Trợ lực vốn tại các huyện nghèo

Gia đình anh A Moóc vay 90 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư vườn cà-phê và cây dược liệu.
Gia đình anh A Moóc vay 90 triệu đồng vốn ưu đãi từ NHCSXH để đầu tư vườn cà-phê và cây dược liệu.
(PLVN) - Việc nâng mức cho vay và thời hạn cho vay một số chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã được triển khai thực hiện được hơn 1 tháng, đang được người dân tích cực đón nhận với kỳ vọng tạo nên hiệu ứng tích cực góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, nhất là những huyện nghèo còn nhiều khó khăn trong cả nước.

Tin vui của nhiều gia đình

Đối với gia đình anh U Bình (dân tộc Xơ ĐRá, sống tại xã Đắc Ui, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum), thông tin NHCSXH nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và tăng thời hạn cho vay lên 120 tháng kể từ ngày 1/3 đối với một số chương trình tín dụng chính sách  quả thực là một tin vui. 

Năm 2007, vợ chồng anh vay NHCSXH 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo để trồng khoảng 1 ha cà-phê. Sau đó, anh đã mở rộng diện tích trồng cà-phê lên 2ha, ngoài ra còn trồng thêm các loại cây khác như bời lời, hồ tiêu,… Riêng thu nhập từ cà-phê mỗi năm thu được khoảng gần trăm triệu đồng. 

Thoát nghèo năm 2017, anh lại vay tiếp 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo của ngân hàng để đầu tư tiếp cà-phê. “Cây cà-phê cho thu nhập rất tốt, mỗi năm trừ chi phí gia đình cũng lời được khoảng 70 triệu đồng, nên tôi rất muốn mở rộng thêm vườn cà-phê nhưng chưa thể làm được vì đã vay hết hạn mức rồi. Nay biết tin được tăng hạn mức vay, tôi mừng lắm, tôi sẽ tìm hiểu để vay thêm 50 triệu đồng nữa để tiếp tục đầu tư cà-phê và trồng thêm các loại cây khác”, anh U Bình nói. 

Ở Tu Mơ Rông, một trong ba huyện nghèo của tỉnh Kon Tum đang được hỗ trợ áp dụng các cơ chế, chính sách theo quy định tại Nghị quyết 30a của Chính phủ, thì nguồn tín dụng chính sách đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Nhiều hộ dân nơi đây cũng đã mạnh dạn vay vốn NHCSXH để đầu tư cây cà-phê và trồng các loại cây dược liệu như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ da bì,… 

Anh A Moóc (sống tại thôn Măng Rương 1, xã Ngọc Lây, huyện Tu Mơ Rông) tâm sự, gia đình anh đã vay 90 triệu đồng từ 2 chương trình của NHCSXH huyện Tu Mơ Rông là chương trình cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm để đầu tư vườn cà-phê và cây dược liệu.

“Từ ba năm nay, mỗi năm tôi thu hoạch được 2 tấn cà-phê. Ngoài ra, tôi cũng đang đầu tư trồng 200 gốc sâm Ngọc Linh và 3 ha sâm dây. Sâm Ngọc Linh phải cần ít nhất 4 năm nữa mới cho thu hoạch. Vì vậy, việc nâng hạn mức và thời gian vay là một chính sách rất có ý nghĩa đối với bà con hiện nay, đặc biệt là những hộ trồng cây dài hạn và cây dược liệu”, anh A Moóc cho biết.

Góp phần đẩy lùi “tín dụng đen” 

Đồng hành trong việc vươn lên thoát nghèo và phát triển kinh tế bền vững  của những hộ như gia đình ở huyện Đắc Hà, không thể không nhắc đến một “đòn bẩy” quan trọng là vốn chính sách thực hiện qua NHCSXH.  

Trong gần 20 chương trình mà NHCSXH triển khai thực hiện, các chương trình như chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi,… đang lan toả những hiệu ứng tích cực. 

Anh U Bình kể, trước đây thiếu tiền vay lãi cao, tháng nào cũng bị chủ nợ đến o ép, doạ nạt, vô cùng vất vả mới tìm mọi cách trả hết nợ. Sau đó, “gặp” được chương trình cho vay hộ nghèo của Nhà nước lãi suất thấp chỉ khoảng 0,6%/tháng, gia đình anh chỉ vay NHCSXH 2 chương trình là cho vay hộ mới thoát nghèo (50 triệu đồng) và chương trình nước sạch vệ sinh môi trường (12 triệu đồng), chăm chỉ làm ăn là thoát nghèo.

“Hiện nay, mạng lưới hoạt động của NHCSXH tỉnh Kon Tum gồm Hội sở NHCSXH tỉnh và chín NHCSH huyện, 102 điểm giao dịch tại 102 xã, phường, thị trấn với 1.671 Tổ Tiết kiệm và Vay vốn tại các thôn, làng trong toàn tỉnh.

Việc mạng lưới của NHCSXH được phủ xuống tận các buôn làng, thủ tục cho vay đơn giản, giải ngân kịp thời cũng là lý do khiến người dân tìm đến với ngân hàng nhiều hơn, hạn chế cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, vùng núi, vùng sâu, vùng xa”, ông Lê Danh Thứ, Giám đốc NHCSXH tỉnh Kon Tum, chia sẻ.

“Việc nâng mức cho vay lên tối đa 100 triệu đồng và thời hạn vay tối đa 10 năm lần này đã kịp thời đáp ứng nguyện vọng của bà con. Theo rà soát của xã thì hiện nay, nguồn vốn hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu”, ông Ngô Hồng Hưng, Chủ tịch UBND xã Đắc Ui (huyện Đắc Hà) nói: “Nhưng riêng với những hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm,… thì cũng rất có nhu cầu vốn thêm nhưng còn thiếu. Những đối tượng này hiện chưa được nâng mức tối đa cho vay và thời hạn vay vẫn từ 3-5 năm nên chúng tôi cũng có kiến nghị Nhà nước giãn tiến độ trả nợ theo chu trình sản xuất kinh doanh lên mức tối đa bằng mức hộ nghèo được áp dụng là 10 năm”. 

Đọc thêm

Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế

 Sẽ quy định cụ thể trách nhiệm và cách thức sàn thương mại điện tử khấu trừ, nộp thay thuế
(PLVN) - Bộ Tài chính sẽ xây dựng nghị định quy định chi tiết về phạm vi trách nhiệm và cách thức các nhà quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay, kê khai số thuế đã khấu trừ đối với các giao dịch kinh doanh trên sàn của các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Thay đổi nhân sự ngành Thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trao quyết định và chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng
(PLVN) - 2 vị trí Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) và Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính) đã được hoán đổi giữa ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng.

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?

Livestream bán hàng: Khai thuế, nộp thuế như thế nào?
(PLVN) - Các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa thông qua phiên livestream thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế theo nguyên tắc: tự khai, tự nộp, tự chịu trách nhiệm và xuất hóa đơn đầy đủ khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ.