn, cọ rửa khắp mọi nơi. Họ chủ yếu bao gồm những công nhân nước ngoài thu nhập thấp và người cao tuổi. Đến năm 2018, có khoảng hơn 56.000 “người lau dọn” đã đăng ký với NEA; nhưng chắc chắn vẫn còn khoảng hàng nghìn “người lau dọn độc lập” ngoài xã hội vẫn chưa đăng ký với cơ quan này.
"Đội quân dọn dẹp" ở Singapore chủ yếu là người lớn tuổi, người lao động |
Nhiều nhà chức trách thực sự cảm thấy thất vọng vì “sự lên ngôi” của “đội quân dọn dẹp” này đã thay đổi văn hoá ở Singapore. Ngày nay, người Singapore thường để khay của họ trên bàn sau khi ăn xong vì họ không coi đó là xả rác mà là công việc của tình nguyện viên vệ sinh. Ông Edward DileSilva – Chủ tịch Hội đồng vệ sinh công cộng đã từng kêu gọi người dân Singapore phải thay đổi nhận thức và hành vi của mình trước khi quá muộn. Hàng năm Singapore phải chi trả khoảng 120 triệu SGD (khoảng 2000 tỷ đồng) cho việc làm sạch không gian công cộng. Đáng lẽ số tiền này có thể cắt giảm để thực hiện những công việc có ích hơn nếu mỗi người dân tự có ý thức.
Giáo dục cộng đồng có vai trò quan trọng không kém, thậm chí hơn so với chế tài phạt tiền. Thực tế cho thấy, chế tài phạt tiền cũng có nhiều bất cập bởi lẽ phải cần một quan chức theo dõi qua camera hoặc bắt quả tang, hoặc ít nhất một công dân chứng kiến hành vi vi phạm. Như vậy đến nay, việc phạt tiền đã không đáp ứng được ý nghĩa tồn tại của nó, đó là góp phần nâng cao kinh tế đất nước (chính phủ phải chi trả nhiều hơn cho nhân công, công nghệ, nguồn lực để theo dõi người dân) và nâng cao ý thức người dân (người có điều kiện hơn sẽ trả tiền cho người khác thu rác của mình chứ không hẳn tự họ có ý thức).
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu