Góp phần bảo vệ trẻ em thì việc trợ giúp pháp lý (TGPL) cho trẻ em là một trong những hoạt động được xã hội ngày càng quan tâm. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2010, Cục trưởng Cục TGPL (Bộ Tư pháp) đã có Quyết định (QĐ) số 11 về kế hoạch tăng cường hoạt động TGPL cho trẻ em.
Triển khai Chỉ thị số 1408 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 418 ban hành kèm theo Kế hoạch thực hiện Chỉ thị này. Trên cơ sở đó, Cục TGPL đã ra QĐ 11 để hướng dẫn các Trung tâm TGPL tổ chức thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
QĐ 11 yêu cầu phải bảo đảm TGPL bằng các hình thức phù hợp và có chất lượng cho mọi trường hợp trẻ em có vướng mắc pháp luật: trẻ em bị vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em; trẻ em bị xâm hại (xâm hại tình dục; bị lạm dụng sức lao động; phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm; bị mua bán; bị bạo lực; bị tai nạn, thương tích, nhiễm HIV; bị đẩy vào tình trạng lang thang không nhà cửa…); trẻ em là bị can, bị cáo, bị nghi phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng, bị tạm giam, tạm giữ; trẻ em bị đưa vào trường giáo dưỡng hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như là thành viên của hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, Tây Nguyên, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn…
Để có cơ sở rút ra được các bài học cụ thể và đánh giá được hoạt động TGPL cho trẻ em, Cục TGPL thực hiện điểm tại 9 Trung tâm, gồm 3 tỉnh thành phía Bắc là Điện Biên, Thái Bình, Hà Nội; 3 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên là Quảng Trị, Kon Tum, Lâm Đồng và 3 tỉnh thành phía Nam là Cà Mau, Đồng Tháp và TP. HCM.
Cùng với tăng cường công tác truyền thông về quyền trẻ em, pháp luật về TGPL của trẻ em và tổ chức hội nghị tập huấn cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên về kỹ năng TGPL cho trẻ em, 9 Trung tâm này phải tăng cường TGPL cho trẻ em bằng nhiều hoạt động cụ thể để đảm bảo TGPL kịp thời khi trẻ em có vướng mắc pháp luật.
Sau gần 1 năm triển khai, theo nhận định ban đầu của Phòng Quản lý chất lượng vụ việc TGPL thuộc Cục TGPL, việc thực hiện Kế hoạch đã góp phần bảo đảm quyền được TGPL của trẻ em được tiến hành trong thực tiễn, đồng thời nâng cao nhận thức của trẻ em và của các đối tượng có liên quan về các quyền của trẻ em.
Ngoài ra đã tạo được sự chuyển biến nhất định trong nhận thức của toàn xã hội cũng như nâng cao trách nhiệm của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên TGPL, các tổ chức tham gia TGPL, các cơ quan, tổ chức có liên về TGPL cho trẻ em nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung. Các Trung tâm thực hiện điểm cũng đã chủ động phát hiện, phối hợp và kiến nghị các biện pháp hỗ trợ nạn nhân và xử lý các hành vi xâm hại đến quyền trẻ em.
Tuy nhiên, Trưởng phòng Quản lý chất lượng vụ việc TGPL Phạm Quang Đại cho biết, có nhiều vụ việc TGPL cụ thể đã không thực sự thành công, điển hình chính là vụ TGPL cho bé Hào Anh bị vợ chồng chủ trại tôm tại Đầm Dơi (Cà Mau) hành hạ gây xôn xao dư luận trong tháng 5/2010.
Gia Lâm