Cụ thể, về kết quả thực hiện các chính sách đối với người có công, tính đến hết năm 2018 cả nước có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hàng tháng; mức chuẩn trợ cấp liên tục được điều chỉnh tăng, giai đoạn 2012-2018 đã tăng khoảng 40%.
Theo chuẩn nghèo đa chiều, từ năm 2016, tỉ lệ giảm nghèo giảm bình quân 1,3%/năm; tỉ lệ hộ nghèo cả nước theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm còn dưới 7%; tốc độ giảm nghèo vượt chỉ tiêu đề ra…
Hiện có hơn 3,1 triệu người hưởng các chế độ BHXH hằng tháng và hằng năm có hàng triệu lượt người được hưởng trợ cấp một lần, mai táng phí, trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức…
Về số lượng người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, báo cáo cho biết chỉ số này đã tăng 150% - từ 8,72 triệu người (năm 2012) lên 12,68 triệu người (năm 2018), tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mục tiêu nghị quyết.
Về chính sách trợ giúp xã hội, báo cáo cho biết, thời gian qua các nhóm đối tượng được trợ giúp không ngừng được mở rộng; trong đó, có gần 2,9 triệu người được hưởng trợ cấp tiền mặt hằng tháng, nâng độ bao phủ lên gần 3% dân số (vượt mục tiêu đề ra); phổ cập giáo dục đã hoàn thành trước thời hạn từ cấp mầm non đến trung học cơ sở; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 88,5% dân số (vượt chỉ tiêu)…
Về định hướng cho thời gian tới, tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các đại biểu nhấn mạnh các giải pháp: Đẩy mạnh phát triển BHXH cho người lao động; gắn chặt các chính sách an sinh xã hội với vấn đề xây dựng văn hóa, đạo đức; đặc biệt cần phải có giải pháp hiệu quả nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là về y tế, giáo dục; hỗ trợ về dinh dưỡng cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn gắn với việc đưa trẻ đến trường, bảo đảm cho các cháu đến trường được ăn no, “bởi còn để các cháu bụng đói đi học là chúng ta có lỗi rất lớn đối với đồng bào”, ông Đam nói.