Ông Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương điều hành Hội thảo.
Cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất lao động
Trình bày tham luận về “Động lực tăng năng suất ở Việt Nam: Vai trò của thể chế, chính sách thị trường lao động” tại hội thảo, ông Felix Weidencaff, chuyên gia về Việc làm, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, so với một số nền kinh tế ASEAN, ông Felix Weidencaff cho biết, Việt Nam đã phát triển kinh tế bền vững và tăng trưởng năng suất trong những thập kỷ qua nhưng năng suất lao động vẫn tương đối thấp so với một số nền kinh tế khác ở Đông Nam Á.
Theo ông Felix Weidencaff, bước vào giai đoạn phát triển mới, Việt Nam cần có động lực mới về tăng trưởng năng suất lao động trong tất cả các ngành nghề, khu vực. Theo đó, chuyển đổi kinh tế cần đi đôi với chuyển đổi việc làm; cách tiếp cận ở cấp vĩ mô đòi hỏi đầu tư vào con người, cơ sở hạ tầng và các lĩnh vực chiến lược để các động lực thay đổi mang tính chuyển đổi.
Đồng thời, ông Felix Weidencaff nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thể chế và chính sách thị trường lao động để giải quyết những thách thức kép trong việc duy trì tăng trưởng năng suất và đảm bảo tăng trưởng năng suất bao trùm, tạo nhiều việc làm.
Theo Chuyên gia của ILO, các thể chế và chính sách việc làm và thị trường lao động cần tăng hiệu quả việc phát triển nguồn nhân lực và tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế tri thức, công nghệ và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trong tiếp cận các cơ hội việc làm năng suất cho tất cả mọi người, cần làm rõ vai trò quan trọng của các chính sách thị trường lao động chủ động; đáp ứng với yêu cầu ngày càng thay đổi của việc làm khi bản chất tình trạng thất nghiệp sẽ thay đổi và những thách thức mới đối với tạo việc làm có năng suất hơn; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động hiệu quả, phù hợp với chiến lược phát triển lao động, nguồn nhân lực cũng như chiến lược phát triển kinh tế; đẩy mạnh nghiên cứu về tăng năng suất…
“Để tạo việc làm năng suất và việc làm bền vững, cần chú ý phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ; tăng cường phối hợp với chính sách ở các lĩnh vực khác như thông tin thị trường lao động, bảo hiểm xã hội…”, ông Felix Weidencaff nói.
Tham luận về “Tín dụng chính sách xã hội: Góp phần thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ giảm nghèo bảo đảm an sinh xã hội, động viên được sự tham gia tích cực của toàn xã hội, góp phần đáng kể giảm số hộ nghèo, tăng số hộ khá, cải thiện từng bước đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả là việc hình thành kênh tín dụng dành riêng cho người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội.
Ông Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, trong hơn 20 năm qua, vốn tín dụng chính sách xã hội đã giải ngân cho hơn 44,407 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ hơn 6,4 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giải quyết việc làm cho gần 6,5 triệu lao động, trong đó, hỗ trợ hơn 147 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ gần 3,9 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 18 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
Với những kết quả đạt được, tín dụng chính sách xã hội là cầu nối hết sức thiết thực, hiệu quả, đã thực sự đi vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Trao đổi tại hội thảo, lý giải nguyên nhân năng suất lao động Việt Nam thấp, TS. Nguyễn Lê Hoa Trưởng Phòng Nghiên cứu năng suất, Viện Năng suất Việt Nam cho rằng có các nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Cụ thể, tại Việt Nam đang thiếu hụt lao động lành nghề có kỹ năng cao; thành phần kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng lớn nhưng hầu hết là quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên khó có thể nâng cao năng suất lao động trong lĩnh vực này.
Mặc dù các chính sách của Nhà nước đã tác động tích cực đến tăng năng suất ở Việt Nam nhưng năng suất nội ngành chưa đạt được như kỳ vọng, các ngành đóng góp cao vào GDP và sử dụng lao động cao nhưng mức năng suất còn thấp, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như mong muốn…
Vẫn theo TS. Nguyễn Lê Hoa, thời gian qua có nhiều chính sách lớn của Đảng, Nhà nước trong thúc đẩy nâng cao năng suất lao động của Việt Nam như đổi mới mô hình tăng trưởng, giải quyết thủ tục hành chính, đổi mới khoa học công nghệ sáng tạo. Tuy nhiên, quá trình thực thi chính sách còn chậm; các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa có sự tham gia tích cực từ phía doanh nghiệp.
Vì vậy, thời gian tới, các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất lao động Việt Nam cần được triển khai mạnh mẽ hơn. Trong đó, tập trung vào liên kết phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để xây dựng các chính sách đồng bộ và xuyên suốt; tạo điều kiện thúc đẩy nguồn lực và tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân phát huy vai trò trong việc tăng năng suất lao động; tăng năng lực thực thi chính sách thúc đẩy năng suất, tập trung vào ngành đóng góp giá trị gia tăng cao và sử dụng nhiều lao động.
Không được buông lơi vấn đề năng suất lao động
Ông Jonathan Pincus, Chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của Tổ chức phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng “ngưỡng mộ” trong một thời gian.
Nêu vấn đề Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không, ông Pincus chỉ rõ, vấn đề then chốt là Việt Nam phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.
Theo vị chuyên gia, có 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Cùng với đó là khả năng điều phối thấp giữa trung ương và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển.
Góp ý vào công tác đào tạo chuyên sâu, sau đại học ở Việt Nam, chuyên gia của UNDP cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài khoa học công nghệ cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.
Kết luận phiên chuyên đề 2, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, về vấn đề năng suất, trong ngắn hạn năm 2023, các ý kiến cho rằng cần đặc biệt quan tâm đến các chính sách tạo nền tảng thúc đẩy năng suất, gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo.
"Không được buông lơi vấn đề năng suất, kể cả trong điều kiện kinh tế khó khăn, cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ", ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.
Về dài hạn, cần đổi mới cơ cấu nội ngành, tạo ra sự bền vững của năng suất, tạo sự đồng bộ trong các khâu triển khai, nâng cao chất lượng nhân lực, đẩy mạnh chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp.
Về bảo đảm an sinh xã hội, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, các chuyên gia đã có nhiều chia sẻ xoay quanh vấn đề sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng linh hoạt, mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng, đối tượng thu, đa dạng hóa danh mục cơ cấu quỹ đầu tư bảo hiểm, hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần.
Đối với việc phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia đã đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi quy định của pháp luật liên quan đến quỹ đất, đối tượng thụ hưởng chính sách, điều kiện thụ hưởng, các ưu đãi cho chủ đầu tư, thủ tục hành chính.