Cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ thẩm phán
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng về chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là thực hiện nhiệm vụ xây dựng tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; thực hiện cam kết quốc tế về xây dựng tòa án điện tử để góp phần xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin, TAND tối cao đã đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong các hoạt động của tòa án và xem đó là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tòa án trong thời đại số và bắt kịp với xu hướng của tư pháp tiến bộ trên thế giới.
Thực tiễn cho thấy, hệ thống pháp luật của nước ta đang trong quá trình hoàn thiện, ngoài luật còn rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) khác, án lệ, những văn bản tính chất hướng dẫn việc áp dụng pháp luật... Trong khi đó, khi thẩm phán giải quyết một vụ án phải nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng nhiều văn bản QPPL rất phức tạp, nên dễ dẫn đến sai sót trong áp dụng pháp luật, việc xử lý những tình huống pháp lý cụ thể gặp khó khăn.
Để góp phần nâng cao chất lượng của thẩm phán thông qua việc ứng dụng công nghệ số, năm 2021, TAND tối cao đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn Viettel nghiên cứu và đưa vào triển khai thử nghiệm phần mềm “Trợ lý ảo”. “Trợ lý ảo” đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân.
Đến thời điểm này, “Trợ lý ảo” Tòa án đã cung cấp các dịch vụ thông minh hỗ trợ thẩm phán như: Giới thiệu hệ thống pháp luật có liên quan để giải quyết vụ án. Theo đó, “Trợ lý ảo” có thể giới thiệu các luật, pháp lệnh, thông tư, nghị định… chính xác đến từng điều, khoản của văn bản QPPL và thời điểm có hiệu lực của văn bản phù hợp với thời gian xảy ra vụ án.
“Trợ lý ảo” giới thiệu các tình huống pháp lý tương tự đã được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao tổng kết thực tiễn xét xử và đưa ra câu trả lời; Giới thiệu các án lệ liên quan; Giới thiệu các bản án có tình huống pháp lý tương tự đã có hiệu lực pháp luật được công bố trên Cổng thông tin điện tử TAND tối cao; Hỗ trợ quản lý công việc và dự thảo các văn bản tố tụng (như giấy triệu tập, quyết định tạm giam, quyết định đưa vụ án ra xét xử…); hỗ trợ soát lỗi chính tả nội dung bản án và mã hóa, đăng tải bản án, quyết định lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án, qua đó giúp giảm 30% khối lượng công việc so với thao tác truyền thống.
Trong thời gian tới, phần mềm “Trợ lý ảo” tiếp tục được phát triển thông minh hơn để cung cấp các tính năng nâng cao như: Hỗ trợ lập kế hoạch giải quyết án, tạo lập và quản lý hồ sơ án điện tử, số hóa và sắp xếp hồ sơ theo từng loại tài liệu của vụ án để thuận tiện nghiên cứu; hỗ trợ quản lý công việc, đưa ra các cảnh báo, thông báo, nhắc việc.
Là người trực tiếp sử dụng, khai thác ứng dụng “Trợ lý ảo”, Thẩm phán trung cấp, Phó chánh Tòa Hình sự TAND tỉnh Yên Bái Đỗ Thu Hương cho biết: “Đối với cá nhân, tôi coi đó như là “thư viện sống” để mình thỏa sức khai thác thông tin, trao đổi, tương tác, đồng thời trao đổi trực tuyến với đồng nghiệp trong toàn quốc. Qua đó học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng xét xử...”.
“Trợ lý ảo” hỗ trợ thẩm phán viết một phần nội dung của bản án, quyết định; hỗ trợ phân tích dữ liệu, xác minh thông tin và phát hiện các sai sót trong các bản án, quyết định của Tòa án; phân tích sâu thông tin vụ án, tham chiếu chéo và kiểm tra các thông tin vụ án; phát hiện các yêu cầu tố tụng bị bỏ sót; phát hiện các lỗi trích dẫn điều luật; phân tích bản án và sửa lỗi kỹ thuật; phát hiện các lỗi về mặt logic trong văn bản mà bằng trực quan khó phát hiện được; một phần hoạt động tố tụng sẽ được thực hiện tự động và do “Thẩm phán AI” xử lý và có kiểm soát, giám sát của thẩm phán;…
Đoán định tư pháp, theo đó, “Trợ lý ảo” tự động phân tích các tình huống, hành vi pháp lý của vụ án để đưa ra dự đoán kết quả tư pháp đối với vụ việc và các văn bản pháp luật, chỉ dẫn áp dụng pháp luật, án lệ, tình huống pháp lý, các bản án, quyết định tương tự liên quan đến vụ việc để thẩm phán tham khảo.
Nhiều lợi ích to lớn
“Trợ lý ảo” Tòa án mang đến nhiều lợi ích to lớn cho Tòa án, người dân và xã hội. Việc ứng dụng “Trợ lý ảo” vào công tác xét xử, hỗ trợ các Tòa án giải quyết được một số vấn đề nội tại.
Hiện nay, một thư ký tòa án phải giúp việc cho ít nhất 3 thẩm phán nên việc ứng dụng “Trợ lý ảo” với vai trò như một “Thư ký ảo” đã giúp thẩm phán làm việc hiệu quả hơn. Bởi mỗi thẩm phán đều có riêng một “Thư ký ảo” am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên để giúp việc cho thẩm phán khi có yêu cầu.
“Trợ lý ảo” giúp tất cả các thẩm phán tra cứu, áp dụng pháp luật đầy đủ, chính xác cho mỗi vụ việc cụ thể. Trước đây, thẩm phán phải tự tìm kiếm từ các trang cung cấp văn bản pháp luật trên nền tảng số nên mất rất nhiều thời gian chọn lọc thông tin, hiện nay, toàn bộ các thao tác này do “Trợ lý ảo” tự động thực hiện. Khi thẩm phán mở vụ án ra, “Trợ lý ảo” đã thu thập sẵn sàng các căn cứ pháp lý nói trên để thẩm phán nghiên cứu, giải quyết vụ án.
“Trợ lý ảo” giúp số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xét xử của các thẩm phán. Những tri thức đó được lưu giữ lại bằng công nghệ số để có thể lan tỏa làm cơ sở áp dụng đồng bộ trong toàn hệ thống Tòa án, cũng như các thế hệ sau có thể kế thừa, tham khảo. Kho tri thức của “Trợ lý ảo” cũng được ứng dụng trong việc đào tạo sinh viên, đồng thời là nguồn tham khảo cho bộ phận pháp chế của các tổ chức, pháp nhân.
Giúp nâng tầm tri thức của các thẩm phán, vì “Trợ lý ảo” được các thẩm phán cùng tham gia huấn luyện nên khi “Trợ lý ảo” đạt được trình độ ở mức nào, thì tất cả các thẩm phán đều được nâng tầm lên trên mức đó. Góp phần tạo sự đồng thuận và giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và xã hội, vì thông qua dịch vụ đoán định tư pháp, người dân chỉ cần cung cấp các tình huống, hành vi pháp lý của vụ việc, hệ thống sẽ phân tích và dự đoán kết quả tố tụng, từ đó, quyết định khởi kiện hoặc không khởi kiện, tránh tốn kém thời gian, công sức và chi phí khi có các khiếu kiện, tranh chấp cần Tòa án giải quyết.
Có thể nói, áp dụng “Trợ lý ảo” hỗ trợ thẩm phán trong công tác chuyên môn mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao hiệu quả công việc cho thẩm phán, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong toàn hệ thống Tòa án; khắc phục được tình trạng thiếu nguồn nhân lực thư ký Tòa án.
Một trong những nhiệm vụ của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án là soạn thảo văn bản tố tụng và thực hiện mã hóa, công khai bản án trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Trước đây, thẩm phán làm thủ công mất rất nhiều thời gian để soạn thảo văn bản tố tụng, đôi khi có sự nhầm lẫn, sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản. Để công bố các bản án đã có hiệu lực pháp luật, thẩm phán mất rất nhiều thời gian để mã hóa, trong đó có những vụ án với số lượng đương sự nhiều, dài thì thẩm phán phải mất từ 3 - 7 ngày mới mã hóa xong bản án theo quy định để công khai trên Cổng thông tin điện tử.
Từ khi có “Trợ lý ảo”, việc soạn thảo văn bản tố tụng, soát lỗi chính tả và mã hóa bản án do “Trợ lý ảo” thực hiện. Thẩm phán chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói thì chỉ trong vòng vài giây toàn bộ công việc này đã được “Trợ lý ảo” thực hiện xong. Thẩm phán chỉ kiểm tra lại lần cuối và phát hành, qua đó giúp giảm 30% khối lượng công việc cho thẩm phán.
Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 30/9/2023, phần mềm “Trợ lý ảo” Tòa án có hơn 11.000 người sử dụng và đạt trên 3,5 triệu lượt tương tác hỏi đáp. Có thể nói, việc ứng dụng phần mềm “Trợ lý ảo” vào hoạt động Tòa án là “điểm sáng” trong bức tranh chuyển đổi số quốc gia.