Những cuộc điện thoại đùa nghịch của người dẫn chương trình truyền hình không phải là điều mới lạ đối với khán giả Úc, tuy nhiên, cái chết của một nữ y tá người Anh đang gây làn sóng phẫn nộ và nghi ngờ với ngón nghề xưa cũ này của giới truyền hình.
Chồng và các con của Jacintha Saldanha trước di ảnh của chị |
Hôm thứ Sáu 7/12/2012, nữ y tá Jacintha Saldanha, 46 tuổi, được phát hiện trong tình trạng bất tỉnh và đã chết tại nhà riêng gần Bệnh viện King Edouard VII, nơi nữ y tá này làm việc ở thủ đô London. Tuy chưa có kết quả khám nghiệm chính thức nhưng phần lớn thông tin đều cho rằng Saldanha đã tự tử. Đại diện của bệnh viện tố cáo Đài phát thanh 2Day FM ở Sydney (Úc) phải chịu trách nhiệm về cái chết này.
Trước đó, hôm thứ Ba 4/12, đài 2Day FM loan tin công nương Kate Middleton - vợ của Hoàng tử William của nước Anh – bị ốm nghén. Để có được tin này, hai người dẫn chương trình của đài là Mel Greig (nữ) và Michael Christian (nam) đã gọi điện từ Úc tới Bệnh viện King Edouard VII và giả giọng nói của Nữ hoàng Elizabeth II cùng thái tử Charles để hỏi thăm về tình trạng sức khỏe của công nương Kate đã nhập viện trước đó một ngày. Là người đã trực tiếp chăm sóc cho công nương Kate Middleton, khi nhận được điện thoại, nữ điều dưỡng Jacintha Saldanha, đã tin là thật là chuyển máy cho một nữ điều dưỡng khác đang ca trực và người này thật tình kể chi tiết tình hình thai nghén của công nương Kate và cho biết sức khỏe công nương Kate đã tốt hơn.
Vụ "Sachsgate" xảy ra hồi năm 2008, khi hai người dẫn chương trình của BBC là Jonathan Ross và Russell Brand goị điện thoại trực tiếp trước ống kính thu hình ở trường quay cho diễn viên kỳ cựu Andrew Sachs để phỏng vấn. Sau 2 cuộc goị không thành, họ đã để lại tin nhắn báo cho Sachs rằng Brand đã quan hệ tình dục với cháu gái của Sachs là Georgina Baillie và rằng diễn viên 78 tuổi này - người nổi tiếng với vai diễn Manuel trong loạt phim hài có tựa đề Fawlty Towers vào những năm 70 của thế kỷ trước- có thể sẽ phải thắt cổ tự tử vì xấu hổ. Hai người dẫn chương trình đã cho công khai nội dung tin nhắn thô tục này trên sóng, nhưng Sachs nói rằng ông không hề cho phép làm thế. Trò đùa cợt này đã gây phản ứng mạnh mẽ từ người xem với gần 50.000 ý kiến phản đối gởi cho BBC, trong đó có cả bình luận của Thủ tướng Gordon Brown. Cô Georgina Baillie nói cô có đi lại với Brand một thờ gian ngắn và cô cảm thấy bị phản bội khi Brand tiết lộ chuyện này với ông cô. Ban đầu gia đình Schas định đưa vấn đề ra cảnh sát nhưng sau lại thôi. Tuy nhiên, Giám đốc BBC đã phải ra điều trần trước Ủy ban Văn hóa, Truyền thông và Thể thao của Hạ viện Anh. Jonathan Ross, người có thu nhập cao nhất ở BBC và phụ trách chương trình trò chuyện truyền hình tối thứ sáu và chương trình phát thanh sáng thứ bảy, đã bị đình chỉ công tác trong 12 tuần. Brand, người đang nỗ lực tạo dựng sự nghiệp điện ảnh ở Mỹ qua việc tham gia một số bộ phim, đã thôi việc sau khi chương trình Radio 2 mà anh phụ trách bị đình chỉ. Người quản lý chương trình này, ông Lesley Douglas, cũng đã từ chức sau vụ việc trên. |
Cái chết của Jacintha Saldanha là một cú sốc lớn cho nước Anh và Hoàng gia. Vợ chồng hoàng tử William tuyên bố Hoàng gia sẽ không kiện các nữ điều dưỡng dù thông tin cá nhân của gia đình bị họ tiết lộ ra ngoài.“Hoàng tử William đã rất giận dữ khi biết về cái chết của Jacintha, còn công nương Kate thì cảm thấy bị tổn thương. Họ không thể hiểu nổi ai đó có thể vui khi chơi trò đánh lừa này” - báo The Mirror dẫn lời từ nguồn tin thân cận của hoàng gia Anh.
Từ góc độ của bệnh viện, đây là một bài học lớn. “Thật buồn khi phải chứng kiến một lỗi tưởng chừng như đơn giản”, bác sĩ Peter Carter của Bệnh viện King Edouard VII nói. Và họ oán trách giới truyền thông mua vui bằng sinh mạng của người khác. Giám đốc bệnh viện John Lofthouse cho rằng chuyện xảy ra với Jacintha Saldanha thật “tồi tệ” vì các điều dưỡng được đào tạo để chăm sóc bệnh nhân chứ không phải để đối phó với sự dối trá của cánh báo chí.
Thủ phạm của trò đùa tai ác là Mel Greig và Michael Christian đã phải bỏ trốn và trải qua quá trình tư vấn tâm lý. Sau vài ngày im lặng, hôm thứ Hai 10/12 Greig và Christian đã lên truyền hình công khai xin lỗi và bày tỏ tiếc thương trước cú lừa “thảm kịch” này. Nước mắt lưng tròng, Mel Greig nói rằng cô đã suy sụp khi nghe tin cô y tá người gốc Ân qua đời và rằng cô “không tài nào quên được câu chuyện”. Grieg nói cô đã suy sụp khi biết nữ điều dưỡng chết đi để lại hai con, trai 17 tuổi và gái 14 tuổi. Greig bộc bạch cô muốn tiếp xúc với gia đình nạn nhân, ôm lấy họ và nói lời xin lỗi.
Trong khi đó, Christian nói rằng trái tim anh như vỡ ra khi nghe tin dữ. Anh thú nhận rằng hầu như ngày nào anh cũng thực hiện những cuộc gọi như vậy trong chương trình Hot30 trên kênh 2Day FM và cho rằng những kiểu đùa như thế chỉ mang tính chất vui vẻ, không làm hại ai cả.
Tuy nhiên, dư luận Úc vẫn rất phẫn nộ trước hành động của hai người. Báo The Australian cho biết hiện đài phát thanh Úc đã quyết định đình chỉ việc lên sóng “vô thời hạn” của hai nhân viên này cho đến khi vụ việc được sáng tỏ. Đài 2Day FM cũng bị ảnh hưởng về mặt kinh doanh khi hàng loạt công ty đòi rút lại quảng cáo vì sợ bị mang tiếng khi quảng cáo trên đài này. Cơ quan quản lý truyền thông của Úc cùng cảnh sát Anh, Úc đã bắt đầu vào cuộc.
Các lãnh đạo Đài 2DayFM và công ty mẹ Southern Cross Austereo đã cam kết hợp tác với cuộc điều tra liên quan tới cái chết của Saldanha, nhưng họ nói rằng không ai trong đài đã lường trước được hậu quả của vụ giả mạo. Thậm chí, đoạn băng đã được nghe lại nhiều lần và xem xét về góc độ pháp lý trước khi phát sóng.
Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là liệu Đài 2DayFM có được phép đưa lên sóng nội dung một cuộc nói chuyện riêng mà bỏ qua sự đồng ý của những người tham gia hay không. Các chuyên gia luật cho rằng Greig và Michael Christian có thể sẽ bị xét xử tại toà án Anh. Nick Kaldas, phó chỉ huy cảnh sát New South Wales, cho rằng theo luật của Úc thì hai phát thanh viên kia có thể bị truy tố về tội ghi âm và đưa lên sóng một cách bất hợp pháp cuộc nói chuyện vơí các ý tá bệnh viện.
Sự việc còn liên quan tới trách nhiệm hình sự của Đài 2DayFM và công ty mẹ Southern Cross Austereo của nó vì hai DJ nói rằng các sếp của họ đã đồng ý cho phát đoạn băng ghi âm nọ.Hôm 9/12 Rhys Holleran, Giám đốc điều hành của Austereo, thanh minh rằng trước khi phát sóng cuộc nói chuyện điện thoại được ghi âm, Đài 2DayFM đã 5 lần gọi điện thoại tới bệnh viện King Edward VII để thảo luận trước. Tuy nhiên, phía bệnh vện đã bác bỏ tuyên bố của Rhys Holleran và cho biết cấp điều hành của họ không hề có liên lạc với Đài 2DayFM.
Bình luận về việc này, giáo sư luật Barbara McDonald của Đại học Sidney nói “Như vậy họ quyết làm tới mặc dù biết rằng điều đó là không được phép”. Giáo sư Barbara McDonald cho biết thêm rằng nội quy của 2DayFM cũng có điều khoản cấm phát sóng bất hợp pháp nội dung các cuộc điện thoại được ghi âm. Như vậy, chí ít hai nhân viên của đài này đã vi phạm nội quy của nơi họ làm việc.
Nếu vụ này được đưa ra toà, gần như chắc chắn là thẩm phán sẽ coi những nỗ lực (nếu quả có thật) không thành của 2DayFM nhằm tiếp xúc với bệnh viện để xin phép phát sóng là chưa đủ cơ sở pháp lý . “Tôi nghĩ, luật sư sẽ bị áp lực rất lớn khi cãi rằng một vài cuộc điện thoại chưa thành là đủ để cho thấy rằng đài đã có những cố gắng hợp lý nhằm xin phép phát sóng”, Mark Pearson - giáo sư báo chí tại Đại học Bond, bang Queensland - nhận định. Giáo sư Pearson khẳng định theo luật hiện hành, Đài 2DayFM chỉ được phát sóng cuộc nói chuyện điện thoại được nghi âm khi tất cả những người tham gia đồng ý.
Theo luật Chống nghe trộm của bang New South Wales, việc phát sóng công khai các cuộc điện đàm bị bí mật thu âm mà không được phép của những người tham dự cuộc nói chuyện đó, có thể bị phạt từ tối đa 5 năm và nộp phạt đến 58.000 USD. Tuy nhiên, cho đến nay mức trừng phạt cao nhất người ta biết dược chỉ là tước giấy phép phát sóng.
Quang Hòa