Để đảm bảo thực thi Luật Nuôi con nuôi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2011, Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật. Một nội dung đang được quan tâm là liệu cha mẹ đẻ có quyền thay đổi ý kiến khi đã dứt lòng đồng ý cho con mình đi làm con nuôi.
Khuyến khích đăng ký nuôi con nuôi thực tế
Theo Điều 50 của Luật, việc nuôi con nuôi thực tế trước ngày Luật có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm nếu đáp ứng được 3 điều kiện. Bao gồm, các bên có đủ điều kiện về nuôi con nuôi; quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả 2 bên còn sống; giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con.
Nhằm bảo đảm thuận lợi và phù hợp với điều kiện thực tế của nhân dân các vùng miền khác nhau, Dự thảo Nghị định chỉ rõ, gia đình, họ hàng và làng xóm sẽ là những người xác nhận quan hệ cha, mẹ và con đang tồn tại và giữa 2 bên có chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký nuôi con nuôi thực tế rất đơn giản để khuyến khích, động viên người dân đi đăng ký tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Cụ thể, cha mẹ nuôi chỉ phải làm Tờ khai đăng ký theo mẫu có sẵn, có kèm lời chứng của trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc già làng, trưởng bản nơi họ thường trú. UBND cấp xã chịu trách nhiệm kiểm tra và nếu cần thiết mới tiến hành xác minh.
Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh khẳng định, đây là vấn đề hoàn toàn mới, xuất phát từ tình hình thực tiễn, tại nhiều tỉnh thành, nhất là một số tỉnh phía Bắc đã phát sinh hiện tượng nuôi con nuôi mà không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cũng không có bất kỳ giấy tờ gì chứng minh quan hệ nuôi con nuôi.
Tuy nhiên, có điểm vướng mắc là hết thời hạn 5 năm do Luật định mà vẫn có trường hợp không đăng ký thì việc nuôi con nuôi thực tế có được công nhận không. “Luật không quy định, liệu Dự thảo Nghị định có được đặt ra hay không?” - ông Khanh băn khoăn.
Cho trẻ đi làm con nuôi là hết quyền?
Điều 21 Luật Nuôi con nuôi nhấn mạnh, việc cho trẻ đi làm con nuôi phải được sự đồng ý của cha mẹ đẻ của trẻ. Trường hợp cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại. Nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ. Trường hợp nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó.
Luật cũng quy định, đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi không xác định được cha mẹ đẻ, chỉ cần ý kiến của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó về việc cho trẻ em làm con nuôi. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBND cấp xã tiến hành lấy ý kiến và phải được lập thành văn bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến. Trường hợp NCN nước ngoài, Sở Tư pháp có trách nhiệm lấy ý kiến và trong trường hợp cần thiết thì Sở đề nghị Công an cấp tỉnh xác minh.
Có ý kiến cho rằng, để thực sự đảm bảo nguyên tắc “chỉ cho làm con nuôi người nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước” nên chăng Dự thảo Nghị định cần có thêm quy định tại lễ bàn giao trẻ sẽ hỏi ý kiến cha mẹ đẻ một lần nữa. Tuy nhiên, chuyên gia Philippines – bà Luwalhati Pablo khẳng định, quy định như thế là bất công với cha mẹ nuôi người nước ngoài đã lặn lội đường xa tới Việt Nam nhận trẻ.
Theo kinh nghiệm của Philippines và Luật NCN Việt Nam cũng đã quy định, trẻ chỉ được cho làm con nuôi khi đã có đủ điều kiện. Vì vậy, Việt Nam có thể quy định chi tiết thi hành Luật theo hướng cho cha mẹ đẻ suy nghĩ lại trong vòng 3 tháng sau khi quyết định cho con nuôi. Cục trưởng Cục Con nuôi Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh: “Anh có quyền, nghĩa vụ với con mình nhưng từ bỏ cho xã hội, cho Nhà nước rồi thì không có quyền thể hiện ý chí đồng ý hay không của mình. Nếu ta tiếp tục duy trì quy trình hiện nay, trong đó có việc hỏi lại ý kiến của cha mẹ đẻ là Luật này sẽ vô giá trị”.
Thục Quyên