Dù Chính phủ đã dốc hàng loạt chính sách hỗ trợ, thời gian qua, nghề nuôi trồng và chế biến thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay.
Nông dân thiếu vốn cũng như cá thiếu nước. Ảnh minh họa |
Người dân vay nóng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổng dư nợ tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tính đến cuối tháng 6 là 129.313 tỷ đồng, tăng 8,6% so với năm 2012 và chiếm 50,32% tổng số dư nợ tại địa bàn. Trong đó, dư nợ cho vay ngành thủy sản là 33.762 tỉ đồng, tăng 11,22% so với năm 2012, doanh số cho vay 9 tháng đầu năm là 59.933 tỷ đồng.
Ngoài ra, hệ thống các ngân hàng đã có nhiều chương trình hỗ trợ hạ lãi suất, tái cơ cấu nợ, cho vay mới… Thế nhưng, trên thực tế các chương trình tín dụng trong lĩnh vực thủy sản vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập, nhất là đối với những nông dân nuôi thủy sản.
Gia đình ông Trần Văn Hùng ở xã Khánh Hòa (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) có kinh nghiệm mấy chục năm nuôi thủy sản và luôn cần vốn từ ngân hàng. Hiện tại, ông nuôi 2 ao cá lóc với diện tích khoảng 4.000 m2 mặt nước nhưng nhu cầu vốn vay hơn 1 tỷ đồng. Ông Hùng tính toán: “Trung bình nuôi 1kg cá lóc cần 25.000 đồng vốn. Chỉ tính 2 ao cá nhà tôi mỗi vụ xuất gần 100 tấn thì cần đến 2,5 tỷ đồng. Trong khi, thế chấp mấy ngàn m2 ao cũng vay chẳng được bao nhiêu”. Nhằm tự tháo gỡ khó khăn, gia đình ông phải thế chấp gần 7 ha đất ruộng, vay 1,2 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh An Giang để nuôi 2 ao cá lóc.
Tuy nhiên, không phải nông dân nào cũng có nhiều đất ruộng để thế chấp, phục vụ cho việc nuôi thủy sản như ông Hùng. Gia đình ông Lê Công Chinh ở xã Bình Thới (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) nuôi gần 1 ha tôm thẻ chân trắng nhưng chỉ được vay 80 triệu đồng. Ông Chinh cho biết: “Nhu cầu vay lớn nhưng không có đất để thế chấp nên ngân hàng chỉ cho vay với số tiền ít. Vì vậy, gia đình phải thường xuyên vay nóng từ bên ngoài để phát triển nghề nuôi”.
Ngân hàng không thiếu vốn
Nhiều ngân hàng cho rằng không hề thiếu vốn, trong khi doanh nghiệp và người dân đều kêu khó tiếp cận vốn vay. Ông Nguyễn Văn Kịch – Tổng giám đốc Cty CP thủy sản CAFATEX cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn như hiện nay thì doanh nghiệp rất khó đáp ứng yêu cầu của các ngân hàng nhất là đối với phương án kinh doanh, trả nợ. Trong khi ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh nên rất sợ rủi ro, nợ xấu... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp không tiếp cận vốn vay”.
Về phía mình, ông Võ Ngọc Diệp - Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Đồng Tháp cho rằng: “Đơn vị vẫn liên tục triển khai các gói vay cho khách hàng nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra, với mức lãi suất tùy thuộc theo từng gói tín dụng của từng thời kỳ. Tuy nhiên, phải ưu tiên cho những khách hàng được đánh giá là khách hàng có phương án sử dụng vốn tốt, hội đủ các điều kiện kinh doanh...”.
Trước tình hình này, ông Lê Văn Nưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Ngân hàng thì nói không thiếu vốn trong khi doanh nghiệp thì bảo không vay được. Vì thế, cần có giải pháp tháo gỡ gút mắc để khơi thông dòng vốn, cứu ngành thủy sản trong điều kiện khó khăn như hiện nay”. Thực tế khi nhiều doanh nghiệp thủy sản phá sản với số nợ lên đến hàng ngàn tỷ đồng khiến các ngân hàng gần như khép kín, thắt chặt cho vay dù có nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì chế biến, xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục sụt giảm.
Ngọc Long