Cyntoia Brown 16 tuổi khi trốn chạy khỏi gia đình nhà bố mẹ nuôi và rồi sa vào quan hệ tình ái với một người đàn ông. Người này cưỡng bức cô gái trẻ phải hành nghề gái điếm. Năm 2004, cô bắn chết một người đàn ông trong nhà của anh ta.
Người này 43 tuổi, là lính bắn tỉa trong quân đội Mỹ. Anh ta đưa Cyntoia Brown về nhà, dùng súng uy hiếp cô và cưỡng bức tình dục. Toà án khép cô gái vào tội “giết người” và tuyên án như nói trên: Tù chung thân và phải sau ít nhất 51 năm mới có thể được xem xét giảm án. Cô gái ngồi tù từ đó.
Vụ án này gây chấn động ở nước Mỹ. Rất nhiều người, trong đó có cả những nhân vật nổi tiếng của Mỹ trên chính trường cũng như giới hoạt động văn hoá nghệ thuật, đã lên tiếng ủng hộ Cyntoia Brown và đòi trả tự do cho Brown.
Mãi vừa rồi, thống đốc bang mới đưa ra quyết định nói trên, lập luận rằng kết án cô gái như thế là quá nặng và vụ án này là một bi kịch rắc rối. Chính vì sự chuyển biến từ trọng án thành trắng án kia mà vụ án lại được chú ý đến. Hành vi của cô gái đã đưa đến kết quả là người đàn ông nọ thiệt mạng.
Nếu chỉ nhìn nhận thuần tuý như thế thì đấy là hành vi giết người. Nhưng nếu nhìn nhận động cơ mục đích của hành động và quá trình xảy ra vụ việc thì đúng là câu chuyện lại có bản chất khác. Vấn đề ở chỗ những người có quyền quyết định đến số phận của bị cáo tiếp cận vụ việc theo cách nào.
Giết người là hành động phạm pháp và phải nghiêm trị, điều này không ai phủ nhận và không cần phải bàn cãi đến nữa. Nhưng tự vệ là quyền chính đáng và hợp pháp của người dân. Cả điều này cũng không thể bị phủ nhận và cần phải bàn cãi. Cho nên đánh giá đúng sự việc và xác định rõ ranh giới giữa giết người và tự vệ mới quyết định tất cả và đáng phải đáp ứng đầy đủ nhất.
Một cô gái bị cưỡng bức làm gái điếm đã là nạn nhân của hành vi phạm pháp. Đe dọa, uy hiếp, bạo lực và cưỡng bức tình dục cũng đều là những hành vi phạm pháp. Nhìn nhận như thế thì sẽ thấy việc đảm bảo quyền tự vệ chính đáng và hợp pháp cho cô gái là cần thiết, và quyết định mới đây của vị thống đốc bang kia là đúng đắn, cho dù muộn mằn.
Tuy nhiên, người bị bắn chết không còn có thể hiện diện để tự bảo vệ mình trước toà và chứng cứ chỉ còn là sự tường trình của cô gái. Tòa không hoàn toàn vô lý khi còn có những bán tin bán nghi nhất định.
Nhưng dù có như vậy mà tuyên phạt cô gái án nặng đến thế thì lại có phần quá đáng và chính cái quá đáng này tạo nên cảm nhận cô gái lại còn trở thành nạn nhân của toà, càng làm cho dư luận dễ thiên về đánh giá rằng toà xử sai chứ không phải thống đốc quyết định sai.