Triều Tiên tuyên bố sớm hoàn thành phi hạt nhân hóa: Đường còn dài phía trước

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phái viên Hàn Quốc
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và phái viên Hàn Quốc
(PLO) - Thông tin do các quan chức Hàn Quốc công bố tuần qua cho hay Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nói rằng ông muốn phi hạt nhân hóa vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng đưa ra lộ trình về việc đưa vũ khí hạt nhân khỏi bán đảo Triều Tiên.

Hoàn tất trước 2021?

Các hãng tin trên thế giới trong tuần qua đồng loạt dẫn lời ông Chung Eui-yong - cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in – cho biết, ngày 5/9, ông đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tại cuộc gặp này, 2 bên đã thống nhất về việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều tiếp theo vào các ngày từ 18 đến 20/9 tới. Tại cuộc gặp lần này, Tổng thống Hàn Quốc và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ thảo luận về “các biện pháp thực tế” để hướng tới phi hạt nhân hóa. 

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Hàn Quốc cũng cho biết thêm rằng, Nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các cuộc gặp với các quan chức Hàn Quốc khẳng định niềm tin của ông với Tổng thống Mỹ Trump vẫn không thay đổi.

Đặc biệt, ông Kim nói rằng ông muốn phi hạt nhân hóa và chấm dứt quan hệ thù nghịch với Mỹ trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump vốn kết thúc vào đầu năm 2021 tới. “Ông ấy đặc biệt nhấn mạnh rằng ông ấy chưa bao giờ nói bất cứ điều gì tiêu cực về Tổng thống Trump”, ông Chung cho hay.

Phát biểu của giới chức Hàn Quốc đánh dấu lần đầu tiên nhà lãnh đạo Triều Tiên đưa ra lộ trình về dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Trước đó, Bình Nhưỡng đã nhiều lần tuyên bố sẽ xem xét từ bỏ chương trình hạt nhân nếu Mỹ đảm bảo an ninh cho nước này bằng cách đưa binh lính Mỹ khỏi Hàn Quốc và dỡ bỏ cái gọi là “ô ngăn ngừa hạt nhân” mà Washington dành cho Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo giới chức Mỹ, trong các cuộc đàm phán từng thất bại trước đây, Triều Tiên thậm chí từ chối thảo luận về định nghĩa phi hạt nhân hóa hay các điều khoản chính trong việc phi hạt nhân hóa như “có thể xác minh” và không thể đảo ngược. Phía Triều Tiên cũng muốn Mỹ phải đồng ý có các biện pháp lập tức giảm áp lực kinh tế với Triều Tiên trước khi bước vào đàm phán. 

Về phía Triều Tiên, hãng thông tấn chính thức KCNA của nước này cũng cho biết nhà lãnh đạo của họ đã khẳng định với ông Chung và các phái viên của Hàn Quốc về lập trường cố định của ông trong việc biến bán đảo Triều Tiên trở thành “cái nôi hòa bình, không có vũ khí hạt nhân và không có đe dọa hạt nhân”. Theo hãng tin này, tại cuộc gặp với phái viên của Hàn Quốc, ông Kim un cho rằng 2 miền Triều Tiên cần thúc đẩy nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động chung mà theo ông Kim hiện đã gần đạt trạng thái hòa bình và hòa giải. 

Tổng thống Mỹ Trump ngay sau đó đã lên tiếng hoan nghênh những phát biểu của ông Kim. “Ông Kim của Triều Tiên đã khẳng định niềm tin vững chắc với Tổng thống Trump. Cảm ơn Chủ tịch Kim. Chúng ta sẽ cùng nhau hoàn tất công việc đó”, ông Trump phát biểu, trên Twitter như thường lệ.

Con đường dài phía trước 

Phát biểu khi đang ở thăm Ấn Độ tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từ chối nói về các bước đi tiếp theo nhằm hướng tới phi hạt nhân hóa. Song, ông cho rằng tiến trình này còn là một cả chặng đường dài phía trước. “Còn khối lượng công việc rất lớn cần thực hiện”, ông Pompeo nói. Khi được hỏi về thông tin từ giới tình báo Mỹ cho rằng Triều Tiên vẫn đang thúc đẩy chương trình hạt nhân của nước này, ông Pompeo lưu ý việc Bình Nhưỡng đã dừng các vụ thử hạt nhân và bắn thử tên lửa. 

Theo Ngoại trưởng Mỹ, Mỹ xem đó là một động thái tích cực. “Tuy nhiên, việc thuyết phục Chủ tịch Kim thực hiện bước chuyển chiến lược mà các bên đã bàn thảo nhằm hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân Triều Tiên vẫn đang được tiến hành”, ông Pompeo nói.

Trước đó, hồi tháng 7 vừa qua, ông Pompeo đã tới thăm Triều Tiên. Tuy nhiên, sau chuyến đi, Bình Nhưỡng cáo buộc ông đưa ra những yêu cầu phi hạt nhân hóa đơn phương, “như gangster” và không cho thấy sự quan tâm tới việc chấm dứt chiến tranh. 

Cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc cũng cho hay, nhà lãnh đạo Triều Tiên trong các cuộc gặp với giới chức Hàn Quốc cũng đã nhấn mạnh rằng Mỹ cần phải có những biện pháp đáp trả những động thái tích cực ban đầu của Triều Tiên như việc dỡ bỏ một địa điểm thử hạt nhân và một cơ sở thử động cơ tên lửa của nước này. Theo ông Chung, ông Kim nói rằng ông thấy “thất vọng vì việc ở một số nơi trong cộng đồng quốc tế vẫn nghi ngờ về sự sẵn sàng phi hạt nhân hóa của ông”. 

Cố vấn an ninh quốc gia của Hàn Quốc cho biết ông Kim đã đề nghị phái đoàn của Triều Tiên truyền thông điệp của ông tới giới chức Mỹ. “Ông ấy nói rằng ông ấy sẽ rất cảm kích nếu những động thái thiện chí được đáp trả bằng thiện chí. Ông ấy bảo tỏ ý chí mạnh mẽ trong việc có những biện pháp tích cực hơn hướng tới phi hạt nhân hóa nếu các bên có hành động nhằm phản hồi những bước đi ưu tiên của Triều Tiên”, Cố vấn Chung cho hay.

Còn theo Người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom, trước khi ông Chung tới Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Trump đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc in. Trong cuộc điện đàm đó, ông Trump đã đề nghị ông Moon đóng vai trò “người điều đình chính” giữa Mỹ và Triều Tiên. Vẫn theo Người phát ngôn của tổng thống Hàn Quốc, tới đây, Cố vấn Chung sẽ gửi thông điệp của ông Kim trong chuyến thăm vừa qua tới Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ John Bolton.

Hi vọng vào hội nghị sắp diễn ra

Tại cuộc gặp thượng đỉnh mang tính chất lịch sử tại Singapore hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ và Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nhất trí hợp tác để hưởng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Nhưng các cuộc đàm phán kể từ đó đến nay chưa đạt được nhiều tiến bộ trong khi các chuyên gia cho rằng có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên vẫn đang duy trì các hoạt động liên quan đến chương trình vũ khí của nước này. 

Trong số các chủ đề mà các bên đang đàm phán có việc phi hạt nhân hóa hay tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 trước. Cuộc chiến tranh chấm dứt với một thỏa thuận đình chiến chứ không phải một hiệp định hòa bình, đồng nghĩa với việc lực lượng LHQ do Mỹ dẫn đầu về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên. “Mỹ không nền trì hoãn thêm việc tuyên bố kết thúc chiến tranh mà Tổng thống Mỹ vốn đã hứa hẹn tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore”, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên nhận định. 

Song, các quan chức Mỹ cho rằng việc đưa ra một thỏa thuận như vậy có thể làm suy yếu động lực để Triều Tiên phi hạt nhân hóa và tạo sự bất ổn về mục đích hoạt động của 28.500 lính Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc – di sản của cuộc chiến tranh kéo dài 3 năm từ hơn nửa thế kỷ trước. “Có vẻ như ông Kim biết rõ rằng Mỹ đang mất kiên nhẫn nên tìm cách gạt bỏ những lo ngại cho rằng các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa có thể chững lại hoặc thất bại.

Ông Kim cũng nêu rõ rằng ông ấy cần thấy những bằng chứng về việc ông Trump đã từ bỏ chính sách thù nghịch của Mỹ trước khi thực hiện phi hạt nhân hóa. Ông Kim đang chứng minh sự chân thành của ông ấy”, Giáo sư về nghiên cứu Triều Tiên tại trường Đại học Dongguk ở Seoul Koh Yu-hwan nhận xét về các diễn biến mới nhất tại Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, hội nghị thượng đỉnh Hàn – Triều diễn ra tới đây nhiều khả năng sẽ tạo động lực mới cho các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Triều Tiên và Mỹ sau khi ông Trump hồi tháng trước đã hủy bỏ chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo tới Bình Nhưỡng với lý do không thấy tiến triển trong việc đàm phán. 

Chỉ vài giờ sau khi ông Trump cảm ơn ông Kim vì niềm tin đối với ông, Bộ Tư pháp Mỹ đã công bố những cáo buộc tấn công mạng chống lại một công dân Triều Tiên tên Park Jin Hyok. Theo bản cáo trạng dài 179 trang, ông Park, 34 tuổi, là một lập trình viên máy tính được đào tạo tại Trường Đại học Triều Tiên.
Ít nhất từ năm 2002, ông này đã tham gia các hoạt động tấn công mạng. Phía Mỹ cáo buộc ông này đã cùng các tin tặc người Triều Tiên gây ra vụ tấn công mạng khiến hàng nghìn máy tính của Sony bị mất dữ liệu và đánh cắp những thư điện tử mật vào cuối năm 2014. Vụ tấn công mạng, theo giới chức Mỹ, được ông Park và các cộng sự thực hiện cho Tổng cục tình báo Triều Tiên – cơ quan tình báo quân sự kiểm soát năng lực trên không gian mạng của Triều Tiên.
Đây là lần đầu tiên Mỹ đưa ra những cáo buộc như vậy nhằm vào cơ quan tình báo Triều Tiên. Diễn biến này được cho là có thể làm nổi lên những đợt sóng trong quan hệ Mỹ - Triều.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.