Tri ân người có công là giữ gìn truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân Việt Nam

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan. (Ảnh: Tống Giáp)
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Bá Hoan. (Ảnh: Tống Giáp)
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023), Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan đã dành cho phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cuộc trao đổi về những thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc người có công với cách mạng thời gian qua.

Xin Thứ trưởng cho biết, những thành tựu trong việc thực hiện chính sách người có công trong thời gian qua?

- Chính sách người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta, là sự đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với người có công và là sự ghi nhận, tôn vinh những cống hiến của họ đối với đất nước. Ngay từ năm 1947, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 20/SL về Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Tháng 6/1947, các đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ Cứu quốc, Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin Tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn một ngày làm ngày thương binh, liệt sĩ và quyết định lấy ngày 27/7/1947 là ngày thương binh toàn quốc, sau này trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới, những quan điểm cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác đối với người có công đã được Đảng, Nhà nước ta cụ thể hóa thành các chính sách, pháp luật và triển khai thực hiện thống nhất trong cả nước. Ngày 19/7/2017, Ban Bí thư khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về “Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”, là cơ sở cho việc sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đối với người có công. Năm 2020, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được sửa đổi căn bản, toàn diện, tạo hành lang pháp lý cho việc chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng; kịp thời bổ sung cả về đối tượng và chế độ thụ hưởng đối với người có công, thân nhân người có công với cách mạng.

Đến nay, cả nước có trên 1,2 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng và hơn 280.000 thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng. Các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đã luôn được kịp thời bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách của Nhà nước.

Để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng, theo đề nghị của Chính phủ, ngày 11/11/2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đề xuất điều chỉnh nâng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi từ 1.624.000 đồng lên 2.055.000 đồng, tăng 26,54%. Với việc điều chỉnh này, từ năm 2023, kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm 2.728 tỷ đồng. Đây là một chính sách đột phá, có tác động tích cực đến đời sống của hàng chục triệu người có công, thân nhân của người có công với cách mạng.

Với việc ban hành và triển khai toàn diện các chính sách ưu đãi người có công nêu trên, giai đoạn 2012 - 2022, ngân sách nhà nước được bố trí là 357.373 tỷ đồng để thực hiện chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng, trợ cấp một lần và các chế độ ưu đãi khác như: bảo hiểm y tế, điều dưỡng phục hồi sức khoẻ, trang cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng; ưu đãi giáo dục, hỗ trợ cải thiện nhà ở dụng cụ chỉnh hình, điều dưỡng, ưu đãi giáo dục, công tác mộ, nghĩa trang, tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ…

Việc xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và người dân tham gia vào các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa” được đẩy mạnh. Các phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", ủng hộ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Cả nước đã vận động được trên 13.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa; tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với tổng số tiền trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn, 2.988 bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời. Đến nay, cả nước có 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH tiếp người có công tại trụ sở Bộ. (Ảnh Tống Giáp)

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH tiếp người có công tại trụ sở Bộ. (Ảnh Tống Giáp)

Thời gian qua, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng và tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được người dân rất quan tâm. Thứ trưởng cho biết về những nỗ lực của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này?

- Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, có khoảng 1,2 triệu người con ưu tú đã ngã xuống, hiện vẫn còn 200 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy; 300 nghìn liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Hàng trăm nghìn liệt sĩ chưa xác định được thông tin, luôn là nỗi trăn trở của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và của hàng triệu người dân Việt Nam.

Thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 14/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (sau này là Quyết định số 217/QĐ-BCĐQG515 ngày 07/6/2018 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ). Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn, các chuyên gia trong và ngoài nước, nghiên cứu, đề ra các giải pháp nhằm tăng cường xử lý vấn đề này. Trong đó, có việc tiếp nhận và khai thác kết quả công tác giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị quân đội trong chiến tranh để xác định địa điểm nơi liệt sĩ hy sinh phục vụ cho công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin.

Công tác xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin cũng được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ kinh nghiệm của các nước trên thế giới qua việc hợp tác với Chính phủ Argentina trong vấn đề nhân chủng học và giám định pháp y. Trong Bản Ghi nhớ về việc Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực định danh hài cốt quân nhân trong chiến tranh được ký giữa Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Trong khuôn khổ Bản Ghi nhớ này, USAID phối hợp với VNOSM tài trợ một dự án mới với ngân sách 2,4 triệu đô la. Dự án này sẽ bổ sung cho nỗ lực rộng lớn hơn của Hoa Kỳ nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam về tìm kiếm và xác định danh tính của hơn 200 nghìn quân nhân Việt Nam mất tích trong chiến tranh và hỗ trợ cải thiện năng lực phân tích giám định gen ADN.

Với những nỗ lực trên, trong những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã điều tra, thu thập thông tin và cập nhật vào Cổng Thông tin điện tử về liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ, mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ (khai trương vào dịp 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm 2018), tạo điều kiện cho nhân dân và thân nhân liệt sĩ tiếp cận thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ nhanh chóng, chính xác hơn, giúp thân nhân các gia đình liệt sĩ giảm bớt khó khăn trong việc tìm mộ người thân.

Bên cạnh đó là việc Chính phủ đầu tư, nâng cấp các cơ sở giám định ADN của Viện Pháp y quân đội và Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bảo đảm năng lực phân tích 4.000 bộ hài cốt liệt sĩ mỗi năm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN. Tính đến 31/12/2022, tổng số mẫu tiếp nhận là 44.474 mẫu, trong đó đã phân tích ADN 25.870 mẫu, đã xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định và trả kết quả đối với 1.457 trường hợp; xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đã xác định được 4.239 trường hợp.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Vinh Nghệ An năm 2022. Ảnh Minh Thắng

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Vinh Nghệ An năm 2022. Ảnh Minh Thắng

Được biết, việc giải quyết hồ sơ tồn đọng xác nhận người có công rất gian lao. Thứ trưởng có thể chia sẻ thêm thông tin về người có công hy sinh rất lâu đã được xác nhận, đem lại niềm tự hào cho gia đình, dòng tộc?

- Trong những năm qua, việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công không còn lưu giữ giấy tờ gốc được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành tiến hành thận trọng, từng bước nhưng khẩn trương theo hướng mở rộng phạm vi, đối tượng. Năm 2013, hai Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh. Đây là một kênh để xác nhận người có công, tạo thuận lợi cho các trường hợp không còn giấy tờ chứng minh bị thương, hy sinh. Hơn 8 năm thực hiện Thông tư 28, đã xác nhận được gần 400 liệt sĩ, trên 500 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, cùng với việc đẩy nhanh xử lý các hồ sơ còn tồn đọng qua các thời kỳ tại các địa phương. Đây cũng là vấn đề hết sức quan trọng và là sự trăn trở của những người làm công tác thương binh xã hội.

Ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH về Quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Trên cơ sở đó, sau hơn 5 năm thực hiện Quyết định số 408, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương đã xem xét và xử lý hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trong đó đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Những hồ sơ không đủ điều kiện đều được kết luận và giải thích cho đối tượng thấu tình, đạt lý và không có đơn thư khiếu nại.

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ảnh minh họa. Nguồn Thế Dương CPV

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Ảnh minh họa. Nguồn Thế Dương CPV

Xin Thứ trưởng chia sẻ về những hồ sơ liệt sĩ đã được giải quyết theo Quyết định 408?

- Có rất nhiều trường hợp được giải quyết, xác nhận trong bối cảnh rất khó khăn về hồ sơ, chứng cứ do thời gian đã quá lâu và mỗi trường hợp là một câu chuyện cảm động, đầy khâm phục và tự hào. Nhiều liệt sĩ đã hy sinh cách đây trên 80 năm, một số trên 100 năm như cụ Phạm Khánh, sinh năm 1869, tham gia lực lượng Tự vệ đỏ tại Nghệ An. Tài liệu tiếng Pháp chúng tôi tìm được cho thấy cụ bị địch bắt giam với số tù 749. Tháng 11/1931, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An đưa vụ án cụ Phạm Khánh và những người cùng hoạt động ra xét xử. Cụ bị kết án tử hình (Bản án số 193 ngày 19/11/1931 của Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An và Quyết định ngày 26/3/1932 của Khâm sứ Trung Kỳ có lưu tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ, Bộ Công an); hay cụ Nguyễn Văn Am (Ký Âm), sinh năm 1892, là chiến sĩ đấu tranh giải phóng dân tộc xã Tân Hưng, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Vĩnh Bảo, bị giặc Pháp bắt đày ra Côn Đảo, chết tại nhà tù năm 1936.

Hay một trường hợp khác là cụ Trần Đức Vẻ, sinh năm 1889, Trung đội phó du kích xã Cảnh Thụy, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, hy sinh trong khi chống càn của giặc Pháp năm 1947; cụ Đinh Công Gấm, sinh năm 1921, Tiểu đội trưởng Đội cảm tử quân xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đã dùng súng tự chế xông ra chặn đánh địch để yểm trợ cho đồng đội, bị địch bắn hy sinh… và còn rất nhiều trường hợp cảm động khác và hầu hết các cụ, các bác đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, là những đội viên du kích, dân quân, cán bộ địch vận, người dân tộc thiểu số là những tín đồ tôn giáo, những thanh niên xung phong cảm tử…

Do trải qua các thời kỳ kháng chiến, hoàn cảnh chiến tranh, hồ sơ tồn đọng cơ bản nếu không còn lưu trữ giấy tờ gốc, cơ quan, đơn vị cũ, người phân công nhiệm vụ và biết rõ sự việc không còn sống… nên công tác xác nhận gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sự phối hợp của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt là vai trò rất quan trọng của chính quyền địa phương cơ sở, các chứng nhân lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội… đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc chứng cứ để chứng minh, từ đó xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng đối với gia đình liệt sĩ mà của tất cả các cán bộ thực hiện chính sách của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Công an.

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan trò chuyện thân mật với các đại biểu người có công tỉnh Kon Tum tháng 4/2021. (Ảnh: Bộ LĐTBXH).

Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan trò chuyện thân mật với các đại biểu người có công tỉnh Kon Tum tháng 4/2021. (Ảnh: Bộ LĐTBXH).

Ở góc độ xây dựng chính sách, pháp luật, xin Thứ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về người có công trong thời gian tới? Trong tiến trình này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có mong muốn gì với các bộ, ngành nói chung và Bộ Tư pháp nói riêng, để công tác chăm sóc người có công được thực hiện toàn diện nhất có thể?

- Chính sách ưu đãi người có công với cách mạng không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước mà còn là trách nhiệm, tình cảm của toàn dân, do vậy thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này. Cụ thể, cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác chăm sóc người có công, khơi dậy và bồi đắp những giá trị văn hoá lâu đời, lòng tự hào tự tôn dân tộc, giáo dục cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau mãi mãi khắc ghi công lao to lớn của các tiền bối để sống, chiến đấu, lao động và học tập sao cho xứng đáng với những hy sinh to lớn đó.

Đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng, bảo đảm tôn vinh toàn diện và đầy đủ đối với người có công với cách mạng, tiếp tục cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công, điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; bảo đảm người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn cư trú. Cùng với đó là việc tập trung nguồn lực tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; hoàn thiện hệ thống thông tin, dữ liệu về người có công. Tiếp tục huy động sự tham gia của hệ thống chính trị và toàn xã hội thực hiện các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”.

Trong những năm qua, việc nghiên cứu và trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội luôn nhận được sự chia sẻ, đồng hành và tạo điều kiện nhiệt tình, trách nhiệm của các ban, bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là Bộ Tư pháp. Thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện các chính sách và nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện các chính sách về ưu đãi người có công với cách mạng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mong muốn các ban, bộ, ngành, tổ chức chính trị, xã hội Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và Bộ Tư pháp tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ để Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Công đoàn Việt Nam: Phấn đấu thực hiện tốt chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy

Công đoàn Việt Nam: Phấn đấu thực hiện tốt chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy
(PLVN) - Tại Hội nghị Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam lần thứ 6 (Khoá XIII) diễn ra sáng 13/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang đã phát động phong trào thi đua yêu nước tới các cấp Công đoàn, đoàn viên và công nhân, viên chức, lao động cả nước.

Dấu hiệu giúp phụ huynh nhận biết con đang sử dụng thuốc lá điện tử

Việc hút thuốc lá ở độ tuổi thanh thiếu niên gây ra nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ thể chất và sức khoẻ tâm thần.
(PLVN) - Thuốc lá điện tử ngày càng trở nên phổ biến trong giới trẻ với hình thức hiện đại và hương vị đa dạng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài “ vô hại ” ấy lại là hàng loạt nguy cơ đối với sức khỏe thể chất và tâm thần. Ths. Bác sĩ Nguyễn Thành Long, chuyên gia tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đưa ra những cảnh báo và biểu hiện giúp các bậc phụ huynh nhận biết và ngăn chặn kịp thời việc con em mình sử dụng loại sản phẩm nguy hiểm này.

Hà Nội thí điểm thực hiện vùng phát thải thấp: Giảm ô nhiễm không khí mang đến nhiều lợi ích

Quận Hoàn Kiếm dự kiến chọn khu vực không gian đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận, khu vực phố cổ để thí điểm vùng LEZ. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Ngày 12/12, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn TP Hà Nội. Theo đó, từ năm 2025 đến năm 2030 sẽ thí điểm lập vùng phát thải thấp ở một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và Ba Đình.

Cần đẩy mạnh công tác phòng, chống lao trong trại giam

Ảnh minh họa: Ngọc Nga
(PLVN) - Tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh lao của phạm nhân trong các trại giam của nước ta vẫn cao, nhận thức của phạm nhân về bệnh lao, đặc biệt là lao/HIV, lao đa kháng thuốc còn hạn chế nên nguy cơ lây nhiễm trong môi trường này rất lớn...

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông

Bãi biển đẹp nhất Quảng Ngãi bị sạt lở, uy hiếp đường giao thông
(PLVN) - Bờ biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) được xem là bãi biển đẹp nhất tỉnh nhưng đang bị nước biển xâm thực, sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sản xuất của người dân. Sạt lở bờ biển cũng uy hiếp các công trình hạ tầng đường giao thông, dầu khí, đồn biên phòng…

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024

10 sự kiện, hoạt động công đoàn tiêu biểu năm 2024
(PLVN) -  Năm 2024 là một năm đặc biệt đối với Công đoàn Việt Nam, đánh dấu kỷ niệm 95 năm thành lập và là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Công đoàn. Các hoạt động nổi bật của tổ chức công đoàn đã không chỉ củng cố niềm tin của người lao động, mà còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của đoàn viên.

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái

Ngắm nhìn vẻ đẹp hoang sơ, lạ mắt của rừng ngập mặn Bàu Cá Cái
(PLVN) - Bàu Cá Cái (Quảng Ngãi) là rừng ngập mặn được bao bọc xung quanh bởi các dãy núi và đồi cát hình thành cách đây hơn 200 năm với những vết tích xưa cũ. Nơi đây không chỉ có tác dụng phòng hộ, chắn sóng mà còn mở ra hướng thoát nghèo, tạo sinh kế bền vững cho người dân sống trong vùng nhờ những sản vật từ rừng và phát triển du lịch cộng đồng.

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi

Gần 3.000 người cao tuổi Hà Nội tham gia Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi
(PLVN) -  Sáng 13/12, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, Hà Nội), Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Sức khỏe ngoài trời người trung cao tuổi Hà Nội tổ chức Ngày hội rèn luyện sức khoẻ người cao tuổi TP Hà Nội năm 2024 nhằm chào mừng kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024). Sự kiện có sự đồng hành của Vinamilk và nhãn hàng sữa Sure Prevent Gold.

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Tại sao thí sinh 'lệch' khối thi xã hội?

Những năm gần đây, thí sinh lựa chọn khối ngành xã hội luôn áp đảo khối tự nhiên. (Ảnh minh họa - Nguồn: ĐHKHXHNV- ĐHQGHN)

(PLVN) - Năm 2024, hơn 1 triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, chỉ 37% chọn bài thi Khoa học tự nhiên, số học sinh chọn bài thi Khoa học xã hội cao áp đảo chiếm 63%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), so với năm 2023, số thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội tăng 7,7% và cao nhất kể từ năm 2017 trở lại đây..