Hướng dẫn người dân làm thủ tục công chứng tại Phòng Công chứng số 1 tỉnh Hải Dương |
Nơi co cụm, nơi trống vắng
Báo cáo mới nhất của Bộ Tư pháp cho biết: cả nước hiện có 379 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 245 văn phòng công chứng và 134 phòng công chứng với tổng số gần 700 công chứng viên, qua đó góp phần bảo đảm an toàn về mặt pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, nhất là ở các trung tâm kinh tế lớn; 6 tháng đầu năm 2011, Bộ đã bổ nhiệm 11 công chứng viên cho các phòng công chứng và 84 công chứng viên cho các VPCC.
Bộ Tư pháp cũng thừa nhận: sự phát triển tổ chức hành nghề công chứng chưa có quy hoạch tổng thể, hợp lý trên cả nước và trên từng địa phương. Theo thống kê, sau hơn ba năm triển khai Luật Công chứng, chủ trương xã hội hoá công chứng được triển khai chưa đồng bộ và hợp lý tại các địa phương trong cả nước. Mới chỉ có trên ½ địa phương trên cả nước có VPCC theo mô hình xã hội hóa. Đáng chú ý là sự phân bổ của các VPCC được coi là “sinh sau đẻ muộn”. Còn nhớ, một thời gian Hà Nội đã chứng kiến sự ra đời ồ ạt của hàng loạt VPCC, đến nỗi Bộ Tư pháp phải vào cuộc “tạm dừng” vì phát triển quá nóng.
Ngược lại với việc mở VPCC một cách tràn lan, có địa phương lại không phát triển VPCC. Theo dõi một thời gian dài cho thấy, nhiều tỉnh miền núi hiện tại cũng chỉ trơ trọi 1-2 phòng công chứng vốn tồn tại từ thời “xa xưa”. Với tình trạng này, khi mà cơ bản các địa phương trong cả nước đã thực hiện việc chuyển giao việc chứng thực hợp đồng, giao dịch từ UBND cấp huyện, xã sang tổ chức hành nghề công chứng thì điều này thực sự là một lo ngại lớn.
Bởi lẽ, thay vì trước đây người dân có thể đến ngay xã, phường nơi mình sinh sống để chứng thực hợp đồng giao dịch thì nay họ phải cất công lên tận thủ phủ của tỉnh để làm việc này. Điều đó đòi hỏi sự phát triển của các tổ chức hành nghề công chứng cần phải được đẩy nhanh để đáp ứng như cầu ngày một cao của xã hội.
Không chỉ ở cấp tỉnh, tình trạng bất hợp lý trong quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng còn diễn ra ở ngay trong phạm vi từng địa phương. Điển hình như ở một số thành phố lớn, các trung tâm luôn đông đúc, còn các huyện ngoại thành thì trống vắng. Tình trạng này xảy ra ở nhiều nơi.
Quy định chặt về điều kiện thành lập VPCC
Bộ Tư pháp cũng cho rằng: chất lượng đội ngũ công chứng viên còn hạn chế. Do đội ngũ công chứng viên còn mỏng trước yêu cầu xã hội hóa công chứng, nên Luật Công chứng năm 2006 quy định đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, miễn thời gian tập sự hành nghề công chứng có phần dễ dãi, vì vậy, chất lượng một bộ phận công chứng viên tại các VPCC còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là những người không qua đào tạo, tập sự nghề công chứng, dẫn đến sự non kém hoặc tắc trách về chuyên môn nghiệp vụ mà sự việc vừa xảy ra tại VPCC Việt Tín ở Hà Nội là một ví dụ.
Trong dự kiến sửa đổi Luật Công chứng tới đây, điểm nhấn quan trọng được sửa đổi là quy định về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. Theo đó, sẽ sửa đổi quy định về tiêu chuẩn công chứng viên (độ tuổi hành nghề công chứng…); người được miễn đào tạo nghề công chứng; người được miễn tập sự hành nghề công chứng; thủ tục bổ nhiệm công chứng viên; vấn đề công chứng viên đang hành nghề công chứng phải tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công chứng hàng năm; quyền và nghĩa vụ của công chứng viên..
Để tránh tình trạng “lộn xộn” trong sự phát triển của các tổ chức hành nghề, dự kiến, Luật sửa đổi sẽ quy định loại hình hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, số lượng công chứng viên tối thiểu cho việc thành lập một VPCC, việc chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất VPCC, thủ tục chấm dứt hoạt động VPCC khi công chứng viên bị chết, vấn đề thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của VPCC khi vi phạm pháp luật; trình tự thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động của VPCC phải tuân theo Quy hoạch tổng thể phát triển các tổ chức hành nghề công chứng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt...
Bằng Hương