Những triết lý sống đầy nhân văn
Năm 2011, một ông lão ngồi trầm ngâm trên chiếc ghế bành đã cũ trong căn hộ không có nhiều đồ đạc có giá trị ngoài những bức ảnh do trẻ con tự vẽ và được gắn khung treo ngay ngắn trên tường ở phía đông Manhattan. Ông nói rằng, đến cuối năm 2016, ông sẽ cho đi nốt phần còn lại trong tổng số tài sản mà ông đã tích lũy được.
Nhìn vào ông lão ăn vận xuề xòa trước mắt, nếu không biết ông là ai, nhiều người hẳn sẽ cười khẩy nghĩ rằng ông phét lác, rằng số tiền mà ông nói đến ở đây cũng chẳng có bao nhiêu. Nhưng trên thực tế, ông lão đó chính là Charles F. Feeney - tỉ phú người Mỹ đã sáng lập Quỹ từ thiện Đại Tây Dương nổi tiếng. Tại thời điểm Feeney đưa ra phát ngôn trên, Quỹ từ thiện Đại Tây Dương vẫn còn 1,5 tỉ USD.
Tuy nhiên, ném tiền qua cửa sổ hay viết séc mà không cần biết mục đích hay hiệu quả sử dụng tiền không phải là cách làm của Feeney. Gần 5 năm sau tuyên bố trên, tháng 12/2016, ông và Quỹ từ thiện Đại Tây Dương đã hoàn tất lời hứa nói trên với việc cung cấp khoản hỗ trợ cuối cùng trị giá 7 triệu USD cho trường Đại học Cornell để hỗ trợ các sinh viên thực hiện các công việc cộng đồng.
Ông Feeney được Tạp ché Forbes mệnh danh là "James Bond trong lĩnh vực từ thiện" |
Còn ông Feeney, đến lúc đó, ông cũng chính thức thực hiện được mục tiêu “cho đi khi còn sống” mà ông luôn tâm niệm. Tổng tài sản còn lại của ông đến lúc bấy giờ là hơn 2 triệu USD. Số tiền này với người bình thường không phải nhỏ nhưng so với khối tài sản khổng lồ mà ông Feeney từng nắm giữ lại chỉ chiếm 0,001%. Tổng cộng, ông Feeney đã đóng góp 8 tỉ USD cho công việc từ thiện, bao gồm hỗ trợ giáo dục, y tế công, nhân quyền và nghiên cứu khoa học.
Không một người làm từ thiện có tiếng nào ở Mỹ cho đi phần tài sản của họ nhiều hơn ông Feeney. Với số tiền còn lại trong tay, ông và vợ chuyển tới sống trong một căn hộ đi thuê ở San Francisco. “Ở một thời điểm, anh cũng chỉ mặc được 1 cái quần thôi mà!”, ông Feeney lý giải.
Tỉ phú tiết kiệm
Sinh ra ở New Jersey trong một gia đình viên chức người Mỹ gốc Ireland, ngay từ nhỏ, ông Feeney đã tích cực tự kiếm tiền bằng những công việc làm thêm lặt vặt. Đến năm 1960, sau khi lấy được bằng đại học, ông Feeney và một người bạn đã quyết định mở cửa hàng miễn thuế DFS ở sân bay Hong Kong. Ở thời điểm khái niệm hàng miễn thuế vẫn còn ít người biết đến, hoạt động của cửa hàng phát triển mạnh mẽ.
Một thời gian sau đó, ông thành lập chuỗi cửa hàng mua sắm DFS – chuỗi cửa hàng bán lẻ miễn thuế lớn nhất thế giới với các cửa hàng ở khắp châu Á và Bắc Mỹ. Ngoài chuỗi cửa hàng miễn thuế, bằng sự nhanh nhạy của mình, ông Feeney còn đầu tư vào các công ty công nghệ. Khối tài sản của ông vì thế gia tăng nhanh chóng.
Có tiền trong tay, nhiều người giàu có thích hưởng thụ cuộc sống xa hoa nhưng ông Feeney lại ngược lại. Khi đã là một tỉ phú, ông vẫn luôn sống một cuộc sống giản dị và tiết kiệm đến mức nhiều khi bị chê là hà tiện. Trong tủ đồ của ông có bất cứ biểu hiện nào của một người có tiền, không bao giờ có sự xuất hiện của những chiếc cà vạt hay giày dép hàng hiệu.
Ông chỉ dùng đồ bình dân, đi máy bay bằng vé hạng phổ thông, dùng món rượu rẻ gần nhất trong thực đơn của nhà hàng mỗi khi buộc phải dùng bữa bên ngoài. Ông Feeney có 5 người con. Thế nhưng, không như các cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu khác, ngay từ khi còn nhỏ, các con của ông đã bị cha yêu cầu phải kiếm tiền và sử dụng tiền một cách khôn ngoan. Các con trai của ông bị cha bắt đi làm bồi bàn, còn con gái làm bồi phòng khách sạn hoặc thu ngân trong các kỳ nghỉ hè để kiếm tiền tiêu vặt.
“Jame Bond trong lĩnh vực từ thiện”
Nhìn vào cuộc sống của gia đình Feeney lúc bấy giờ, nhiều người lắc đầu vì nghĩ rằng ông quá tham tiền. Họ không hề biết rằng thực chất ông chỉ là người tằn tiện trong những chi tiêu cho bản thân còn với người khác ông lại rất hào phóng, rộng lượng. Khối tài sản lớn không khiến ông vui vẻ mà ngược lại còn thấy khó chịu.
Có nhiều tiền hơn so với nhu cầu chi tiêu, ông bắt đầu nghĩ cách để sử dụng tiền một cách tốt hơn. Năm 1982, ông thành lập Quỹ từ thiện Đại Tây Dương và góp vào đó 5 triệu USD. 2 năm sau đó, khi đã đảm bảo chi tiêu cho gia đình, ông quyết định quyên toàn bộ tài sản của bản thân (ước đạt 1 tỉ USD vào năm 1984) cho Quỹ trên.
Feeney về sau nói rằng, khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời ông không phải là những lúc ký được những hợp đồng béo bở hay những chuyến đi chơi xa mà đó là ngày 23/11/1984. Vào ngày đó, khi những người khác đang háo hức chuẩn bị cho Lễ Tạ ơn thì ông và người vợ lúc bấy giờ là bà Danielle cùng luật sư của 2 vợ chồng bay tới Bahamas để ký một loạt những tài liệu – mà mãi đến sau này người ta mới biết được rằng các tài liệu đó thể hiện ông Chuck Feeney đã chuyển toàn bộ số tài sản mà ông có cho Quỹ từ thiện Đại Tây Dương.
Để số tiền trong tài khoản của Quỹ từ thiện Đại Tây Dương sinh sôi nảy nở, ông Feeney cũng đã đầu tư vào nhiều công ty như Facebook, Priceline, E-Trade, Alibaba hay Legent.
Cuối năm 1990, Feeney bán cổ phần ở Tập đoàn DFS cho LVMH – nhà sản xuất những thương hiệu hàng hóa xa xỉ như Louis Vuitton, nhận về 1,7 tỉ USD và chuyển toàn bộ số tiền này vào Quỹ Từ thiện Đại Tây Dương. Quỹ từ thiện Đại Tây Dương cũng đã tài trợ cho đại học California 125 triệu USD, trường đại học Stanford 60 triệu USD cho các hoạt động của trường.
Cũng chính ông là người đã cấp 1 tỷ USD tài trợ cho chương trình cải tạo và xây mới các trường đại học ở Ireland - nơi tổ tiên ông từ đó ra đi tới Mỹ tìm miền đất hứa – với mục tiêu đưa đây trở thành một trong những nước có nền giáo dục cao nhất thế giới. Một điểm khác biệt giữa ông Feeney và những “mạnh thường quân” khác là ông luôn cố gắng làm từ thiện một cách bí mật nhất có thể.
Cho đi gần như toàn bộ số tiền mà mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” để kiếm được tất cả những hoạt động cao cả đều được ông thực hiện trong vòng bí mật. Tên của ông không hề xuất hiện trên những bảng hiệu, đá cẩm thạch hay biển tên ở bất cứ tòa nhà nào trong hơn 1.000 tòa nhà được xây dựng trên khắp 5 châu từ số tiền 2,7 tỉ USD mà ông đã quyên tặng. Tất cả những nơi này và cả những người được hưởng lợi từ tổ chức từ thiện của ông Feeney đều được ông yêu cầu không công khai phần đóng góp của họ.
Mãi đến năm 1997, do một tranh chấp trong hoạt động kinh doanh nên ông mới buộc phải công khai việc tài trợ tiền cho Quỹ từ thiện Đại Tây Dương. Chính vì vậy nên tờ tạp chí Forbes đã từng gọi ông là “James Bond trong lĩnh vực từ thiện”.