Triển khai Dự án Khu công nghiệp Cẩm Khê, hàng chục hộ dân còn “mắc kẹt”

Nhiều hộ dân “mắc kẹt” bên trong phạm vi Dự án Khu công nghiệp Cẩm Khê. (Ảnh: Bùi Thanh)
Nhiều hộ dân “mắc kẹt” bên trong phạm vi Dự án Khu công nghiệp Cẩm Khê. (Ảnh: Bùi Thanh)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều hộ dân thuộc khu Chùa Bộ và Quang Trung, thị trấn Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) hiện vẫn còn “mắc kẹt” trong phạm vi Dự án Khu công nghiệp (KCN) Cẩm Khê, khiến cho cuộc sống gặp khó khăn, mất an toàn, môi trường sống bị ảnh hưởng...

Cuộc sống bị ảnh hưởng

Gia đình bà Hoàng Thị K. là một trong số những hộ gia đình hiện vẫn còn sinh sống trong khu vực Dự án. Bà K. cho biết, con đường dẫn vào nhà chỉ có thể đi được vào những ngày trời nắng, khi trời mưa nước ngập, nơi đây giống như một ốc đảo, biệt lập với bên ngoài. “Ngày nắng thì bụi từ công trường, ngày mưa thì lầy lội, nước sinh hoạt bị ô nhiễm khiến cuộc sống của chúng tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, bà K. nói.

Cũng theo bà K., một số tài sản của gia đình chưa có bảng kê đền bù nhà ở, cây cối đầy đủ. Còn số tiền được bồi thường để ra xây nhà ở khu tái định cư thì không đủ. Trong khi đó, người dân cho rằng, nhiều hạng mục ở khu tái định cư chưa bảo đảm nên người dân chưa thể di dời.

Cách nhà bà K. không xa, căn nhà của gia đình ông H. cũng lọt thỏm giữa những “núi đất” cao ngất ngưởng, khiến cho gia đình ông H. luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ. Ông H cho biết, mới đây phía chủ đầu tư đã làm tạm một con đường dự phòng dẫn lên khu đất đã san lấp, để đề phòng trường hợp đất đá sạt lở có thể chạy theo con đường đó đến khu vực an toàn.

Nhiều người dân khi trao đổi với PV cũng cho biết, hiện nay nhà cửa của các hộ đều đã xuống cấp, môi trường sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặt khác, do mặt bằng KCN rộng, có san lấp cao hơn khu dân cư, nên mỗi khi mưa, bùn đất từ mặt bằng của KCN Cẩm Khê tràn xuống, vùi lấp hoa màu và đường đi của người dân. “Những ngày mưa to vừa qua, bùn đất theo dòng nước trôi xuống như suối, chúng tôi bị cô lập, phải đợi nước rút mới đi lại được”, một người dân cho biết.

Chính quyền địa phương nói gì?

Trao đổi với PV, ông Hoàng Danh Ca, Chủ tịch UBND Thị trấn Cẩm Khê cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng KCN, tình trạng mưa lũ đã ảnh hưởng đến những hộ dân chưa di dời. Phần diện tích đất bị xô sạt không gieo cấy, gieo trồng được, lãnh đạo thị trấn đã giao cho trưởng khu cùng với tổ công tác và chủ đầu tư tổng hợp diện tích và tới đây lập danh sách cụ thể, tính toán bồi thường, hỗ trợ thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến phản ánh của người dân về việc khu tái định cư không bảo đảm để người dân ra ở, theo ông Ca, sau khi có quy hoạch chi tiết, không có một số nội dung về hạ tầng như các khu đã xây dựng, lãnh đạo huyện sau đó đã chỉ đạo điều chỉnh quy hoạch để bảo đảm có đầy đủ các công trình như hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, vỉa hè và đang quy hoạch chi tiết bổ sung để người dân yên tâm. Bên cạnh đó, có 7 lô đất ở vị trí bị sụt, không bố trí tái định cư vào khu vực này mà khu vực này để trồng cây xanh.

Ông Ca cũng cho biết thêm, đến nay việc xây dựng khu tái định cư vẫn chưa xong, nên vẫn còn xen kẹt một số hộ dân sống “xôi đỗ” bên trong dự án. “Quan điểm chỉ đạo của Chủ tịch UBND huyện là giao cho các cơ quan chức năng trong tháng 8 này phải hoàn thành khu tái định cư”, ông Ca cho biết.

Ông Bùi Ngọc Hồi, Giám đốc Văn phòng Đăng ký Đất đai và Phát triển Quỹ đất huyện Cẩm Khê cũng cho biết một số hộ dân trong phần “xôi đỗ” chưa giải phóng bị ảnh hưởng bởi tình trạng xô sạt, ngập úng; cũng có tình trạng thi công ảnh hưởng đến việc đi lại cũng như một số sinh hoạt của người dân.

Ông Hồi cho biết, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư để khắc phục và bảo đảm cho người dân đi lại. Hiện nay công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đã kiểm đếm, xây dựng phương án, lập dự toán. Cũng theo ông Hồi, hiện có tình trạng người dân cơi nới, tạo lập tài sản nhằm hưởng chính sách bồi thường… khiến cho công tác kiểm đếm gặp nhiều khó khăn.

Dự án ĐTXD và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Cẩm Khê được đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2017. Quy mô dự án khoảng 450ha, tổng vốn đầu tư 2.477,9 tỷ đồng.

Theo UBND huyện Cẩm Khê, đến tháng 1/2023 đã giải phóng mặt bằng 315,2ha, trong đó đã chuyển mục đích và giao đất cho chủ đầu tư 139,5ha, 183,4ha đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa đủ điều kiện giao đất.

Tỉnh Phú Thọ cũng bố trí 5 khu tái định cư phục vụ di dân giải phóng mặt bằng, tuy nhiên việc xây dựng các khu tái định cư này cũng gặp nhiều khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, nên một số khu vẫn chưa xây dựng xong.

Đọc thêm

Hải Phòng phát triển theo hướng 'Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh'

Phối cảnh Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng - Dragon Ocean Đồ Sơn.
(PLVN) - Với mục tiêu xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành TP Cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận lợi trong nước và quốc tế bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và đường thủy nội địa. Là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á...

Vụ chìm sà lan trên biển Quảng Ngãi: Dừng tìm kiếm thuyền viên mất tích

Các lực lượng chức năng đã nỗ lực tìm kiếm trong 4 ngày nhưng không có phát hiện mới. (Ảnh: BĐBP tỉnh Quảng Ngãi)
(PLVN) -  Ngày 28/4, Đại tá Trần Tuấn Anh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Ngãi cho biết sau hơn 4 ngày nỗ lực tìm kiếm nhưng không có phát hiện mới, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định rút các tàu ở hiện trường, dừng tìm kiếm thuyền viên mất tích trên biển.

Ninh Bình phấn đấu trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh - sạch về môi trường.

Ninh Bình phấn đấu trở thành miền đất giàu về văn hóa, mạnh về kinh tế, xanh - sạch về môi trường.
(PLVN) - Ngày 27/4, UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới" .

Kỉ niệm 30 năm thành lập Làng trẻ em SOS Đà Nẵng

Tặng quà tri ân cho các đoàn thể có thành tích nổi bậc
(PLVN) -  Nhằm kỉ niệm thành lập làng trẻ em SOS Đà Nẵng, sáng ngày 26/04 tại K142 đường Lê Văn Hiến, Khuê Trung, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng, Làng trẻ em SOS Đà Nẵng phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức kỉ niệm 30 năm thành lập làng trẻ em SOS Đà Nẵng (1994-2024)

Đừng để suối Tiên “ngủ quên” trong mùa du lịch

Khu du lịch sinh thái suối Tiên (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) những năm qua đã trở thành điểm du lịch điển hình của địa phương. (Ảnh: V.Dinh)
(PLVN) - Sau nhiều năm đi vào hoạt động, khu du lịch sinh thái suối Tiên - hồ Thủy Yên ở xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã trở thành điểm du lịch điển hình của địa phương. Tuy nhiên, mới đây, Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi tỉnh có văn bản yêu cầu HTX nông nghiệp Thủy An đóng cửa khu du lịch sinh thái này vì chưa được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép hoạt động.

Công bố Gò Công là thành phố thứ 2 của tỉnh Tiền Giang

Thừa ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang trao Nghị quyết thành lập TP Gò Công cho lãnh đạo TP Gò Công
(PLVN) - Sáng 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tiền Giang tổ chức lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập thành phố (TP) Gò Công. Đây là thành phố thứ 2 thuộc tỉnh Tiền Giang.