Trẻ dậy thì sớm có xu hướng tăng

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, trẻ còn chịu nhiều hệ lụy về cảm xúc, tâm lý và xã hội.

Chưa rõ nguyên nhân

Hiện nay, theo TS.BS. Bùi Phương Thảo – Phó Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương thì hiện tượng “trẻ con hóa dậy thì” khi tuổi được chẩn đoán sớm hơn trước. Nếu năm 1980 tuổi trung bình có kinh nguyệt là 15-16 tuổi, nay thì trung bình là 11-12 tuổi. Riêng năm 2019, đã có 365 cháu được chẩn đoán mắc dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi Trung ương.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số cháu đến khám giảm đi, nhưng cũng đã có 107 cháu được phát hiện. Hiện Bệnh viện đang quản lý hơn 1.000 bé dậy thì sớm và đã điều trị ức chế dậy thì cho hơn 500 cháu.

Theo TS.Thảo, chưa có nghiên cứu cộng đồng về tỉ lệ bệnh dậy thì sớm, song số lượng bệnh nhi được chẩn đoán mắc dậy thì sớm đều tăng. Tỷ lệ trẻ gái dậy thì sớm chiếm tỷ lệ cao hơn trẻ nam, gấp 20 lần. “90-95% trường hợp dậy thì sớm ở nữ được xác định là vô căn, chỉ 5-10% có bất thường ở não, u não, dị tật não. Ở trẻ trai, chiếm tới 40-50% có u não, bất thường não, dị tật não” – bác sĩ Thảo cho biết.

Trong một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở gần 500 bệnh nhi dậy thì sớm được khám và điều trị cho thấy, Hà Nội có số bệnh nhân nhiều nhất với 291 cháu, tiếp đó là Hải Phòng với 29 cháu, Hải Dương đứng thứ ba với 17 cháu, lần lượt tiếp theo là Bắc Ninh (16 cháu), Hưng Yên (15 cháu),... Hiện nay, tuổi nhỏ nhất được chẩn đoán và điều trị dậy thì sớm chỉ khoảng vài tháng tuổi. Bệnh viện cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhi nữ 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến có kinh nguyệt từ nhỏ.

Điều đáng lo ngại hơn, khi số lượng trẻ dậy thì sớm gia tăng nhưng hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong khi các nhà nghiên cứu đang đạt được những tiến bộ trong việc tìm hiểu những ảnh hưởng của sự trưởng thành sớm thì nút thắt nguyên nhân của “dậy thì sớm” vẫn rất khó để xác định. 

Theo bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, nguyên là Trưởng khoa Thận - Nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa xác định có bao nhiêu yếu tố tham gia vào quá trình dậy thì ở con người. Tuy nhiên, về mặt khoa học, yếu tố xác định liên quan đến dậy thì phụ thuộc vào chủng dân, vào tiền sử gia đình, tình trạng dinh dưỡng hay tình trạng thừa cân, béo phì, hoặc yếu tố hình ảnh, phim truyện, yếu tố gợi ý về giới tính cũng ảnh hưởng đến quá trình này.

Đến nay, ở nữ dậy thì sớm thì có đến 90% không xác định được nguyên nhân. Còn đối với nam, 40% tìm được nguyên nhân chủ yếu là do các khối u lành tính nằm ở vùng hạ đồi (não) tiết ra các chất để kích động các trục đưa bé vào giai đoạn dậy thì sớm. Do chưa tìm ra nguyên nhân nên việc xác định yếu tố chính xác dẫn đến dậy thì sớm rất khó.

Một số nghiên cứu cho biết trẻ ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc công nghiệp cũng có nguy cơ dậy thì sớm. “Ngoài ra, việc sử dụng các sản phẩm làm đẹp như dầu gội đầu, sữa tắm… có chứa chất estrogen làm đẹp da có thể kích thích quá trình dậy thì sớm… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nghiên cứu nào khẳng định chắc chắn các mối liên quan này” – bác sĩ Loan giải thích.

Phòng tránh dậy thì sớm cho trẻ

PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàn - Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Nhi Trung ương cảnh báo, dậy thì sớm là tình trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Nhiều gia đình “dở khóc, dở cười” khi thấy con trẻ dậy thì sớm. Đối với những trẻ dậy thì sớm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng.      

Theo lời khuyên của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những giải pháp giúp giảm thiểu tình trạng dậy thì sớm ở trẻ, đặc biệt là bé gái. Theo đó, bố mẹ nên xây dựng một chế độ ăn phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, giàu rau, củ, quả, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích hay những thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và có hàm lượng đường cao. Lưu ý chọn các thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, thực phẩm chứa hormone tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới sinh lý của trẻ.

Nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục ít nhất là 30 phút mỗi ngày. Các môn thể thao như bơi lội, cầu lông, nhảy dây, đá bóng, đá cầu… không chỉ giúp trẻ rèn luyện sức khỏe mà còn ích lợi cho việc trau dồi kỹ năng sống của trẻ. Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm kem, thuốc có thành phần liên quan đến hormon sinh dục.

Nguy cơ trẻ phải đối mặt khi dậy thì sớm

Hậu quả trông thấy ngay trước mắt do dậy thì sớm chính là nguy cơ thấp lùn khi trưởng thành cùng nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác. Ban đầu, trẻ sẽ phát triển nhanh, cao lớn hơn so với các bạn cùng trang lứa, nhưng giai đoạn tăng trưởng ấy không kéo dài và khi giai đoạn ấy kết thúc, trẻ cũng chậm phát triển lại. Theo chuyên gia, thông thường, bé gái sẽ thấp hơn 12cm, bé trai thấp hơn 20cm so với bạn cùng giới tính dậy thì đúng độ tuổi ở tuổi trưởng thành.

Những thay đổi trên cơ thể của bé dậy thì sớm có thể làm bé thấy ngại ngùng, xấu hổ, thiếu tự tin vì cảm thấy khác biệt so với bạn bè, bị bạn bè trêu chọc. Điều này có thể khiến bé tự ti, trầm cảm và thậm chí để lại di chứng tâm lý cho đến khi trưởng thành.

Sự phát triển tâm sinh lý quá sớm, dẫn đến chuyện yêu sớm, từ đó xu hướng quan hệ tình dục sớm trước tuổi trưởng thành. Trẻ còn quá nhỏ, suy nghĩ chưa chín chắn nên dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng. Đặc biệt, đối với các bé gái, chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về sức khỏe giới tính, sức khỏe sinh sản và hậu quả là mắc phải các bệnh lây truyền qua đường tình dục hay mang thai khi tuổi đời còn quá nhỏ.

Điều này dẫn đến việc nạo, phá thai, để lại những sang chấn cả về thể chất lẫn tinh thần sau này. Chưa kể, bé gái bị dậy thì sớm, chu kỳ kinh nguyệt sớm trước khi 8 tuổi do ảnh hưởng rối loạn nội tiết sớm gây ra hội chứng buồng trứng đa nang, sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản khi trưởng thành.

Theo chuyên gia, dậy thì sớm gây ra những hệ lụy đáng sợ nhưng không phải không có giải pháp ngăn chặn. Cha mẹ cần quan sát trẻ để nhận biết dấu hiệu dậy thì sớm đưa đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đọc thêm

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống

Bệnh viện Y Dược cổ truyền và PHCN tỉnh Phú Thọ áp dụng phương pháp mới phục hồi vận động sau chấn thương cột sống
(PLVN) - Gần đây, Bệnh viện Y Dược cổ truyền và Phục hồi chức năng (PHCN) tỉnh Phú Thọ đã điều trị phục hồi chức năng thành công lấy lại khả năng vận động cho người bệnh N.T.H bị chấn thương cột sống bằng phương pháp y học cổ truyền kết hợp phục hồi chức năng.

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025

Nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2025
(PLVN) - Trao đổi với các đối tác tại Việt Nam, Giám đốc cao cấp chương trình Sức khỏe cộng đồng của Quỹ Sáng kiến Bloomberg, công tác phòng, chống tác hại thuốc lá ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước. Bộ Y tế cần xây dựng thêm công cụ và hướng dẫn để ngăn ngừa sự xuất hiện của các sản phẩm thuốc lá mới, cũng như việc sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng...

Cẩn trọng với "thầy thuốc" online

Người dân nên tiếp cận thông tin trên mạng xã hội từ các nguồn uy tín. (Ảnh: PV)
(PLVN) -  Việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, không bảo đảm độ chính xác tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế và sức khỏe có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người.

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới

Tìm giải pháp đưa Việt Nam ra khỏi 'top quốc gia' có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới
(PLVN) - Trong khi hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ đứng thứ hai gây tử vong và bệnh tật, song Việt Nam vẫn là một trong những nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất trên thế giới. Trước thực trạng này, các chuyên gia đã trao đổi về những thách thức còn tồn tại để tìm ra các giải pháp thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Hà Nội: Xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Đoàn kiểm tra liên ngành công tác ATTP kiểm tra tại một cơ sở. (Ảnh: Bích Hằng)
(PLVN) - Ông Đặng Thanh Phong - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho biết, Thành phố hiện có hơn 72.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh và chế biến thực phẩm, trong đó ngành Y tế quản lý khoảng 39.000 cơ sở. Cơ quan chức năng đã tăng cường thanh, kiểm tra và giám sát ATVSTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể.

Dịch sốt xuất huyết lan rộng

Dịch sốt xuất huyết lan rộng
(PLVN) - Trước đây, sốt xuất huyết chủ yếu tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long và ven biển miền Trung, tuy nhiên hiện nay, dịch lan rộng ra Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên. Đặc biệt, các địa phương miền Bắc như TP Hà Nội và một số tỉnh miền núi cũng đã ghi nhận dịch sốt xuất huyết lưu hành.