Luật QH được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019. Đây là căn cứ pháp lý để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất trong hoạt động QH. Luật QH là công cụ quan trọng giúp Nhà nước hoạch định, kiến tạo động lực, không gian phát triển, bảo đảm tính kết nối đồng bộ giữa QH cấp quốc gia với QH vùng và QH tỉnh, nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của đất nước để phát triển KT-XH nhanh và bền vững.
Sẽ thành lập Tổ công tác thi hành Luật
Để triển khai kịp thời, đồng bộ các quy định của Luật QH, ngày 05/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về việc triển khai thi hành Luật QH.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW tập trung chỉ đạo quyết liệt, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật QH; Xây dựng các dự án Luật sửa đổi, bổ sung bảo đảm đồng bộ với Luật QH; Xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật QH; Thực hiện các quy định chuyển tiếp của Luật QH; Thành lập Tổ công tác thi hành Luật QH; Xây dựng QH thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật QH.
Trong đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW xây dựng Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật QH trình Chính phủ trong tháng 02/2018; Nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về định mức kinh tế - kỹ thuật lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh QH, ban hành trong tháng 3/2018.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW nghiên cứu ban hành Thông tư hướng dẫn về giá trong hoạt động QH theo quy định tại Luật QH trong quý II/2018. ..
Thực hiện rà soát, tổng hợp danh mục các quy hoạch
Theo Nghị quyết, các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, tổng hợp, đề xuất danh mục các QH được tích hợp vào QH cấp quốc gia, QH vùng, QH tỉnh theo quy định tại Luật QH, danh mục các QH có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo quy định, gửi cho Bộ KH&ĐT trước ngày 31/3/2018 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Đồng thời rà soát, tổng hợp danh mục các QH cấp quốc gia, cấp vùng do bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì tổ chức lập theo lĩnh vực quản lý đã được phê duyệt còn hiệu lực, các QH đang tiến hành lập, đã được lập, điều chỉnh, thẩm định mà chưa được quyết định hoặc phê duyệt, các QH đã được lập, điều chỉnh mà chưa được thẩm định gửi Bộ KH&ĐT trước ngày 31/3/2018 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Nghiên cứu và ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo ngành, lĩnh vực được phân công, bảo đảm thực hiện nhiệm vụ QLNN khi các QH quy định tại điểm d khoản 1 Điều 59 Luật QH bị bãi bỏ; Hoàn thành trước ngày 31/12/2018 và chủ động nghiên cứu, rà soát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức lập QH được phân công, thực hiện QH theo quy định của Luật QH.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW rà soát, tổng hợp danh mục các QH đã được phê duyệt còn hiệu lực, các QH đang tiến hành lập, đã được lập, điều chỉnh, thẩm định mà chưa được phê duyệt, các QH đã được lập, điều chỉnh mà chưa được thẩm định gửi Bộ KH&ĐT trước ngày 31/3/2018 để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Đồng thời, chủ động rà soát, bãi bỏ theo thẩm quyền các QH theo quy định tại Luật QH, hoàn thành trước ngày 31/12/2018.
Xây dựng Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030
Tại Nghị quyết, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tập trung nguồn lực tổ chức lập QH ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 được phân công theo quy định của Luật QH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2020. Phối hợp với cơ quan lập QH tổng thể quốc gia, QH không gian biển quốc gia, QH sử dụng đất quốc gia, QH vùng và QH tỉnh theo quy định của Luật QH.
Xây dựng kế hoạch vốn cho việc lập các QH ngành quốc gia cho thời kỳ 2021 - 2030 gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp trong quý II/2018 để trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kế hoạch vốn lập QH theo quy định của Luật QH, Luật Đầu tư công và Luật NSNN. Đồng thời, được sử dụng nguồn 10% dự phòng trên tổng mức vốn đã phân bổ cho các bộ, ngành trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế đã bố trí trong dự toán năm 2018 của các bộ, ngành để tổ chức lập QH ngành quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 ngay trong năm 2018 theo quy định của Luật QH, Luật Đầu tư công và Luật NSNN.
UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW sẽ tập trung nguồn lực tổ chức lập QH tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 theo quy định của Luật QH, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31/12/2020. Phối hợp với cơ quan lập QH cấp quốc gia, QH vùng theo quy trình. Xây dựng kế hoạch vốn lập QH tỉnh cho thời kỳ 2021 - 2030 gửi Bộ KH&ĐT tổng hợp trong quý II/2018 để trình cấp có thẩm quyền quyết định bố trí kế hoạch vốn lập QH theo quy định của Luật QH, Luật Đầu tư công và Luật NSNN. UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW sẽ được sử dụng nguồn 10% dự phòng trên tổng mức vốn đã phân bổ cho các địa phương trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 hoặc nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế đã bố trí trong dự toán năm 2018 của cấp tỉnh để tổ chức lập QH tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 ngay trong năm 2018 theo quy định của Luật QH, Luật Đầu tư công và Luật NSNN.
Trao đổi với báo chí, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý QH, Bộ KH&ĐT cho biết, khi xây dựng Luật QH, cơ quan soạn thảo đã tính toán thời gian 5 năm để lập lại trật tự toàn bộ hệ thống QH, nhưng mãi đến năm 2017, Luật mới được thống qua và như vậy chỉ còn 3 năm để làm việc này. “Đây là thách thức rất lớn đòi hỏi phải có sự phối hợp nhận thức chung, vào cuộc quyết liệt, phải có sự thay đổi tư duy về QLNN, các bộ, ngành, địa phương, những người làm công tác quản lý phải thay đổi chính mình để đưa Luật vào cuộc sống….”- ông Các nhấn mạnh…