Xung quanh Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, thời điểm này những người nghèo, người yếu thế trong xã hội rất dễ bị tổn thương, rất cần những hỗ trợ của Nhà nước. Vì thế, Bộ trưởng khẳng định, việc sớm ban hành các chính sách hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động… như dự thảo có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, Dự thảo Nghị quyết hướng tới các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trong xã hội gồm 4 đối tượng: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
“Theo rà soát, hiện chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế trên, trong khi một số nhà tài trợ gặp khó khăn kinh tế do dịch Covid-19 đã thông báo rút các khoản hỗ trợ thường xuyên như gạo, đi lại…”, Bộ trưởng nói.
Theo dự thảo Nghị quyết, nhiều chính sách hỗ trợ cho người yếu thế được đưa ra như: Hỗ trợ người có công với cách mạng 500.000 đồng/người/tháng; Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định 1.000.000 đồng/hộ/tháng, hai đối tượng này thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.
Đối với người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên được hỗ trợ 1.800.000 đồng/người/tháng; Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng.
Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/hộ/tháng. Quy mô hỗ trợ dự kiến khoảng 62 nghìn tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng. Trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp khoảng 36 nghìn tỷ đồng.
Ngày 7/4, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội cho biết, Thường trực HĐND thành phố vừa đồng ý về nguyên tắc với đề xuất của UBND thành phố bổ sung 650 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố Hà Nội cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch Covid-19.
Thành phố Hà Nội cũng nêu rõ thứ tự đối tượng ưu tiên để dễ thực hiện, trước tiên cho hộ được giãn nợ, gia hạn nợ có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh; Kế tiếp là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn; Sau đó là các đối tượng chính sách khác và cuối cùng là cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ thu hút lao động, nhất là những cơ sở nhiều lao động.
Đối với ngành nghề cho vay, ưu tiên các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như các ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp, cung ứng lương thực, thực phẩm, y tế cho nhân dân và các ngành nghề dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân.