Năm 2020, công việc bị ảnh hưởng do COVID-19 kéo dài, anh L.V.Q (trú tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong (Nghệ An) là một giáo viên một trường học trên địa bàn đã đến gặp Nguyễn Đình Vương (SN 1995, trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) để vay tiền lo công việc. Anh Q. đã để lại giấy tờ tùy thân vay của Vương số tiền 30 triệu đồng, với lãi suất 3.000 đồng/triệu đồng/ngày.
Đến tháng 4/2021, anh Q. đã trả được cho Vương số tiền lãi là 20 triệu đồng, nhưng số tiền gốc chưa có để trả. Sau đó, anh Q. lại ghe theo lời tư vấn của nhóm đối tượng khác là đàn em trong đường dây của Vương để tiếp tục vay thêm khoản tiền từ một cơ sở khác 30 triệu đồng trả cho Vương với lãi suất tương tự như trước.
Các đối tượng Lực, Tuyến và Vận trong đường dây bị bắt giữ |
Đến tháng 12/2021, anh Q. đã hơn 30 triệu đồng tiền lãi, chưa kể tiền gốc. Do không trả lãi đúng hạn, những ngày đầu năm 2022 đến nay, anh Q. và gia đình liên tục bị nhóm đối tượng này tìm đến trường học nơi vợ chồng anh dạy học và nhà riêng để bêu rếu, gây rối. Thậm chí, có hôm nửa đêm đang ngủ, các thành viên trong gia đình bị đánh thức bởi mùi lạ bốc vào nhà, khi tỉnh dậy kiểm tra thì phát hiện chất bẩn vương vãi bị kẻ lạ ném vào nhà.
Trường hợp khác là bà N.T.N. trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong do làm ăn thua lỗ nên tháng 7/2020 đã vay của Nguyễn Đình Vương số tiền 50 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/triệu/ngày.
Tính đến tháng 2/2022, bà N. đã phải trả cho Vương số tiền lãi lên đến gần 100 triệu đồng, trong khi khoản tiền gốc vẫn chưa thanh toán được. Vì chậm trả lãi, nạn nhân này liên tục bị Vương cho đàn em đến để đòi nợ, cũng với hình thức và chiêu trò tương tự như các nạn nhân khác, khiến gia đình luôn lo lắng, bất an, sau đó đã quyết định trình báo vụ việc đến cơ quan chức năng để nhờ sự giúp đỡ.
Tang vật thu giữ được của các đối tượng sử dụng để uy hiếp khi đi đòi nợ |
Đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Công an huyện Quế Phong vào cuộc điều tra và đã phát hiện nhóm đối tượng cho vay nặng lãi tại Quế Phong.
Kết quả điều tra, công an xác định đối tượng cầm đầu đường dây này là Nguyễn Đình Vương - là đối tượng đã từng có một tiền sự về hành vi chứa chấp, sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài ra, giúp sức đắc lực cho Vương còn có 3 đồng phạm gồm: Lê Anh Lực (SN 1993); Nguyễn Quang Tuyến (SN 1993) cùng trú tại thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong và Nguyễn Lâm Vận (SN 1989, ở phường Quán Bàu, TP Vinh). Trong đó Tuyến chịu trách nhiệm quản lý sổ sách cho vay qua phần mềm, Lực và Vận được phân công đi thu hồi nợ.
Để đòi được tiền từ những con nợ đã hết khả năng trả nợ, các đối tượng thường đến nhà hoặc cơ quan của những người này gây sức ép, nhiều trường hợp đã bị ném chất bẩn vào nhà hoặc đánh đập.
Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 30/3/2022 Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp Công an huyện Quế Phong tiến hành bắt giữ 4 đối tượng nói trên về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Trong số này, ngoài Vương đã có tiền sự, thì đối tượng Lê Anh Lực cũng đã có 1 tiền sự về tội đánh bạc; Nguyễn Lâm Vận có 1 tiền án về tội cố ý gây thương tích và 1 tiền sự về tội gây rối trật tự công cộng.
Qua tài liệu chứng cứ, bước đầu CQĐT xác định từ năm 2020 đến nay, Nguyễn Đình Vương đã cho hơn 400 bị hại vay, với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng, qua đó thu lợi bất chính gần 10 tỷ đồng.
Theo khai nhận ban đầu của đối tượng, các khách hàng khi có nhu cầu vay sẽ được hỗ trợ thực hiện các thủ tục nhanh chóng, với mức lãi suất cho vay từ 3.000 - 5.000 đồng/triệu/ngày, tương đương lãi suất 108-180%/năm, cao gấp nhiều lần so với lãi suất quy định.
Lhám xét khẩn cấp chỗ ở của Nguyễn Đình Vương, cơ quan cảnh sát phát hiện, thu giữ tang vật gồm 70 triệu đồng tiền mặt, 12 ĐTDĐ, 1 bộ máy tính là phương tiện để quản lý vay nợ, 5 dao, kiếm, gậy, típ sắt các loại cùng nhiều CMND, sổ hộ khẩu và sổ sách giấy tờ vay nợ của các nạn nhân.
Hiện chuyên án đang được điều tra mở rộng.