Một lần nữa cả xã hội lại ghi nhớ, ghi nhận những đóng góp của những người làm ngành Y. Thế nhưng, có nhiều người hiểu những thiệt thòi của những người khoác áo blouse trắng đã và đang phải trải qua lâu nay hay không?
Về những khó khăn khi phải điều động nhân viên y tế tham gia chống dịch mà vẫn phải cân đối, duy trì các hoạt động bình thường khác của BV, trong một cuộc tọa đàm mới đây, ý kiến của Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, đã khiến nhiều người bất ngờ. Sau khi đại dịch xảy ra, ngoài việc chi viện các tỉnh, Bộ Y tế giao BV này xây dựng BV điều trị COVID-19 điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch 500 giường. Quy mô như vậy thì cần khoảng gần 1.000 cán bộ, nhân viên nữa. Đã ít người mà việc lại nhiều hơn, nếu cứ kéo dài như vậy thì “chúng ta sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ được”, vị BS này thẳng thắn.
Ngậm ngùi không kém, là tâm tư “khó khăn lớn nhất hiện nay của chúng tôi là duy trì hoạt động, kinh tế vật tư trang thiết bị. Hiện nay, hầu như tất cả các nguồn lực huy động được chúng tôi đã huy động rồi, không thể xin mãi được tiền tài trợ”. Và “chúng tôi đang cố gắng hết sức để nhân viên y tế hiện nay có thu nhập bằng như trước khi đại dịch. Các BV khác tôi biết là hầu như bị cắt giảm hết tiền thu nhập tăng thêm, chỉ còn lương cơ bản thôi. Tiền chống dịch thì hiện nay cũng sắp thay đổi nên rất khó khăn”. Ông chia sẻ còn rất nhiều việc cần làm để nâng cao thu nhập, ổn định đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân viên y tế.
Phân tích về câu chuyện này, một chuyên gia trong lĩnh vực xã hội cũng đưa ra những ý kiến khó có thể “bắt bẻ”. Thứ nhất, ngành Y được đào tạo dài hơn các ngành khác nên cần thiết phải thiết kế bảng lương phù hợp với quá trình đào tạo. Đào tạo càng dài thì bảng lương, hệ số lương phải khác với ngành nghề đào tạo ngắn hơn.
Thứ hai, ngành Y tế là ngành chăm lo cho sức khoẻ của người dân, bảo vệ tính mạng con người như lực lượng vũ trang bảo vệ nhân dân. Vậy tại sao ngành Y tế không cho áp dụng phụ cấp 1,8 như lực lượng vũ trang?
Thứ ba, do đặc thù đặc biệt, khi dịch bệnh phải đương đầu chống dịch nên cần có phụ cấp đặc biệt với ngành Y để khi biến cố xảy ra, có thể áp dụng ngay chứ không phải ra nghị quyết rồi xin ý kiến.
Nếu giải quyết được những nút thắt trên, chắc chắn cán bộ, nhân viên y tế sẽ toàn tâm, toàn ý hơn trong công tác chống dịch, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. “Có thực mới vực được đạo”; bên cạnh việc khích lệ tinh thần trách nhiệm, ý thức; tri ân bằng những tình cảm và sự quý trọng thì phải có các chính sách đảm bảo chăm lo cho cuộc sống, đời sống chính bản thân y, bác sĩ và gia đình. Đó cũng là động thái tri ân quan trọng, thiết thực, hiệu quả không kém các biện pháp khác.