Ngày 26/11/2019, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế (NNT) không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước (NSNN). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Nghị quyết 94/2019/QH14 quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với NNT không còn khả năng nộp NSNN, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế (QLT) số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.
Theo báo cáo của Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Vụ QLN), Tổng cục Thuế, thực hiện Nghị quyết 94/2019/QH14 và Luật QLT số 38/2019/QH14, ngành Thuế đã ban hành 7.091 quyết định khoanh nợ tiền thuế đối với 65.495 NNT với tổng số tiền thuế nợ được khoanh là 2.172 tỷ đồng. Trong đó: Khoanh nợ theo Nghị quyết 94/2019/QH14 là 1.783 tỷ đồng, khoanh nợ theo Luật QLT là 389 tỷ đồng.
Về xóa nợ, ngành Thuế đã ban hành 629 quyết định xóa nợ đối với 57.752 NNT với tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp được xóa là 1.470 tỷ đồng. Trong đó: Xóa nợ tiền chậm nộp theo Nghị quyết 94 là 1.467 tỷ đồng, xóa nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp theo Luật QLT là 3,5 tỷ đồng.
Tại Hội nghị sơ kết công tác quản lý nợ 6 tháng đầu năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2021, đại diện Vụ QLN cho biết, trong bối cảnh 6 tháng đầu năm 2021 sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều hoạt động kinh tế, xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng; doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản, ngừng sản xuất kinh doanh, số nợ thuế có xu hướng tăng lên và việc thực hiện thu hồi nợ thuế của đơn vị cùng bị ảnh hưởng.
Trước tình hình đó, Vụ QLN đã đặt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ NNT duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho NNT được gia hạn nợ thuế, nộp dần tiền thuế, miễn tiền chậm nộp, xóa nợ thuế theo quy định của Luật QLT và Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ là công tác trọng tâm.
Cùng với đó là triển khai xử lý nợ, khoanh nợ, xóa nợ không còn khả năng nộp NSNN; tăng cường công tác quản lý thu hồi nợ thuế vào NSNN, hạn chế thấp nhất số nợ mới phát sinh. Kết quả thực hiện công tác trong 6 tháng đầu năm 2021 của Vụ QLN đã có những chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Lũy kế tính đến thời điểm ngày 30/6/2021, toàn ngành Thuế thực hiện thu hồi nợ đọng tại thời điểm ngày 31/12/2020 đạt 16.302 tỷ đồng, bằng 54,2% chỉ tiêu thu nợ giao, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ 11.012 tỷ đồng; thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ 5.290 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Vụ QLN đã chỉ đạo bộ phận QLN các cấp thực hiện các biện pháp đôn đốc và đã thu hồi được 143.290 tỷ đồng tiền thuế mà NNT nộp sau khi đã hết thời hạn nộp thuế, chiếm 22,6% tổng số thu ngành Thuế quản lý thu trong 6 tháng đầu năm 2021.
Ghi nhận những kết quả đạt được của Vụ QLN trong 6 tháng đầu năm và công tác phối hợp xây dựng Nghị định 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Xuân Bách đề nghị Vụ QLN cần tiếp tục tham mưu cho Tổng cục về hệ thống báo cáo cho từng chỉ tiêu nợ, từ đó có những phân tích cụ thể cho từng chỉ tiêu theo bản chất của khoản nợ.
Trong công tác xây dựng chính sách pháp luật, Vụ QLN cần tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Tổng cục rà soát các quy định tại Thông tư hướng dẫn một số điều của Luật QLT số 38/2019/QH14 các nội dung về xóa nợ, gia hạn nộp thuế, nộp dần tiền thuế nợ, miễn tiền chậm nộp, không tính tiền chậm nộp; đảm bảo quản lý chặt chẽ, đầy đủ các khoản tiền thuế nợ, đôn đốc kịp thời vào NSNN, đồng thời cùng tháo gỡ khó khăn, giúp NNT ổn định sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, điện tử hóa quy trình đôn đốc nợ và cưỡng chế nợ, tạo thuận lợi cho NNT…