Từ năm 2013 bệnh bạch hầu đã tái xuất tại khu vực Tây Nguyên và có xu hướng tăng dần, trải rộng theo các năm. Nhằm chặn đứng và không chế khả năng tái xuất hiện của bệnh bạch hầu một cách bền vững, Bộ Y tế đã quyết liệt chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho toàn bộ khu vực Tây Nguyên.
Đây là chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống bệnh bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên.
Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi tiêm 01 mũi vắc xin DPT và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng).
Trẻ từ 2 tháng đến 12 tháng, rà soát triệt để các trường hợp sót, thiếu mũi để tiêm bổ sung vắc xin SII nhằm đảm bảo đủ 3 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu theo đúng quy định của TCMR quốc gia.
Trẻ từ 13 đến 18 tháng, tiến hành tiêm ngay 01 mũi vắc xin SII ( không chờ 18 tháng tuổi).
Trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi, tiến hành tiêm bổ sung bằng vắc xin DPT cho trẻ chưa tiêm đủ 4 mũi như quy định. Trẻ từ 7 tuổi tiến hành tiêm 2 mũi VX Td ngay trong chiến dịch.
"Tất cả phải đảm bảo tỷ lệ tiêm đạt > 90%, Đặc biệt không để vùng trắng về tiêm chủng ở quy mô cụm dân cư trở lên", ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên, nhấn mạnh.
Đặc biệt, đối với các nhóm tuổi tiêm vắc xin Td, nhóm từ 49 tháng tuổi trở lên, tiêm nhắc 2 mũi vắc xin Td cách nhau 1 tháng. Tuy nhiên do năng lực cung ứng vắc xin cũng như nhu cầu tăng cường nguồn lực rất lớn nên sẽ chia làm 2 nhóm tuổi theo các giai đoạn.
Nhóm 49 tháng đến 40 tuổi (khoảng 3 triệu người) có tới 99 % (101/102) ca bệnh ở Tây Nguyên nằm trong nhóm tuổi này nên ưu tiên tiêm trước theo 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (tháng 7 - 8 /2020), giai đoạn 2 (tháng 9-11/2020), giai đoạn 3 (tháng 12/2020 – 2/2021
Nhóm trên 40 tuổi, khoảng 1,3 triệu đối tượng + các đối tượng sót sẽ tiến hành tiêm toàn các độ tuổi còn lại ở các huyện/thị (lồng ghép trong hoạt động tiêm chủng thường xuyên)
“Để chiến dịch thành công đề nghị UBND các cấp chỉ đạo hệ thống chính trị, các ban ngành đoàn thể cùng vào cuộc hỗ trợ cho y tế đặc biệt là khâu vận động đối tượng đi tiêm chủng. UBND các tỉnh cần cam kết hỗ trợ đầy đủ vật tư tiêu hao của tiêm chủng( bơm kim tiêm, hộp an toàn …) , công tiêm cho CBYT và các hoạt động tuyên truyền vận động người dân đi tiêm chủng”, ông Viên Chinh Chiến, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cho hay.