Ở xứ ta mấy năm qua có hiện tượng khá lạ, nếu không muốn nói là quái dị. Là vụ cánh viết văn làm thơ rất khoái lấy tuổi tác ra so đọ, lượng giá phẩm chất với chất lượng văn chương.
Các nhà văn có tuổi luôn xem kinh nghiệm như là một giá trị hiển nhiên không thể cãi. Câu thường dùng là: Mấy cây bút trẻ có ưu thế về vi tính, về ngoại ngữ, về nhiều phương tiện hiện đại, vân vân… nhưng ít trải nghiệm, thiếu thốn kinh nghiệm sống nên văn chương chưa có chiều sâu, ít chất liệu thực từ cuộc sống. Nói chung, còn nông cạn và hời hợt. Chỉ đáng xoa đầu cái rẹt là xong.
Lối ứng xử này còn được vận dụng cho cả các cây bút thế hệ 8X, thậm chí các nhà văn mà tuổi đời đã gần tứ thập. Mới lạ! Kỹ thuật nhiều quá, viết mù mịt quá, cố tình làm ra vẻ sâu sắc nhưng ở đó chẳng lấy gì làm sâu thẳm cả.
Cánh nhà văn có tuổi thường chê lớp trẻ là văn còn non, chưa nhiều ưu tư về nỗi đời, viết dễ dãi quá, ham nổi tiếng nhanh quá, nên chắc chắn sẽ không tồn tại với thời gian.
Ôi, trẻ dại mà được như Rimbaud hay Vũ Trọng Phụng thì quý hóa xiết bao! Có nhà nào tuổi sáu, bảy mươi dám lên tiếng chê bai với xoa đầu họ khi họ mới xuất hiện không nhỉ?
Ngược lại các cây bút trẻ, nhất là các nhà thơ, lại luôn kiêu hãnh về cái tuổi trẻ của mình. Như thể đã là tuổi trẻ thì bảo đảm phẩm chất sáng tạo, làm mới hay cách tân gì gì đó ghê lắm. Có nhà thơ nọ, tuổi sắp tam thập rồi còn gì, đã trả lời phỏng vấn ngon lành đầy ngây ngô rằng: Tôi là tác giả trẻ nhất được chọn vào thơ tuyển. Thơ tuyển được dịch ra ngoại ngữ in tận… Mỹ! Nghĩa là nó được đóng cái mác Tây đầy giá trị. Vượt trội rất nhiều người làm thơ khác dưới gầm trời thiên hạ. Cô nhà thơ này đâu biết (hay biết nhưng giả lơ đi) rằng đó chỉ tuyển tập chọn rất hú họa, như thể trò chơi lô tô, bốc thăm vậy thôi. Có chi ghê gớm mà ưỡn ngực kia chứ! Một nhà thơ khác mới in tiểu thuyết đầu tay có cái giải địa phương dù là thành phố cỡ bự cứ ngỡ văn ta là nhất thiên hạ. Vênh váo, vểnh mắt ngó trời ngay trong buổi nhận giải. Khiến mấy vị lão làng lỡ chấm giải đó cho chàng ta đã ngượng hết đường đỡ. Còn trả lời báo chí thì ôi thôi miễn nói, cứ là một hai văn chương thiên hạ cũ mốc, lỗi thời.
Cánh này ưa bốc đồng nói bạt mạng rằng thơ văn thế hệ già cổ hủ với lạc hậu lắm rồi, chúng chỉ đáng cho nhập kho thôi. Ôi, già mà được như Dostoievski, như Chế Lan Viên thì đáng nghiêng mình dường bao! Có đám trẻ nào của ngày hôm nay dám phát ngôn bừa trước mặt họ không nhỉ?
Ôi, giá mà thế hệ đi trước thuộc hàng cha chú rộng lượng hơn chút đỉnh, còn thế hệ con cháu biết khiêm tốn hơn chút ít thì văn đàn ta lành mạnh và thông thoáng biết bao. Đằng này, cánh “già” thì bám ghế quan văn mà cứ muốn đè văn chương “cách tân” không cho ngóc đầu dậy, còn lớp nhà văn nhà thơ thế hệ sau lại xỏ xiên đâm thọc này nọ, lời lẽ có khi thành hỗn láo. Hỏi không chán sao được!
Inrasara