Theo hãng tin trên, hiến pháp sửa đổi của Triều Tiên đã được Quốc hội nước này thông qua tại kỳ họp diễn ra hồi tháng 4 vừa qua. Bản Hiến pháp mới của Triều Tiên quy định rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ - cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước Triều Tiên - là nhà lãnh đạo tối cao “đại diện cho đất nước”.
Hiện nay, ông Kim Jong-un đang là Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên. Hiến pháp trước đây của Triều Tiên chỉ quy định Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là nhà lãnh đạo tối cao còn Chủ tịch Quốc hội mới là người đại diện cho đất nước trên cương vị người đứng đầu nhà nước.
Hiến pháp mới của Triều Tiên vẫn quy định Chủ tịch Quốc hội nước này đại diện cho đất nước và nhận quốc thư của các phái viên nước ngoài. Như vậy, dường như chức danh đại diện cho đất nước chỉ mang tính tượng trưng khi nhận quốc thư.
Những đồn đoán về việc Triều Tiên có thể thúc đẩy sửa đổi hiến pháp của nước này để đưa ông Kim trở thành nguyên thủ quốc gia chính thức đã xuất hiện nhiều sau khi ông Kim không có tên trong danh sách các đại biểu Quốc hội khóa mới mới được bầu của Triều Tiên.
Hồi tháng 4 vừa qua, ông Kim đã được bầu lại làm Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ của Triều Tiên. Truyền thông nhà nước Triều Tiên trước đó đã sử dụng một danh hiệu mới là “đại diện tối cao” để gọi ông Kim, dấy lên những suy đoán về khả năng Triều Tiên sửa đổi hiến pháp để mở rộng quyền lực của ông này.
Cũng trong tháng 4 vừa qua, ông Choe Ryong-hae - được coi là một trong những phụ tá gần gũi nhất với nhà lãnh đạo Triều Tiên - đã được bầu để thay thế ông Kim Yong-nam làm Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên.
Ngoài ra, theo Yonhap, trong bản Hiến pháp mới của Triều Tiên vừa được truyền thông nước này công bố toàn văn cũng có rất nhiều điểm mới đáng chú.
Đầu tiên phải kể đến việc Hiến pháp mới của Triều Tiên đã xóa bỏ cụm từ “songun”, hay chính sách quân đội trước hết mà nhà lãnh đạo quá cố Kim Jong-il - cha đẻ của ông Kim Jong-un – đã tích cực ủng hộ.
Hiến pháp mới của Triều Tiên cũng đã loại trừ các dự án xây dựng quốc phòng trong phần xác định nghĩa vụ của các thành viên Nội các. Theo các chuyên gia, thay đổi là một dấu hiệu khác cho thấy ông Kim đang tìm cách phá bỏ chính sách “songun” của cha ông.
Trong Hiến pháp mới của Triều Tiên, nước này tuyên bố sẽ mở rộng và phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại, thay thế cho cụm từ trước đó là phát triển thương mại đối ngoại.
Các nhà quan sát coi sự thay đổi này là một dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng sẽ chú trọng hơn vào việc cải thiện mối quan hệ với các nước khác để tăng uy tín, từ đó thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nhằm đối phó với những thách thức từ các lệnh trừng phạt toàn cầu.