Những người bị bắt gồm: Phạm Thị Phượng (44 tuổi), Nguyễn Trọng Tố (30 tuổi), Nguyễn Văn Hoàng (28 tuổi); Nguyễn Văn Hiệp (25 tuổi, cùng ngụ thôn 8 xã Ea Bung); Dương Văn Huấn (33 tuổi), Dương Văn Hiến (28 tuổi, cùng ngụ thôn 1 xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp) và Hà Văn Pha (40 tuổi, ngụ thôn 10, xã Ea Bung).
Chiều 16/12, một nhóm người đi trên xe ô tô, có mang theo hung khí như dao, mã tấu từ thị trấn Ea Súp vào tiểu khu 263, xã Ea Bung (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) để giành đất thì bị nhiều người vây đánh. Hậu quả, nhóm 7 người trên xe ô tô đều thương vong. Trong đó, có 1 người tử vong tại chỗ, 2 người đang trong tình trạng nguy kịch tại bệnh viện.
Khi hai bên “tự xử” tranh chấp đất
Theo thông tin ban đầu, sáng 16/12 một nhóm khoảng 10 người từ thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) đã đưa máy móc vào khu vực đất ở khu 263 (thuộc địa giới hành chính thôn 8, xã Ea Bung, huyện Ea Súp) để cày đất.
Đến khoảng 9h cùng ngày, anh Nguyễn Văn Hoàng (SN 1989, ngụ xã Ea Bung) tới ngăn cản và cho rằng diện tích này gia đình đã mua lại và canh tác từ lâu. Tuy nhiên, nhóm người từ thị trấn Ea Súp vào đòi đánh anh Hoàng và tiếp tục cày xới đất.
Sau khi bị nhóm người lạ đòi đánh, anh Hoàng chạy về nhà rồi cùng khoảng 7 người trong gia đình ra rẫy. Ngoài ra, khi nghe tin có nhóm người tới cướp đất, khoảng 40 người dân sống quanh vùng mang theo cuốc xẻng cùng ra hiện trường. Tuy nhiên, sau một hồi lời qua tiếng lại, hai bên giảng hòa rồi đám đông tự giải tán.
Tưởng rằng mọi chuyện đã kết thúc thì đến khoảng 14h cùng ngày, một nhóm 7 người từ thị trấn Ea Súp đi trên xe ô tô tiếp tục quay lại tiểu khu 263 để giành đất. Tại đây, giữa nhóm người đi trên xe ô tô và người dân tiếp tục xô xát. Sau đó, hai bên dùng dao rựa, súng tự chế, mã tấu, gậy xông vào đánh nhau.
Do người dân địa phương đông hơn nên nhóm 7 người trên xe ô tô đều bị đánh thương vong. Trong đó, anh Phạm Thế Văn (26 tuổi, ngụ thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) tử vong tại chỗ; 6 người còn lại đều bị thương nặng.
Trong 6 nạn nhân bị thương, có 2 người đang nguy kịch |
Sau khi xảy ra vụ việc, lực lượng Công an huyện Ea Súp đã khẩn trương tiếp cận hiện trường, đưa các nạn nhân đi cấp cứu. Đồng thời, ngay trong đêm 16 và rạng sáng 17/12, lực lượng Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ, tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để phục vụ công tác điều tra.
Theo quan sát của PV, nạn nhân Văn bị đánh tử vong trên xe ô tô. Tại hiện trường, lực lượng chức năng đã thu giữ 1 chiếc xe máy cày, 1 chiếc ô tô cùng nhiều hung khí như dao rựa, mã tấu, gậy gộc, súng tự chế. Cũng trong đêm 16/12, CQĐT đã tiến hành triệu tập hàng chục đối tượng liên quan đến vụ hỗn chiến để lấy lời khai, điều tra làm rõ vụ việc.
Danh sách các nạn nhân bị thương nặng, phải nhập viện cấp cứu gồm: Đặng Văn Hà (48 tuổi, trú thị trấn Ea Súp,) đa chấn thương vùng đầu, lưng, tay; Đặng Văn Sơn (20 tuổi, con ông Hà) đa chấn thương vùng đầu, tay chân, nguy kịch. Đặng Công Hải (31 tuổi, trú thị trấn Ea Súp) bị đa chấn thương vùng đầu, vai, tay, nguy kịch. Đặng Công Báo (36 tuổi, trú thị trấn Ea Súp, em trai ông Hà) bị đa chấn thương; Nguyễn Cao Nguyên (24 tuổi, trú xã Ea Lê, huyện Ea Súp) đa chấn thương, nguy kịch và Trịnh Xuân Thành (34 tuổi, trú xã Cư Kbang, huyện Ea Súp,) bị đa chấn thương trên đầu, tay. Cả 7 người thương vong nói trên đều là anh em, họ hàng với nhau.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cho biết, cả 6 nạn nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương ở đầu, người và tay, chân do vật sắc nhọn gây ra. Trong số các bệnh nhân, có 2 người đang trong tình trạng nguy kịch là anh Đặng Công Hải (31 tuổi, trú thị trấn Ea Súp) và anh Trịnh Xuân Thành (34 tuổi, xã Cư Kbang). Đến ngày 17/12, anh Hải đã được chuyển xuống bệnh viện tại TP.HCM để điều trị theo yêu cầu của gia đình.
Điểm nóng tranh chấp đất
Theo nguồn tin từ công an xã Ea Bung, vào khoảng 11h40 phút ngày 16/12, đơn vị nhận được tin báo của bà Phạm Thị Phượng (SN 1973, ngụ gần khu vực tranh chấp) phản ánh tình hình an ninh lộn xộn tại khu vực gần nhà mình.
Ngay lập tức, công an xã Ea Bung đã tổ chức lực lượng vào khu vực tranh chấp để xác minh. Tuy nhiên, lúc này chiếc máy cày đứng tại chỗ, không có người xung quanh nên công an xã về lại trụ sở.
Đến khoảng 13h cùng ngày, bà Phượng tiếp tục gọi điện, báo với công an xã Ea Bung rằng chuẩn bị xảy ra đánh nhau tại tiểu khu 263. Một lần nữa, công an xã Ea Bung tiếp tục vào hiện trường. Thế nhưng, do đường đi lại khó, khoảng 13h30 phút ngày 16/12, khi công an xã tiếp cận hiện trường thì vụ hỗn chiến đã kết thúc nên báo lên cấp trên để hỗ trợ, đưa các nạn nhân đi cấp cứu.
Theo lời chị Trần Thị Mai (SN 1997, con dâu bà Phượng) nơi xảy ra tranh chấp là mảnh đất của gia đình chị, có diện tích khoảng 4 ha. Trước đây, bà Phượng mua lại của người khác và đã canh tác nhiều năm. Về sau, bà Phượng đã giao lại miếng đất trên cho vợ chồng chị canh tác. “Đất của gia đình tôi đã canh tác từ lâu, thế nhưng, nhưng nhóm người lạ lại ngang nhiên vào cướp khiến bà con bức xúc và xảy ra vụ việc đau lòng”, chị Mai chia sẻ.
Ngược lại, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk, ông Đặng Văn Hà, một trong số các nạn nhân bị thương tại vụ hỗn chiến cho rằng, gia đình ông đã khai hoang mảnh đất đang tranh chấp và cho một người ở xã Ea Bung mượn. Thế nhưng, gia đình mượn đất không chịu trả mà có ý định chiếm đoạt nên xảy ra vụ việc. Tuy nhiên, khi PV hỏi danh tính người mượn đất thì ông Hà không nói cho cụ thể.
Khu vực đất tranh chấp |
Theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực tranh chấp là đất lâm nghiệp đã được giao cho UBND xã Ea Bung quản lý. Tuy nhiên, khu vực này đã bị người dân xâm chiếm, canh tác từ nhiều năm nay để trồng cao su, hoa màu.
Do đất có nguồn gốc từ việc lấn chiếm trái phép, trong khi người dân mua đi bán lại nhiều lần nên tại xã Ea Bung, việc tranh chấp đất đai diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt, những năm gần đây, người dân từ các tỉnh như Long An, Tây Ninh...đến đây mua đất đã khiến tình hình thêm căng thẳng. Mới đây, vào đầu tháng 11/2017, tại xã Ea Bung cũng xảy ra một trường hợp tử vong nghi bị bắn chết do tranh giành đất.
Theo phản ánh của một số người dân gần hiện trường vụ việc, thời gian qua có một số nhóm người lạ thường xuyên đi tranh chấp đất với người dân. Nhóm người này chủ yếu vào uy hiếp những gia đình mới “chân ướt chân ráo” tới mua đất nhằm mục đích chiếm đoạt hoặc lấy tiền. “Lúc đầu thì chúng đi khoảng 3 - 4 người nhưng ai nấy đều xăm trổ, trông rất giang hồ để nói chuyện. Vào đất của ai, bọn chúng cũng nói là do gia đình mình khai phá để vòi vĩnh. Ai sợ thì đưa tiền cho chúng để yên thân canh tác, ai yếu vía thì bỏ của chạy lấy người còn ai chống lại thì chúng kéo thêm mấy chục người, đi trên xe ô tô, mang theo hàng nóng như dao, mã tấu để giải quyết… Tùy theo diện tích đất canh tác mà người dân phải nộp tiền cho đám giang hồ, vài triệu cũng có mà vài chục triệu cũng có”, một người dân tiết lộ.
Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Pha, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung xác nhận tình trạng tranh chấp đất đai liên tiếp xảy ra những tháng gần đây giữa người dân trong xã và một số người dân địa phương khác.