Trên những dặm đường xanh

Trên những dặm đường xanh
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đêm đã xuống rất sâu, không gian yên tĩnh thoảng qua mùi hương mộc lan dịu ngọt. Phương Trà trầm tư bên khung cửa sổ, ngọn đèn bàn thao thức hắt một khoảng sáng lặng lẽ lên bàn làm việc của chị.

Ở đó, giữa những cuốn sách để ngỏ, bên tập tài liệu dày đặc các dòng ghi chú bằng nét mực xanh chân phương, có tấm bản đồ thế giới vừa được mở ra trên màn hình máy tính. Chị bước lại gần, ánh mắt khẽ chạm vào một địa danh nằm giữa châu Phi muôn trùng xa cách: Nam Sudan.

Nam Sudan, xứ sở của những cánh rừng nhiệt đới, đồng cỏ ngập nước và thảo nguyên cây keo hoang dã. Hơn một thập kỉ sau khi thành lập, đất nước này vẫn còn chìm trong đói nghèo xung đột triền miên. Liên Hợp quốc phải triển khai lực lượng mũ nồi xanh đến Nam Sudan thực hiện sứ mệnh gìn giữ hòa bình. Liên tục những năm qua, Phương Trà đã tham gia khóa huấn luyện đặc biệt sẵn sàng tham gia nhiệm vụ tại đó.

Còn ba tháng nữa chị và các đồng đội sẽ lên đường. Vượt qua mười nghìn cây số, hai chặng bay kéo dài mười sáu tiếng, nơi đến chênh lệch bốn múi giờ với Việt Nam. Từ khi bước vào ngành, Phương Trà đã luôn xác định tâm lí sẽ đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì không quản ngại khó khăn, gian khổ. Thế nhưng lúc này đây, đứng trước con đường mới mở ra dẫn tới một miền đất hoàn toàn xa lạ, trong sâu thẳm trái tim chị bỗng có chút bồi hồi.

- Mẹ ơi, mẹ vẫn chưa ngủ ạ?

Tiếng gọi thật khẽ của con trai kéo Phương Trà ra khỏi dòng suy nghĩ. Bé Su Su đang đứng ngay trước cửa phòng, một tay dụi mắt còn tay kia vẫn ôm chặt chú cá heo bông đội mũ đỏ. Chị vội vã bước lại gần bế con lên, nghe thấy mái tóc ấm mềm của con chạm vào bên má.

- Mẹ còn một chút công việc sắp xong rồi. Su Su ngoan sao lại thức dậy lên đây?

Su Su vòng tay ôm chặt lấy mẹ:

- Con mơ thấy cả nhà ta đi chơi trên một ngọn đồi có rất nhiều hoa. Thế rồi khi con chạy được một quãng thì bỗng nhiên quay lại không thấy bố mẹ đâu nữa. Con hoảng hốt vừa gọi tìm vừa khóc mãi cho đến lúc giật mình tỉnh dậy luôn.

- Đừng sợ nhé Su Su, chỉ là một giấc mơ thôi con ạ. Con luôn có mẹ ở đây mà.

Phương Trà vừa vỗ về an ủi vừa bế Su Su quay trở lại phòng. Chị khe khẽ hát ru cho tới lúc thằng bé ngủ thiếp đi thật sâu rồi cứ thế lặng lẽ ngồi ngắm con. Su Su dường như còn bé bỏng quá chừng mà công việc của vợ chồng chị đều bận bịu. Mai này nếu mẹ đi công tác xa liệu Su Su có vượt qua được những khoảnh khắc thiếu vắng như thế này không.

***

Ngày Phương Trà nói muốn tham gia khóa huấn luyện dành cho lực lượng gìn giữ hòa bình, Trung tá Lê Hoàng Vũ hiểu rằng để đi đến quyết định đó hẳn vợ mình đã cân nhắc rất lâu. Vũ gặp Phương Trà lần đầu tiên trong hội thao quốc phòng. Lúc đó anh vô cùng ấn tượng với nữ chiến sĩ có đôi mắt đen sâu thẳm đứng đầu hàng quân, người sau này đã cùng đồng đội giành giải nhất toàn đoàn ở các nội dung thi đấu. Sau này khi đã nên duyên vợ chồng, Vũ kể rằng anh đã trúng tiếng sét ái tình ngay từ khoảnh khắc bắt gặp ánh nhìn điềm tĩnh của Phương Trà trên thao trường năm ấy. Chị khẽ tựa đầu vào vai anh, dịu dàng mỉm cười.

Phương Trà vẫn luôn dịu dàng như thế khi ở bên chồng con. Chỉ trong công việc chị mới thể hiện bản lĩnh mạnh mẽ của một người chiến sĩ đã đi qua nhiều thử thách. Khóa huấn luyện lính mũ nồi xanh vốn nổi tiếng cực kỳ khắc nghiệt. Bắt đầu từ những đợt hành quân dài ngày để rèn luyện kỹ năng sinh tồn trong môi trường khó khăn và xung đột, sau đó là thực hành bắn súng, thực hành lái xe tác chiến trên mọi địa hình, học cách cứu thương, nhận biết bom mìn, cách sử dụng bộ đàm và các thiết bị vệ tinh. Phương Trà là nữ sĩ quan duy nhất tham gia đợt huấn luyện này bên các đồng đội nam nhưng không phải vì thế mà chị được ưu ái hơn. Có những lúc kết thúc buổi huấn luyện, hai cánh tay chị tê cứng, còn toàn thân đau nhức rã rời. Vũ nhìn gương mặt sạm đen của vợ, không khỏi xót xa:

- Chặng đường phía trước còn vất vả nhiều hơn thế, liệu em có thể vượt qua được không?

Phương Trà nắm tay chồng rất khẽ:

- Chỉ cần có gia đình bên cạnh là em vững tin rồi.

Trung tá Vũ ước gì mình có nhiều thời gian hơn để đỡ đần cho người vợ thương yêu, thế nhưng công việc của một giảng viên quốc phòng cũng hết sức bận rộn. Hằng đêm khi anh thức khuya để nghiên cứu tài liệu thì trên gác, góc làm việc của chị cũng sáng đèn. Hơn ai hết Phương Trà hiểu rằng nhiệm vụ ở Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan đòi hỏi rất cao về năng lực ngoại ngữ và kỹ năng xử lý tình huống trong môi trường làm việc đa quốc gia. Một khi đã được tin tưởng giao thực hiện trọng trách này, chị càng phải nỗ lực nhiều hơn để xứng đáng với màu cờ sắc áo.

Khó khăn nào rồi cũng sẽ vượt qua. Nhưng riêng với bé Su Su thì mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Nhiều khi ý nghĩ sẽ phải xa con suốt một thời gian dài khiến trái tim Phương Trà gần như thắt lại.

***

Sáng thứ bảy này ngôi nhà nhỏ của bé Su Su rộn rã hẳn lên. Su Su thấy ngoài sân bố Vũ đang hì hụi đóng chuồng gỗ cho chú cún con vừa mới đến, còn trong bếp bà nội và mẹ Trà vừa nấu ăn vừa tíu tít trò chuyện. Su Su ôm bé cún trên tay, chạy ra chạy vào.

- Bà ơi, sao lâu rồi bà mới lên chơi với cháu. Giờ bà ở đây với cháu luôn nhé, cháu ứ cho bà về nữa đâu.

Bà nội mỉm cười gật đầu với Su Su. Chờ một lát đến khi bé chạy ra ngoài chơi với bố, bà quay sang Phương Trà khẽ hỏi:

- Vậy là con chưa nói gì với Su Su về chuyện mình sẽ đi công tác sao?

Phương Trà đang chăm chú rửa hoa quả. Nghe câu hỏi của mẹ, chị bất chợt dừng tay lại, tiếng nước chảy như dội vào tâm trí:

- Con nghĩ mãi mà vẫn không biết phải bắt đầu với Su Su như thế nào mẹ ạ. Thằng bé còn nhỏ dại, cứ nghĩ đến lúc nói rằng mẹ sắp đi công tác xa là con sợ Su Su sẽ khóc mất thôi.

- Mẹ nhớ hồi Vũ mới lên sáu tuổi thì bố con cũng phải xa nhau vì đơn vị ông ấy nhận nhiệm vụ lên đóng quân chốt giữ vùng biên giới. Ngày đó liên lạc không được thuận lợi như bây giờ, biền biệt mấy tháng trời mới nhận được một lá thư. Thư nào bố cũng dặn Vũ giờ ở nhà có mỗi mình con là đàn ông, nhớ trông nom đỡ đần mọi việc giúp mẹ. Thế mà từ đó chiều nào Vũ nhà ta cũng biết nghỉ chơi sớm hơn chúng bạn để về, nhốt gà vào chuồng, ôm củi bỏ bên bếp, trước khi đi ngủ còn soi đèn kiểm tra cửa nẻo nữa. Mẹ nghĩ với Su Su cũng vậy, con hãy cho thằng bé có cơ hội được tự lập, biết đâu rồi chính con sẽ thấy ngạc nhiên đấy.

Phương Trà để yên đôi bàn tay mình trong bàn tay ấm áp già nua của mẹ, tự nhiên chị thấy vững lòng.

- Con hiểu rồi mẹ ạ. Trước khi lên đường công tác con sẽ chuẩn bị những gì cần thiết nhất cho Su Su. Con tin là chàng trai bé nhỏ của chúng ta sẽ sớm vững vàng thôi, đúng không mẹ.

***

Trung tá Lê Hoàng Vũ kết thúc bài giảng về vấn đề giải quyết các xung đột quốc tế trong tiếng vỗ tay rào rào của học viên. Rời khỏi giảng đường, anh lái xe về nhà trong tâm trạng hồi hộp xen chút lo lắng. Sáng nay trường của Su Su có buổi tập huấn dành cho giáo viên nên tất cả học sinh nghỉ học, vợ anh lại có hẹn đưa mẹ tới bệnh viện khám theo lịch định kì với bác sĩ. Anh đã sắp xếp đưa con đi gửi nhưng Su Su quả quyết rằng con có thể ở nhà một mình. Trong lúc anh đang băn khoăn thì Phương Trà đã mỉm cười gật đầu đồng ý với thằng bé, còn mẹ anh xoa đầu Su Su đầy tin tưởng.

Vũ mở cửa bước vào nhà. Đèn phòng bếp bật sáng. Anh thấy Su Su đang loay hoay rửa cốc chén.

- Su Su của bố dậy lâu chưa, con ăn sáng rồi chứ?

Nhìn thấy bố, Su Su nhoẻn cười rạng rỡ:

- Bố về rồi đấy ạ. Bố ơi, sáng nay con thức dậy đã gấp chăn màn gọn gàng. Ăn sáng xong con làm hết bài tập cô giao. Sau đó con chơi với bé cún một lúc rồi quét nhà và rửa cốc đây bố ạ.

Vũ không giấu được vẻ ngạc nhiên:

- Con trai bố giỏi quá. Vậy là con đã lớn thật rồi.

Su Su nói nhỏ như thầm thì:

- Bố biết không, mẹ nói sắp tới mẹ sẽ phải đi công tác đến một nơi xa thật là xa, ở đó có nhiều trẻ em cần được bảo vệ bố ạ. Những ngày qua mẹ đã dặn dò con rất nhiều điều, bố con mình ở nhà phải cố gắng hơn để mẹ yên tâm giúp đỡ các bạn ấy nhé.

Trung tá Vũ ôm con vào lòng. Nhìn gương mặt con, anh như bắt gặp lại khoảnh khắc đã khiến trái tim mình rung động từ thuở xa xưa ấy. Đôi mắt Su Su giống hệt Phương Trà, trong sáng, thẳm sâu và điềm tĩnh.

Một buổi sáng mùa xuân đầy nắng, những người chiến sĩ từ biệt gia đình để lên đường bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại Nam Sudan. Thiếu tá Phương Trà đi giữa hàng quân. Trong hành trang chị mang theo có rất nhiều hộp màu và giấy vẽ mà Su Su bé nhỏ nhờ mẹ dành tặng những người bạn nơi châu Phi xa xôi chưa một lần gặp gỡ.

Rồi mai này khi Su Su lớn lên, hẳn là con sẽ tự hào khi nghĩ về hành trình của mẹ hôm nay. Những bước chân lặng lẽ cho hy vọng nở hoa trên vùng đất mới.

Tin cùng chuyên mục

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."

"Ngày hôm nay tôi mất đi một người bạn..."

(PLVN) - Bình không còn ở lại căn phòng đó nữa, không còn ở lại với vợ con, bạn bè, đồng nghiệp và những dự định dang dở nữa. Cây vạn niên thanh vẫn tốt tươi, nhưng một chiếc lá xanh tên là Hà Sơn Bình vừa rơi xuống…

Đọc thêm

Nghe radio với ba

Nghe radio với ba
(PLVN) - Bữa Tết rồi tôi chở ba tôi đi chơi. Ba nói mở Ngọc Tân nghe hát đi. Tôi mở lại cho ba bài “Hà Nội và tôi” của Lê Vinh. Ông nghe say sưa và kết luận: “Ca sĩ chả có ai hát hay hơn Ngọc Tân”.

Gió về ngang căn bếp

Gió về ngang căn bếp
(PLVN) - Liên và Dũng là đôi bạn từ nhỏ, họ yêu nhau bình lặng, về chung một nhà, không ồn ào, biến cố, không trắc trở cấm ngăn.

Trong tâm hồn bạn có một đứa trẻ bị tổn thương, lạc lối?

Trong tâm hồn bạn có một đứa trẻ bị tổn thương, lạc lối?
(PLVN) - Nỗi đau đó liên tục bộc lộ ra trong cuộc đời bạn, dưới dạng những phản ứng bốc đồng và những kiểu phản hồi cảm xúc thái quá. Đó chính là phần nội tâm thông tuệ, cũng là phần khổ đau đang khao khát được thừa nhận và chữa lành. Vậy đừng để đứa trẻ tổn thương kia trở thành người lớn đau khổ.

Khai mạc Triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng”

Khuôn viên nơi tổ chức triển lãm.
(PLVN) - Ngày 15/3, tại Bảo tàng Mỹ thuật Huế, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ Thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức triển lãm ảnh “Tổ quốc bên bờ sóng” nhân dịp kỷ niệm 71 năm ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024).

'Sống' - liên kết sợi dây cội nguồn

Cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ. (Ảnh: NXB Kim Đồng)
(PLVN) - “Sống” là câu chuyện về một người mẹ kể cho con gái về những kí ức li kì xuyên suốt khoảng thời gian bà sống và làm việc trong chiến khu. Với hai tuyến thời gian quá khứ - hiện tại cùng các nhân vật đan cài, cuốn sách khắc họa hình ảnh của hai người phụ nữ của hai thế hệ.

Người đến sau

Tranh minh họa.
(PLVN) - Gió đêm rít từng cơn, dẫu nghe dịu nhẹ nhưng cũng đủ làm lạnh lẽo những hình nhân đang khẽ đắm chìm trong cô tịch.

Tàn lửa

Tàn lửa
(PLVN) - Truyện tranh Việt Nam của họa sĩ Lilywiu mang tên “Tàn lửa” do Wings Books (Nhà xuất bản Kim Đồng) phát hành, kể lại một câu chuyện đầy sức nặng về tình cảm gia đình, lòng tham hư vinh và thử thách niềm tin trong mỗi con người.

“Mẹ yêu con”

”Trên lưng mẹ” - bức ảnh của tác giả Lê Bích chụp năm 2005. (Nguồn ảnh: BTC)
(PLVN) - Tình mẫu tử luôn là nguồn cảm hứng bất tận, được nhiều nghệ sĩ thể hiện đa dạng qua nhiều hình thức. Trong đó, nhiếp ảnh cũng là một ngôn ngữ đặc biệt.

Dưỡng thần

Dưỡng thần
(PLVN) - Không gian ấy bình lặng mà tươi thắm, hoa đua nhau nở. Hoa vẫy mời chim chóc về ríu rít. Hoa gọi nhành nắng xuân. Tất cả do bàn tay ông Đức làm ra. Khi ông đang chăm sóc chậu mai chiếu thủy thì tiêng ông Hiệp vọng vào. Cổng chỉ khép. Ông Hiệp khoái trí cười với sắc hoa đón chào.

Điều đẹp đẽ chỉ ngắn ngủi vậy thôi

Ảnh minh họa: Internet
(PLVN) - Ngày Tết chúng ta nói chuyện vui, đoàn viên, hội ngộ, nhưng ngày Tết cũng có những khoảng lặng ngầm ngùi, sâu lặng, để thao thức về ngày đã qua và tương lai. Nghe radio những ngày này thấy toàn mở nhạc xuân vui tươi, hoan ca… đơn giản vì người Việt hay nói: Vui như Tết! Nhưng thực sự ngày Tết có phải là ngày vui vẻ hay là ngày tiễn đưa của thời gian và lòng người nặng trĩu suy tư?

Ra mắt tác phẩm “Đế chế ký hiệu” của Roland Barthes

Ra mắt tác phẩm “Đế chế ký hiệu” của Roland Barthes
(PLVN) - Roland Barthes là một nhân vật lớn trong lịch sử văn học và triết học của thế kỉ XX. Là một trong những người đặt nền móng cho chủ nghĩa cấu trúc và ký hiệu học Pháp, các tư tưởng của Roland Barthes đã ảnh hưởng đến sự phát triển của nhiều trường phái lý thuyết, bao gồm cấu trúc luận, ký hiệu học, lý thuyết xã hội và hậu cấu trúc luận,...

Ánh lửa trên đồi quyên thảo

Ảnh minh họa: Internet
(PLVN) - Đã bao năm chị vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa. Sáng nay cũng vậy, khi lũ chim trên đồi quyên thảo thức giấc, chị lại trở dậy ngồi bên bếp lửa.

“Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”

Ra mắt sách “Phụ nữ Việt Nam có một thời như thế”. (Ảnh: BTPNVN)
(PLVN) - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hiện lưu giữ hàng nghìn lá thư thời chiến của những người phụ nữ, thể hiện tâm tư của những đôi lứa yêu nhau phải tạm chia xa, của những người vợ đợi chồng, những người con nhớ mẹ, những người chị ngóng tin em... Sự ngăn cách giữa hậu phương và tiền tuyến khiến họ đành gửi gắm yêu thương, vui buồn cuộc sống và động viên nhau qua những lá thư.

“Biết tuốt về triết” của Yves Michaud

“Biết tuốt về triết” của Yves Michaud
(PLVN) - Nhằm giúp công chúng tiếp cận với những vấn đề triết học căn bản, triết gia Yves Michaud đã có những buổi thảo luận triết học với một nhóm thanh, thiếu niên và ghi chép, tổng hợp lại trong cuốn sách “Biết tuốt về triết”.

Chuyện của bà

Ảnh minh họa truyện. (Nguồn: Internet)
(PLVN) - Phải nói chưa có một gia đình nào phức tạp như gia đình tôi, phức tạp từ những mối quan hệ trong gia đình, phức tạp từ bản tính của từng con người với mỗi tính cách khác nhau nhưng đều khó hiểu, cho đến phức tạp hoàn cảnh gia đình. Nhưng có lẽ phức tạp nhất đó là mối quan hệ giữa ông bà tôi, một mối quan hệ mà từ lúc bé tôi chẳng hiểu rõ đó là yêu thương hay tất cả đều đã phai nhạt qua thời gian và năm tháng.

Một đứa trẻ

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác nóng bỏng tay khi bế trên tay hình hài bé nhỏ ấy, cứ tựa như một cảm giác vô cùng hạnh phúc nhưng cũng chớm đầy những âu lo.

Cuối năm, ngẫm về tật xấu của người Việt

Cuối năm, ngẫm về tật xấu của người Việt
(PLVN) - Những ngày cuối năm chộn rộn, trên tầng cao khu phố cổ Hà Nội, nhà văn Di Li cho ra mắt “Tật xấu người Việt”, như một sự tự trào. Bởi cuốn sách dành cho những người đã trưởng thành, phàm đã là người Việt, dường như ai cũng thấy có mình trong đó…

Bên mẹ mùa xuân

Ảnh minh họa của Văn Lang
(PLVN) - Nhìn dáng bố mẹ lụi cụi, xăm xăm lấy cho con cái này, đưa cho cháu cái kia với vẻ rạng rỡ, mừng vui… dường như anh chị đều hiểu: “Với bố mẹ, dù các con đã ngoài năm mươi tuổi thì vẫn luôn là những đứa trẻ thơ”. Bên mâm cơm chiều Ba mươi Tết, chén rượu ấm nồng khiến những người con xa quê thêm cay khóe mắt.