Ngược Quốc lộ 1A khoảng 2 giờ, từ cầu Trà Khúc, hai đoàn Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đến với huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi phối hợp tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động cho nhân dân tại địa phương.
Trợ giúp pháp lý lưu động tại xã An Bình |
Đưa pháp luật về với người dân
Huyện đảo Lý Sơn (Cù Lao Ré) là huyện đảo được tách ra từ huyện Bình Sơn của tỉnh Quảng Ngãi theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 1992. Huyện đảo có diện tích khoảng 9,97 km², dân số hơn 20.460 người, gồm 3 đảo là: đảo Lớn (Cù Lao Ré), đảo Bé (Cù Lao Bờ Bãi) ở phía bắc đảo Lớn, và hòn Mù Cu ở phía đông của đảo Lớn. Huyện được chia làm 3 xã là An Vĩnh (huyện lỵ - đảo Lớn), An Hải (đảo Lớn) và An Bình (đảo Bé).
Về với huyện đảo Lý Sơn chúng ta có dịp được tìm hiểu các món ẩm thực biển đặc sản ốc Cừ, ốc Bàn Tay xào sả ớt; cá Mú hấp, cá Ngừ sốt cà chua; mực Nang đại dương nấu súp và đặc biệt là đặc sản tỏi Lý Sơn với vị cay dịu nồng, nhẹ nhàng, mộc mạc chân quê. Các di tích lịch sử, du lịch văn hóa có chùa Hang, đình làng An Hải, chùa Đục, miệng núi Lửa, di tích lịch sử Hải đội Hoàng Sa - Trường Sa, Âm Linh tự và một số nhà cổ tại huyện đảo Lý Sơn cũng rất thu hút đối với những người mới đến.
Men theo đường mòn từ Cảng Sa Kỳ dọc hai bên là những bãi ngô, đan xen những hàng tỏi, hàng hành xanh mướt, mất khoảng 20 phút chúng tôi đã dừng chân tại Trung tâm huyện đảo thuộc xã An Vĩnh. Đúng theo kế hoạch, chúng tôi đã chia làm hai đoàn để phối hợp tổ chức trợ giúp pháp lý lưu động cho bà con 3 xã An Vĩnh, An Hải, An Bình.
Đoàn công tác về huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đúng trong dịp nhân dân đang hân hoan chuẩn bị tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Tuần lễ văn hóa biển đảo. Tuy bận rộn công việc nhưng bà con tập trung rất đông để được phát tờ rơi về Luật Biển, Luật Trợ giúp pháp lý, được nghe tuyên truyền các văn bản pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai. Đoàn chúng tôi còn tư vấn, hướng dẫn pháp luật về các thủ tục hành chính, các quyền lợi của bà con từ các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ấm tình người dân đảo
Gặp chúng tôi, ông Nguyễn Văn Chí - cán bộ tư pháp – hộ tịch xã An Vĩnh đã bộc bạch: “Ở huyện đảo đã có biết bao nhiêu đoàn công tác ghé thăm làm việc, du lịch, tìm hiểu văn hóa nơi đây nhưng niềm vui thực sự và lớn lao đó là việc Trợ giúp pháp lý đã về với bà con, vì xa xôi, cách trở nên việc tìm hiểu, tiếp cận với pháp luật, chủ trương của Đảng còn hạn chế, không có điện lưới quốc gia làm cho người dân chịu nhiều thiệt thòi”.
Chính vì thế, người dân địa phương rất cảm động khi có đoàn trợ giúp pháp lý về với đảo, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con và tư vấn cho bà con những tình huống liên quan đến pháp luật mà bà con còn vướng mắc.
Đến huyện đảo Lý Sơn mới thấy hết được tình cảm chân thành, nồng ấm của bà con đối với những người làm công tác tư pháp. Nhờ sự hướng dẫn tận tình của các cán bộ tư pháp xã, huyện và sự cộng tác nhiệt tình của người dân mà đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 3 xã của đoàn chúng tôi đã thành công tốt đẹp.
Chúng tôi còn có dịp gặp gỡ, giao lưu học hỏi về kinh nghiệm công tác, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu những nét lịch sử, truyền thống dân tộc về biển đảo quê hương, về lịch sử dựng nước, giữ nước, giữ vững vùng trời, vùng biển với những người lính đang công tác tại đây.
Đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi tuy ngắn nhưng những kinh nghiệm học hỏi, sự phối hợp công tác, tình cảm gắn bó keo sơn giữa những người trợ giúp pháp lý của Quảng Nam, Quảng Ngãi và chính quyền địa phương đã để lại trong chúng tôi nhiều ấn tượng sâu sắc.
Chúng tôi thêm gắn bó với công tác trợ giúp pháp lý, gần người dân, hiểu người dân, giúp người dân nâng cao nhận thức pháp luật, góp phần cùng ngành Tư pháp “hướng về biển đảo quê hương”, tạo diện mạo mới cho các xã, huyện nghèo, hải đảo trong giai đoạn hiện nay.
Thành Lê