Có cần bổ sung quy chuẩn lan can chung cư?
Tối 31/3, tại chung cư 5B, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, Hà Nội, sau khi nghe thấy tiếng động mạnh, người dân phát hiện bé trai 3 tuổi nằm bất động dưới nền đất. Tới kiểm tra, người dân phát hiện bé trai đã tử vong.
Trước đó, ngày 3/3, người dân chung cư Rice City Khu đô thị Linh Đàm phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng giật mình bởi tiếng động mạnh vội chạy ra ngoài xem thì trông thấy một bé trai nằm bất động dưới sảnh. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng bé trai đã tử vong.
Điều đầu tiên có thể nhận thấy ở các vụ việc này là lan can, cửa sổ của các căn hộ đều không có chấn song hay lưới an toàn. Có hai lý do dẫn đến việc không có chấn song hay lưới an toàn này. Một là do chủ các căn hộ không muốn lắp vì vướng tầm nhìn, ảnh hưởng đến không gian thiết kế của căn hộ. Hai là đơn vị quản trị tòa nhà không cho lắp với lý do việc căn hộ lắp, căn không sẽ làm cho bề mặt tòa nhà không đồng bộ, thiếu thẩm mỹ.
Đây là những lý do mang tính chủ quan, còn pháp luật về ngành xây dựng quy định như thế nào với ban công, cửa sổ chung cư? Liên quan đến vấn đề này, sau những vụ trẻ nhỏ tử vong vì rơi từ cửa sổ, lan can chung cư, đại diện Bộ Xây dựng từng nhiều lần chia sẻ với truyền thông về việc cơ quan này đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng - an toàn sinh mạng và sức khỏe quy định về quy chuẩn lan can nhà chung cư.
Theo đó, các cạnh trống của sàn, ban công, lô gia, mái, giếng trời và các lỗ mở (bao gồm cả các cửa sổ) phải có lan can chắn và đảm bảo các yêu cầu: từ tầng 9 trở lên, lan can, rào chắn phải có chiều cao tối thiểu 1,4 m (các vị trí khác tối thiểu 1,1 m); phải có khả năng chịu được tác động của lực ngang và đảm bảo khe hở của lan can không đút lọt quả cầu có đường kính 100 mm; không có cấu tạo để trẻ em dễ trèo qua lan can. Các yêu cầu kỹ thuật này đã được nghiên cứu, cân nhắc nhằm đảm bảo an toàn sinh mạng, phù hợp với điều kiện khí hậu, môi trường ở Việt Nam, đồng thời đảm bảo khả năng cứu nạn, cứu hộ và tự thoát nạn khi xảy ra cháy.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng bày tỏ quan điểm nhà ở chung cư đang là xu thế tất yếu trong quá trình đô thị hóa và theo quy chuẩn xây dựng hiện hành, ban công chỉ được làm đến tầng thứ 6; từ tầng thứ 7 trở lên chỉ được phép làm lô gia.
Theo ông Châu, trước đây chung cư thường được hiểu trên dưới 20 tầng nhưng hiện nay có những chung cư nhà ở lên đến 35 - 40 tầng, thì đối với những chung cư trên 30 tầng trở lên, có nên cho mở lô gia và ban công không. Đây là vấn đề cần phải tính toán trong quy chuẩn xây dựng chung cư nhà cao tầng tại Việt Nam.
Người lớn không thể vô can
Ở vụ việc xảy ra tại chung cư 5B, Cầu Diễn thì bé trai 3 tuổi ngã tử vong và anh trai 5 tuổi được để ở nhà một mình. Người anh trêu đùa đã khóa cửa nhốt em trong nhà. Bé trai đã trèo qua ô thoáng nhà vệ sinh rồi rơi xuống đất.
Ở vụ việc chung cư Rice City Khu đô thị Linh Đàm thì cháu bé được cha mẹ gửi đến nhà người quen và người này đi ra ngoài nhưng vô tình để cửa phòng sập chốt, không mở được. Trong khi đi nhờ bảo vệ tòa nhà mở hộ chốt cửa, thì cháu bé đã trèo lên cửa sổ phòng ngủ không có chấn song rồi rơi xuống đất.
Như vậy có thể thấy sự chủ quan, lơ là của người lớn đã là một trong những nguyên nhân khiến trẻ lâm nạn. Nhiều vụ việc xảy ra gần đây như tiếng chuông báo động về sự chủ quan, lơ là của cha mẹ, người lớn.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nhưng tình hình tai nạn, thương tích của trẻ em Việt Nam vẫn còn rất cao so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp tám lần các nước phát triển.
Theo các chuyên gia thì để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, yếu tố dự phòng phải đặt lên hàng đầu. Đơn cử như các bác sĩ khuyến cáo, trẻ nhỏ vốn hiếu động, do đó cha mẹ cần luôn chú ý giám sát trẻ, cần để phích nước sôi, cốc nước nóng, thức ăn mới nấu, bàn là đang nóng, bật lửa... ở nơi trẻ không sờ hoặc với tới. Khi nấu ăn luôn quay cán xoong, chảo vào phía trong.
Không để trẻ nhỏ tự tắm vòi nước nóng lạnh, nếu tắm chậu cho trẻ, cần đổ nước lạnh vào trước và hòa nước nóng sau, luôn kiểm tra nhiệt độ nước trước khi tắm. Khi bê nước nóng, thức ăn mới nấu, cần tránh xa trẻ để không va đụng. Kiểm tra nhiệt độ của thức ăn, đồ uống trước khi cho trẻ ăn, uống. Không nên ăn thức ăn, uống nước nóng khi bế trẻ nhỏ…
Còn theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM thì để đảm bảo an toàn cho trẻ em ở chung cư không chỉ có trách nhiệm của chủ đầu tư là phải tuân thủ quy định của Bộ Xây dựng khi xây chung cư, mà ngay chính bản thân cư dân sống trong chung cư cũng cần tăng cường giám sát, huấn luyện trẻ em về nhận biết nguy hiểm, như: không được leo trèo ngoài ban công, lan can cầu thang, lô gia...