Với sự góp mặt của 250 doanh nghiệp là các tâp đoàn lớn, các công ty uy tín đến từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ như: Mỹ, Đức, Italy, Pháp, Ukraine, Belarus, Nga, Uzebekistan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Pakistan, Thái Lan... sẽ mang đến triển lãm các nhóm hàng chính là thiết bị y tế và thí nghiệm và sản phẩm chăm sóc sức khỏe; dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị thẩm mỹ; máy móc chế biến, đóng gói dược phẩm; thiết bị nha khoa; thiết bị nhãn khoa.
Đặc biệt, triển lãm lần này có một số gian hàng quốc tế nổi bật như khu gian hàng Nhật Bản sẽ trưng bày các sản phẩm y tế công nghệ cao; khu gian hàng Ấn Độ với thế mạnh về dược phẩm, thiết bị thí nghiệm; khu gian hàng Trung Quốc tập trung giới thiệu các sản phẩm đa dạng về ngành nghề và chủng loại như sản phẩm MIS phẫu thuật khối u, bộ phát hiện độc tố, các xét nghiệm chẩn đoán nhanh, các loại cưa điện, khoan y tế dùng cho phẫu thuật chỉnh hình...
Ngoài các hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp, Triển lãm còn có hội thảo “Giới thiệu thị trường y dược Việt Nam; các quy định và chính sách hiện hành” do Hội thiết bị y tế TPHCM, Cục quản lý Dược Việt Nam (Bộ Y tế), Vụ trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) chủ trì...
Theo Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), giá trị thị trường thiết bị y tế Việt Nam hiện ở mức 465,4 triệu USD và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khi đạt mức 1,4 tỷ USD vào năm 2018. Với quy mô thị trường hiện có khoảng 1.000 công ty thiết bị y tế đang hoạt động tại Việt Nam, số lượng thiết bị y tế nhập khẩu đã tăng dần qua các năm. Nếu như năm 2012, Bộ Y tế chỉ cấp phép nhập khẩu thiết bị y tế cho 3.997 đơn hàng thì đến năm 2013, con số này đã lên tới 4.205 đơn hàng và năm 2014 là 5.500 đơn hàng. Đặc biệt, việc nhập khẩu trang thiết bị y tế đang ngày càng tăng lên, tỷ lệ hàng nhập khẩu chiếm khoảng 90% trên toàn thị trường, trong đó, các nước cung cấp thiết bị y tế chủ yếu cho Việt Nam là Nhật Bản, Đức, Mỹ, Trung Quốc, Singapore.
Thị trường dược phẩm Việt Nam có giá trị 4,2 tỷ USD tính đến năm 2015, tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 2010-2015 là 17-20% và năm 2017, tốc độ tăng trưởng của thị trường dự kiến sẽ cao hơn 17%. Tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người là 40 USD.