Dấu hiệu về hậu quả của lạm phát
Cụ thể, theo số liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, trong 3 tháng đầu năm, nền kinh tế Mỹ chỉ đạt được mức tăng trưởng GDP là 1,1%. Con số này thấp hơn đáng kể so với mức 2,6% của quý IV/2022 và cũng thấp hơn so với dự báo 2,0% từng được các chuyên gia đưa ra trước đây. Theo Bộ Thương mại Mỹ, số liệu tăng trưởng GDP quý I/2023 thể hiện sự gia tăng chi tiêu tiêu dùng, xuất khẩu, chi tiêu của chính phủ liên bang, cùng với một số hình thức đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng trưởng chậm lại rõ rệt là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đang phải gánh chịu hậu quả từ lạm phát dai dẳng ở mức cao và các đợt tăng mạnh lãi suất vừa qua của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Các số liệu thống kê cho thấy, dù chi tiêu hộ gia đình tại Mỹ trong quý I/2023 tăng 3,7% so với 3 tháng cuối năm ngoái nhưng doanh số bán lẻ lại giảm mạnh do lạm phát và chi phí đi vay cao hơn ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng, nếu chi tiêu hộ gia đình và người tiêu dùng không tăng lên, từ nay đến cuối năm, nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ biến động và bất ổn nhiều hơn. Với xu hướng này, nền kinh tế Mỹ được dự báo chỉ tăng trưởng mức cao nhất là 1,8% trong quý tới.
Bên cạnh đó, những tác động toàn diện do sự bất ổn trong lĩnh vực tài chính, đặc biệt là sau khi 3 ngân hàng hạng trung của Mỹ sụp đổ vào tháng 3 vẫn chưa được phản ánh toàn bộ. Nhà phân tích Ryan Sweet của Công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics chỉ ra rằng, tình trạng bất ổn gần đây trong hệ thống ngân hàng và các tiêu chuẩn cho vay thắt chặt hơn có thể sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế nhẹ tại Mỹ trong quý II/2023.
Những số liệu về “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ phần nào phản ánh các dự báo đã được các tổ chức kinh tế đưa ra trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được đưa ra hôm giữa tháng 4 nhận định, tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023 dự báo sẽ đạt 1,6%, thấp hơn so với tăng trưởng 2,1% trong năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cũng vẫn cao hơn so với dự báo chỉ 1,1% trong năm 2024.
Quá trình phục hồi gập ghềnh hơn
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, IMF cho rằng, quá trình phục hồi của kinh tế thế giới đang ngày càng trở nên gập ghềnh hơn trong bối cảnh đối mặt lạm phát dai dẳng, lãi suất tăng và những bất ổn do sự sụp đổ của hai ngân hàng lớn của Mỹ. Trong báo cáo, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống còn 2,8%, giảm so với mức 3,4% vào năm 2022. Con số này cũng thấp hơn so với mức dự báo tăng trưởng 2,9% cho năm 2023 mà IMF đã đưa ra trong dự báo được công bố vào tháng 1 vừa qua. Kịch bản này được xây dựng với giả định sự bất ổn của khu vực tài chính được kiểm soát, không làm gián đoạn hoạt động kinh tế toàn cầu và suy thoái kinh tế (nếu có) cũng không lan rộng.
IMF trong báo cáo cũng đề cập đến khả năng “hạ cánh cứng”, theo đó khả năng lãi suất tăng làm suy yếu tăng trưởng đến mức gây ra suy thoái đã “tăng mạnh”, đặc biệt là ở các quốc gia giàu có nhất thế giới. Quỹ trên cảnh báo rằng những yếu tố này cũng đang làm tăng rủi ro đối với sự ổn định tài chính toàn cầu. “Ngày càng khó để nền kinh tế thế giới quay trở lại bắt kịp với đà tăng trưởng vốn chiếm ưu thế trong giai đoạn trước năm 2022”, báo cáo nhấn mạnh.
Theo báo cáo của IMF, đối với các nền kinh tế phát triển, tăng trưởng năm nay được dự báo sẽ chỉ còn 1,3%, chưa bằng một nửa so với mức 2,7% trong năm 2022. Khoảng 90% các nền kinh tế phát triển được nhận định sẽ suy giảm tăng trưởng đáng kể trong năm nay. Trong khi đó, ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng kinh tế có phần lạc quan hơn, với dự báo mức tăng trưởng trong năm nay có thể đạt 3,9%. Tuy nhiên, dự báo này vẫn thấp hơn 0,1% so với mức dự báo hồi tháng 1/2023. “Tình hình vẫn còn mong manh. Rủi ro sụt giảm đang chiếm ưu thế”, ông Pierre-Olivier Gourinchas, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF, nói.
Trước đó, trong báo cáo “Triển vọng tăng trưởng dài hạn giảm sút: Xu hướng, kỳ vọng và chính sách”, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, các cuộc khủng hoảng liên tiếp những năm gần đây, như đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine, đã chấm dứt gần 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế bền vững, làm gia tăng lo ngại về năng suất chậm lại, yếu tố cần thiết cho tăng trưởng thu nhập và tiền lương. Theo WB, trong giai đoạn 2022 - 2030, trung bình tiềm năng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất trong 3 thập kỷ là 2,2% mỗi năm, mở ra một “thập kỷ mất mát” cho nền kinh tế thế giới, trừ khi các nhà hoạch định chính sách áp dụng các sáng kiến mạnh mẽ để thúc đẩy nguồn cung lao động, năng suất và đầu tư.
Đầu tư thấp sẽ làm tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển chậm lại, với mức tăng trưởng GDP trung bình giảm từ mức 5% trong giai đoạn 2011 - 2021 và 6% của giai đoạn 2000 - 2010 xuống 4% trong những năm còn lại của thập niên 2020. WB cũng cảnh báo, tiềm năng tăng trưởng GDP của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trên diện rộng và việc không thể đảo ngược quá trình này sẽ tác động sâu sắc đến khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm đói nghèo.
Yếu tố chi phối chủ đạo nền kinh tế toàn cầu
Lạm phát được xem là yếu tố chi phối chủ đạo triển vọng kinh tế toàn cầu thời gian tới. IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ ở mức 7% trong năm nay, giảm từ mức 8,7% vào năm 2022 nhưng tăng so với dự báo 6,6% cho năm 2023 được đưa ra hồi tháng 1. “Lạm phát nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán cách đây vài tháng”, ông Gourinchas nhấn mạnh.
Tại Mỹ, báo cáo GDP của Bộ Tài chính Mỹ được đưa ra trong bối cảnh FED đang tìm cách “hạ nhiệt” nền kinh tế để khống chế lạm phát. Sau khi lên ngưỡng 9%, là mức cao nhất trong hơn 4 thập kỷ trở lại đây vào mùa hè năm ngoái, lạm phát ở Mỹ gần đây đã giảm nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà FED đề ra. Kể từ khi bắt đầu chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 3/2022, đến nay, FED đã có 9 đợt tăng lãi suất liên tiếp, với tổng mức tăng 4,75%, đưa lãi suất cơ bản đồng USD lên mức cao nhất gần 16 năm. Dù vậy, ngân hàng này cho rằng mức lạm phát vẫn còn quá cao, đòi hỏi tiếp tục tăng lãi suất.
Lạm phát lõi cao dai dẳng có thể buộc các ngân hàng trung ương duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn. FED và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong tháng 5/2023 và duy trì mức lãi suất cao đủ lâu để xử lý triệt để vấn đề lạm phát. Hệ quả của việc này là đồng USD sẽ ở mức cao trong khoảng thời gian dài hơn, làm trầm trọng thêm thách thức mà nhiều nền kinh tế đang phải đối mặt là chi phí nhập khẩu tăng cao. Lãi suất tăng cũng có thể làm trỗi dậy cuộc khủng hoảng ngân hàng đã khiến 3 ngân hàng của Mỹ liên tiếp phá sản trong tháng 3, trong đó có Silicon Valley Bank (SVB) - định chế tài chính lớn thứ 17 tại Mỹ. Đồng thời, lãi suất cao sẽ gia tăng rủi ro đối với các doanh nghiệp đã vay nợ nhiều trong thời gian lãi suất thấp trước đây trong bối cảnh môi trường kinh doanh kém thuận lợi.
Chuyên gia kinh tế trưởng Beata Javorcik của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) cảnh báo “gánh nặng” này có thể trở thành một “quả bom hẹn giờ”. “Lãi suất cao hơn đang “bắt đầu có những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với lĩnh vực tài chính””, chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Gourinchas cũng cảnh báo. Trong bối cảnh đó, IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách điều chỉnh chính sách tiền tệ để hỗ trợ ổn định tài chính, tức cân nhắc lại tốc độ tăng lãi suất nhằm “hạ nhiệt” lạm phát.
Còn theo khuyến nghị của WB, những nỗ lực hợp tác để thúc đẩy đầu tư trong các lĩnh vực bền vững, cắt giảm chi phí thương mại, thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ và mở rộng sự tham gia của lực lượng lao động có thể thúc đẩy tăng trưởng GDP tiềm năng thêm 0,7%, lên mức 2,9%. Theo WB, để thay đổi quỹ đạo và thu hút thêm đầu tư, các nhà hoạch định chính sách nên ưu tiên kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định khu vực tài chính và giảm nợ.
Tăng cường “đầu tư xanh” trong các lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng, sản xuất và nông nghiệp thông minh, hệ thống đất và nước có thể thúc đẩy tăng trưởng tiềm năng lên tới 0,3% mỗi năm. Việc giảm chi phí liên quan đến vận chuyển, hậu cần và chính sách cũng có thể thúc đẩy thương mại. Đẩy mạnh xuất khẩu các dịch vụ kỹ thuật số cũng có thể giúp tăng cao năng suất, nâng cao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ và những thành phần khác, từ đó nâng tốc độ tăng trưởng tiềm năng toàn cầu lên 0,2% mỗi năm vào năm 2030.