Triệt phá đường dây làm giả giấy tờ kết hôn cho người muốn định cư Mỹ

Hình minh họa
Hình minh họa
(PLVN) - Các nhà điều tra liên bang Mỹ hôm 13/5 bắt hàng chục người tại Texas sau khi triệt phá một đường dây chuyên làm giả giấy tờ kết hôn cho những người nước ngoài muốn định cư Mỹ.

Thủ đoạn kín kẽ

Nghi phạm cầm đầu, Ashley Yen Nguyen, 53 tuổi, điều hành hoạt động của băng nhóm ở ngoại ô thành phố Houston nhưng có "chân rết" khắp bang và tại Việt Nam. Ít nhất 50 trong số gần 100 người có tên trong cáo trạng đã bị bắt, có những người bị bắt tại sân bay khi đang định trốn khỏi Mỹ.

"Các đôi vợ chồng này bị cáo buộc kết hôn theo một thỏa thuận tài chính với mục đích chủ yếu là lách luật nhập cư Mỹ", thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay.

Theo cáo trạng, đường dây trên bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2013 với mức phí 50.000 - 70.000 USD mỗi người để được sắp xếp một người vợ hoặc chồng giả tại Mỹ. Họ sau đó phải trả thêm tiền mặt cho những lợi ích đi kèm như được nhập cư Mỹ hay trở thành thường trú nhân hợp pháp hoàn toàn. Những công dân Mỹ tham gia các cuộc hôn nhân giả cũng được trả một phần thù lao.

Sau khi thỏa thuận xong, nhóm này trình các giấy tờ giả mạo lên cơ quan nhập cư, trong đó có tài liệu thuế và việc làm, để giúp các khách hàng đạt quyền nhập cảnh và cư trú tại Mỹ. Những kẻ này còn cung cấp cả album ảnh cưới giả để chứng minh rằng họ đã tổ chức lễ cưới. Các đôi vợ chồng giả không chung sống với nhau và mới gặp gỡ ngay trước khi có giấy đăng ký kết hôn.

Trang Le Nguyen, 45 tuổi, một luật sư gốc Việt ở Texas, cũng bị truy tố với cáo buộc cung cấp giấy tờ giả mạo cho ít nhất một cuộc hôn nhân và tuyển dụng các công dân Mỹ tham gia vào đường dây.

Nữ luật sư gốc Việt 45 tuổi đối mặt với 20 năm tù vì bị buộc tội lừa đảo và âm mưu lừa đảo. Bà này cũng bị buộc tội cản trở cơ quan tư pháp và can thiệp vào nhân chứng với tối đa 10 năm tù, sau khi khuyên một trong những người tham gia đám cưới giả bỏ trốn, tránh đi bằng đường hàng không và ngừng cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.

Nguyen Le Thien Trang tốt nghiệp trường Luật Nam Texas vào tháng 12/2010, được cấp phép hành nghề luật sư ở Texas năm 2011 và chưa có tiền án tiền sự nào.

Theo thông tin trên trang web của công ty, Trang là luật sư về luật di trú, kinh doanh và đầu tư quốc tế, đồng thời là chủ sở hữu kiêm chủ tịch của Taura Inc, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu dầu khí ở Houston. Bà này được quảng bá là thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Việt, tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện về giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em Việt Nam. Trang cũng là chủ một chương trình tư vấn pháp lý trên một kênh truyền hình dành cho người Việt tại Mỹ.

Trang đang đồng quản lý công ty luật Pham & Nguyen Law Group ở Houston nhưng cộng sự của bà này hiện không phản hồi các yêu cầu bình luận từ phía báo chí.

Sáng 13/5, Ashley Yen Nguyen, con gái và chồng không chính thức của bà này cùng hơn chục nghi phạm đã dự phiên tòa đầu tiên trước sự chứng kiến của nhiều bạn bè và người thân. Con gái của Nguyen được tại ngoại trong khi bà này và chồng tiếp tục bị giam chờ xét xử. Các nghi phạm đối mặt với các tội danh lừa đảo, làm giả nhân chứng và có thể lĩnh án tới 20 năm tù.

Cảnh báo của ICE

Mỹ quy định hôn nhân giả là việc lợi dụng kết hôn để lách các quy định về di trú chứ không nhằm mục đích chung sống thật sự, thường diễn ra theo hình thức một công dân Mỹ được trả tiền hoặc hưởng các lợi ích khác để đăng ký kết hôn với công dân nước ngoài muốn định cư ở Mỹ. 

Theo quy định của luật pháp nước này, người phạm tội, cả công dân Mỹ lẫn công dân nước ngoài, đều có nguy cơ ngồi tù lên đến 5 năm và bị phạt tiền lên đến 250.000 USD. Ngoài ra, họ và những kẻ dàn xếp các "thương vụ" kết hôn có thể bị buộc tội gian lận visa, chứa chấp trái phép người nước ngoài hay khai man. Công dân nước ngoài kết hôn giả còn có nguy cơ bị trục xuất và từ chối đơn xin thị thực sau này.

Trong vụ đường dây kết hôn giả ở Texas, một số nghi phạm bị cáo buộc lừa đảo qua thư, gian lận nhập cư, khai man về đăng ký giấy tờ của người nước ngoài, giao dịch nhập tịch bất hợp pháp, cản trở công lý và mua chuộc nhân chứng, nạn nhân hoặc người cung cấp thông tin. Các tội danh lừa đảo qua thư và mua chuộc nhân chứng có thể bị phạt tù lên đến 20 năm. Các tội còn lại có thể bị phạt tù lên đến 10 năm.

Phanh phui tình trạng kết hôn giả là một trong những ưu tiên hàng đầu của Sở Nhập tịch và Di trú Mỹ (USCIS) và Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan (ICE). Giới chức Mỹ thường kiểm tra tính hợp lệ của cuộc hôn nhân bằng cách phỏng vấn người nộp đơn và bạn đời của họ trong tiến trình điều chỉnh tình trạng di trú thành thường trú nhân (xin thẻ xanh).

Giới chức Mỹ có thể yêu cầu người nộp đơn kể về quá trình hai người phát triển mối quan hệ, yêu cầu nộp album ảnh, hợp đồng thuê nhà hay sao kê tài khoản ngân hàng. 

Nếu trong cuộc phỏng vấn đầu tiên, nhân viên di trú Mỹ cảm thấy có chi tiết mâu thuẫn hay khả nghi, họ có thể tổ chức cuộc phỏng vấn thứ hai, đôi khi ngay lập tức. Người xin nhập cư và bạn đời được tách ra và hỏi cùng một bộ câu hỏi, sau đó câu trả lời của họ được so sánh. Chẳng hạn, nếu người chồng nói rằng họ luôn mừng sinh nhật trên bãi biển nhưng người vợ nói rằng họ luôn đến vùng núi, họ có thể gặp rắc rối.

Những câu hỏi có thể liên quan đến bất kỳ vấn đề gì của cuộc sống hàng ngày như món quà gần đây nhất tặng nhau, hình thức tránh thai, tần suất và thời gian gọi điện, nhắn tin cho nhau, những ngày lễ kỷ niệm cùng nhau hay các vấn đề tài chính. Cặp vợ chồng có thể thuê luật sư để xuất hiện cùng mình trước giới chức. Ngoài so sánh câu trả lời, giới chức Mỹ cũng chú ý đến ngôn ngữ cơ thể và thái độ của cặp vợ chồng trong quá trình phỏng vấn.

Trong trường hợp đường dây kết hôn giả ở Texas, tổ chức này bị cáo buộc đã chuẩn bị các album ảnh cưới giả, giấy tờ với chữ ký giả, địa chỉ không có thật và thư xác nhận việc làm giả. Các đôi vợ chồng giả không chung sống với nhau và chỉ gặp gỡ ngay trước khi có giấy đăng ký kết hôn.

"Kết hôn giả không phải là hành vi phạm tội không có nạn nhân hay có ảnh hưởng không đáng kể. Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Tham gia vào hành vi này và đánh đổi an ninh của Mỹ để thu lợi cá nhân là trọng tội phải bị trừng phạt nghiêm khắc", ICE cảnh báo trên website của mình.

"Nếu các cáo buộc trong vụ kết hôn giả ở Houston là đúng, tôi rất lo lắng", luật sư David Nguyen, Văn phòng luật sư David Nguyen, bang Texas, Mỹ chia sẻ. Theo luật sư David Nguyen, ông lo ngại các tổ chức chống nhập cư ở Mỹ và các chính trị gia có thể "tận dụng" sự việc này để ngăn cản, khiến những người xin nhập cư chính đáng gặp khó khăn hơn, thậm chí nhà chức trách Mỹ có thể tìm cách tăng thuế nhập cư để chi trả cho quá trình điều tra các trường hợp kết hôn giả. Bên cạnh đó, người nước ngoài ở Mỹ có thể phải chờ đợi lâu hơn để có được thẻ xanh.

Với công dân Việt đã có thẻ xanh ở Mỹ, ngoài mức phạt, họ sẽ bị mất địa vị pháp lý hiện có, không còn là công dân Mỹ hoặc quyền cư trú hợp pháp dài hạn. Những người vi phạm sẽ bị xem xét trục xuất và khả năng cao là bị đưa trở lại quê nhà. Ngay cả khi kết hôn hợp pháp với công dân Mỹ trong tương lai, những người này cũng sẽ không được cư trú dài hạn ở Mỹ.

"Hành động gian lận bị phát giác sẽ được lưu vĩnh viễn trong hồ sơ của người vi phạm", David Nguyen cho hay.

Tin cùng chuyên mục

Cộng đồng mạng có thể dễ dàng “tẩy chay”, cô lập một nhãn hàng, một gia đình, một công ty,... (Ảnh minh họa - Nguồn: Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị)

Những "phiên toà" khắc nghiệt mang tên mạng xã hội

(PLVN) - Sự bùng nổ của mạng xã hội đã mở ra kỷ nguyên thông tin mới, mang đến nhiều cơ hội chia sẻ thông tin nhanh chóng và đa chiều. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện lợi đến do mạng Internet đem lại, vẫn còn đó những “phiên tòa” vô cùng khắc nghiệt mang tên “dư luận mạng”.

Đọc thêm

Công an Kon Tum cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Đối tượng lừa đảo qua mạng nhắn tin, dẫn dụ bị hại. (Ảnh: Công an tỉnh cung cấp)
(PLVN) - Phòng An ninh mạng - Công an tỉnh Kon Tum và Ngân hàng ACB chi nhánh Kon Tum đã kịp thời ngăn chặn vụ lừa đảo hơn 500 triệu đồng với chiêu giả danh người Mỹ muốn chuyển tiền về Việt Nam đầu tư.

Sơ thẩm vụ 'Trốn thuế' ở Phú Giáo (Bình Dương): VKS đề nghị phạt tiền với 3 bị cáo

VKS đề nghị HĐXX phạt tiền các bị cáo về tội “Trốn thuế”.
(PLVN) - Hôm qua (12/12), TAND huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương) mở phiên sơ thẩm với bị cáo Nguyễn Thị Phương Huệ (SN 1967), Trần Thanh Tài (SN 1997, con trai bà Huệ, cùng ngụ huyện Phú Giáo) và Võ Đức Quang (SN 1993, ngụ Chơn Thành, Bình Phước) về tội “Trốn thuế”. Cả ba bị cáo buộc trốn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi khai giá mua bán đất thấp hơn giá thực tế.

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép

Bắt quả tang đối tượng vận chuyển gỗ trái phép
(PLVN) -  Hạt Kiểm lâm Hoàng Liên (Vườn Quốc gia Hoàng Liên) phối hợp với Trạm Kiểm lâm số 3, Công an xã Tả Van và Ban Chỉ huy Quân sựu xã Tả van (thị xã Sa Pa) vừa bắt quả tang 01 đối tượng vận chuyển trái phép gỗ pơ mu.

Truy tố ông Trần Đình Triển

Ảnh minh họa
(PLVN) - VKSND Tối cao đã ban hành cáo trạng truy tố bị can Trần Đình Triển (SN 1959, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Khởi tố nghi can hàng loạt vụ trộm trên xe ô tô tại Rạch Giá

Bị can Ngô Phụng Tuấn
(PLVN) - Ngày 11/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện Lệnh bắt tạm giam đối với Ngô Phụng Tuấn (SN 2006, ngụ phường An Bình, TP Rạch Giá) về tội "Trộm cắp tài sản".