Nghịch dại nguy hiểm
Cuối tháng 6 vừa qua, anh V.X.C (huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) trình báo về việc khi đang lưu thông trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã An Hòa, huyện Tam Dương) thì bị nhiều đối tượng ném đá làm hỏng kính chắn gió phía trước của xe.
Sau đó Công an huyện Tam Dương đã làm rõ một nhóm học sinh cấp 2 ở trên địa bàn đã thực hiện hành vi ném đá trên. Nhóm học sinh này khai nhận đã thực hiện ném đá như vậy nhiều lầm. Lý do, khi được nghỉ hè ở nhà, các cháu vào mạng xã hội Tiktok xem các video rồi học theo và rủ nhau đi ném đá vào các xe.
Cũng trong thời gian này, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video ghi lại cảnh nhiều bé trai đứng trên dải phân cách, liên tục cầm đá ném vào ô tô đang di chuyển ở tốc độ cao tại cao tốc TP HCM - Long Thành – Dầu Giây. Sự việc khiến người xem không khỏi kinh hoàng bởi thời điểm này, các ô tô đang di chuyển với vận tốc hơn 100 km/giờ. Nếu chẳng may mất lái, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Tình trạng tương tự cũng xuất hiện trên tuyến đường cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn. Thượng tá Đào Văn Phú, Trưởng Công an huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn từng cho biết, trong 2 ngày 9 và 10/1, 12 chủ phương tiện lưu thông trên tuyến đường này đã phản ánh đã bị đối tượng ném đá làm hư hỏng kính chắn gió đằng trước, móp cánh cửa (hầu hết là tại địa phận huyện Hữu Lũng), thời gian thường là vào buổi tối. Lực lượng công an đã xác định được nhiều đối tượng là thanh, thiếu niên đứng ở trên cầu ném đá xuống đường cao tốc.
Cha mẹ sẽ phải bồi thường
Luật sư, Phạm Ngọc Đạt (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi vi ném đá vào phương tiện giao thông thường gây ra những thiệt hại lớn về tài sản, nghiêm trọng hơn có thể uy hiếp đến tính mạng con người. Tùy vào mức độ thiệt hại, các đối tượng ném đá sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS). Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được thực hiện khi trẻ đã đủ tuổi chịu trách nhiệm theo quy định.
Theo Điều 5 Luật xử lý VPHC thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt VPHC về VPHC do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt VPHC về mọi VPHC.
Theo Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP xử phạt về việc vi phạm quy định trật tự công cộng, hành vi “ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác” sẽ bị xử phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC thì “người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi VPHC thì không áp dụng hình thức phạt tiền. Trường hợp người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi VPHC bị phạt tiền thì mức tiền phạt không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên; trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay”.
Cũng theo Luật Xử lý VPHC thì việc xử lý người chưa thành niên VPHC chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Nếu việc ném đá trên gây thiệt hại nghiêm trọng (trên 2 triệu đồng) hoặc có tình tiết quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì người thực hiện hành vi có thể bị xem xét, truy cứu TNHS về tội Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản phạt với mức phạt từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng đến 3 năm…
Ngoài ra, nếu hành vi ném đá vào phương tiện giao thông gây tổn thương về sức khỏe hoặc tính mạng thì tùy vào mức độ nghiêm trọng hoặc các dấu hiệu sẽ bị truy cứu TNHS theo Điều 134 Bộ luật Hình sự (tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác), với khung hình phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trường hợp gây thương tích dẫn đến làm chết người thì khung hình phạt tù là từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Tuy nhiên, Luật sư Đạt cũng cho biết, nếu các đối tượng ném đá trên là trẻ em thì pháp luật hiện hành có những quy định xử lý riêng. Cụ thể, tại Điều 12 Bộ luật Hình sự “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác…”. Đồng thời, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
Việc truy cứu TNHS người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm.
Như vậy, nếu trẻ dưới 14 tuổi thì việc truy cứu TNHS sẽ không đặt ra nhưng trách nhiệm bồi thường về dân sự thì cháu bé hoặc bố mẹ, người giám hộ vẫn có.
Cụ thể, Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân nêu rõ: Người chưa đủ 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu (trừ trường hợp quy định tại Điều 599 Bộ luật Dân sự). Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
Theo các quy định trên, nếu trẻ dưới 18 tuổi có hành vi ném đá xe ô tô gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe hay tính mạng người khác thì đa số trường hợp cha mẹ sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả cũng như phải nộp thay tiền xử phạt VPHC.