Trẻ sơ sinh non tháng vừa chào đời đã mắc giang mai

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Bé sơ sinh non tháng tại Cần Thơ được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh giang mai do di truyền từ người mẹ.

Khoa Nhi - Sơ sinh bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ vừa tiếp nhận một trẻ sinh non nhẹ cân bị bệnh giang mai bẩm sinh có tổn thương: da, gan lách to, thần kinh (xét nghiệm dịch não tủy).

Đáng chú ý, trẻ được sinh ra từ mẹ bị bệnh giang mai không được phát hiện sớm và không được điều trị trước sinh.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, đầu năm đến tháng 10/2022, bệnh viện tiếp nhận điều trị 20 ca bệnh giang mai là trẻ sơ sinh và trẻ lớn hơn 1 tháng tuổi. Các bệnh nhi này chủ yếu từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chuyển lên.

Đáng chú ý, trong số 20 ca giang mai này, có nhiều trẻ bị biến chứng rất nặng. Cụ thể, có bệnh nhi dương tính với giang mai đã biến chứng hủy xương, bao gồm xương cánh tay, đầu dưới xương đùi và xương chày. Trước đó, người mẹ được xét nghiệm dương tính với giang mai trong lúc mang thai nhưng do chủ quan nên không nghĩ rằng mình mắc bệnh, không điều trị, không dự phòng lây từ mẹ sang con, cho đến khi con bị mắc bệnh mới nhận ra. Có trường hợp bé bị biến chứng viêm màng não nghiêm trọng, các bác sĩ phải tiêm kháng sinh lâu dài và tích cực điều trị. Đáng nói, người mẹ trước đó khám thai ở phòng khám tư nhân, sau khi có kết quả giang mai đã không được tham vấn điều trị và trẻ cũng không được dự phòng nên đã lây bệnh.

Theo Bệnh viện Phụ Sản Cần Thơ, bệnh giang mai là bệnh lây truyền từ người sang người chủ yếu qua đường tình dục hoặc qua đường máu do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum). Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn khuẩn hoặc lây qua các vết xước trên da, niêm mạc.

Bệnh gây tổn thương ở da, niêm mạc, nếu không được điều trị có thể gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể: cơ, xương, khớp, tim mạch, thần kinh…

Ở phụ nữ mang thai, mẹ bệnh giang mai sẽ truyền cho con qua nhau thai có thể gây: sẩy thai, thai chết lưu, sanh non, nhẹ cân hoặc trẻ tử vong ngay sau khi sinh. Nếu trẻ sống, sẽ mắc bệnh giang mai bẩm sinh gây tổn thương: da, cơ xương khớp, tai, mắt, tim mạch, thần kinh…ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bé ngay sau sanh và để lại biến chứng lâu dài.

Bệnh giang mai được điều trị rất hiệu quả bằng thuốc, điều trị càng sớm thì càng có hiệu quả và không để lại biến chứng. Đây cũng là phương pháp duy nhất để điều trị và phòng ngừa tổn thương bẩm sinh cho thai, bệnh này khi đã gây tổn thương cho thai nhi thì sẽ để lại di chứng lâu dài.

Qua trường hợp trên, các sĩ khuyến cáo: Nên xét nghiệm tầm soát giang mai tiền hôn nhân, trước mang thai, 3 tháng đầu thai kỳ để được điều trị ngay càng sớm càng tốt đặc biệt trước sanh 4 tuần nhằm tránh nguy cơ lây truyền bệnh giang mai bẩm sinh cho trẻ.

Ngoài bệnh giang mai, bà mẹ chú ý các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác có thể truyền từ mẹ sang con: HIV, viêm gan B, lậu, chlamydia… Những bệnh này không chỉ có nguy cơ gây sinh non, sảy thai, thai chết lưu, mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe cho mẹ và cả bé sau sinh.

Đọc thêm

Dùng thêm thuốc ngoài đơn bác sĩ, người đàn ông rơi vào nguy hiểm

Người bệnh nhập viện trong tình trạng tổn thương da nghiêm trọng (Ảnh: Ngọc Phúc)
(PLVN) - Trong thời gian sử dụng thuốc theo đơn điều trị xương khớp, bệnh nhân N.Đ.T (nam, 65 tuổi, trú tại huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) liên tiếp sử dụng nhiều loại thuốc khác ngoài đơn của bác sĩ. Người bệnh sau đó bị tổn thương da 70% kèm theo loét niêm mạc miệng, mắt và bộ phận sinh dục...

Đau đầu kéo dài, bé gái 9 tuổi được phát hiện có khối u não lớn

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhi.
(PLVN) - Bệnh viện E vừa phẫu thuật thành công cho một bệnh nhi nữ 9 tuổi, có khối u màng não lớn. Đây là ca bệnh khó vì người bệnh nhỏ tuổi, kích thước khối u lớn, nằm ở vị trí nguy hiểm, buộc phải phẫu thuật nếu không sẽ đe dọa đến chức năng thần kinh và tính mạng người bệnh.

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông

Bộ Y tế thông tin về vaccine COVID-19 của AstraZeneca có thể gây máu đông
(PLVN) - Trước thông tin AstraZeneca lần đầu tiên thừa nhận vaccine COVID-19 có thể gây cục máu đông, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, đây là tác dụng phụ hiếm gặp mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng cảnh báo khi tiêm vaccine COVID-19 của AstraZeneca.

"Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang xạ trị

Khánh thành khu vui chơi và học tập cho bệnh nhi tại Trung tâm Ung bướu.
(PLVN) - Chiều 3/5, Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức lễ khánh thành khu vui chơi và học tập với tên gọi “Không gian cho em” dành cho các bệnh nhi đang điều trị tại khoa Xạ trị 2, Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế.