Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã ghi nhận hơn 3.130 ca mắc Adenovirus, trong đó 9 ca tử vong. Đáng lo ngại, trong sáng 3/10, có một bệnh nhi mới 13 tháng tuổi tử vong.
Hiện, Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị cho khoảng 300 ca mắc Adenovirus, trong đó hơn 40 ca nặng, nguy kịch với 6 bệnh nhân thở máy, 2 ca ECMO (tim phổi nhân tạo); 2 ca lọc máu, 35 ca thở ôxy. Bệnh nhi nhiễm Adenovirus có triệu chứng sốt cao liên tục 3-4 ngày, kém đáp ứng thuốc hạ sốt. Những trẻ có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh nền có nguy cơ viêm phổi, suy hô hấp
Theo TS.Nguyễn Văn Tùng, Khoa Nhi, BV TWQĐ 108, adenovirus là các virus DNA được phân loại theo 3 chất kháng nguyên vỏ protein chính (hexon, penton và sợi). Có 7 loài adenovirus ở người (từ A đến G) và 57 tuýp huyết thanh. Các tuýp huyết thanh khác nhau liên quan đến các tình trạng bệnh lý khác nhau.
Mọi người ở các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Sau khi bị bệnh sẽ được miễn dịch đặc hiệu tuýp. Có thể bị mắc bệnh lại là do bị nhiễm tuýp adenovirus khác. Đến nay vẫn chưa biết rõ về vai trò và thời gian miễn dịch sau khi mắc bệnh do adenovirus. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra nhiều ở lứa tuổi trẻ và gần 100% số người lớn đã có kháng thể đặc hiệu với nhiều tuýp adenovirus. Trong thực tế, thường phân lập được các tuýp adenovirus 1, 2, 3 và 5 gây bệnh ở trẻ em và các tuýp 3, 4, 7, 14, 21 trong các vụ dịch đường hô hấp cấp ở trại lính trong mùa đông xuân.
Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài, adenovirus có sức đề kháng tương đối bền vững. Vi rút có thể tồn tại và còn khả năng gây nhiễm ở 360C trong 7 ngày, 220C trong 14 ngày và 40C trong 70 ngày. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 560C từ 3 đến 5 phút. Adenovirus được giữ lâu dài trong điều kiện đông khô hoặc đông băng.
Ở trẻ em, adenovirus thường gây nhiễm trùng đường hô hấp và đường ruột. Cụ thể, nhiễm trùng ở trẻ em có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Nhiễm trùng đường hô hấp do virusthường gặp nhất vào cuối mùa đông, mùa xuân và đầu mùa hè và adenovirus có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong năm. Nhiễm trùng đường tiêu hóa phổ biến hơn ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hầu hết trẻ em đã bị một dạng nhiễm trùng vào năm 10 tuổi.
Cũng theo bác sĩ Tùng, thời gian ủ bệnh khoảng từ 5-12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12 ngày. Thời kỳ lây truyền, bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn khi cơ thể vẫn còn đào thải adenovirus ra ngoài.
Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh đều nhẹ; các biểu hiện (ví dụ: sốt, các triệu chứng của đường hô hấp trên và dưới, viêm họng, viêm kết mạc) rất khác nhau tùy thuộc vào tuýp huyết thanh.
"Bệnh nặng xảy ra chủ yếu ở trẻ sơ sinh và những bệnh nhân suy giảm miễn dịch nhưng đôi khi xảy ra trên người lớn khỏe mạnh. Các trường hợp nhiễm trùng có triệu chứng xảy ra ở trẻ em và gây sốt và các triệu chứng của đường hô hấp trên, bao gồm viêm họng, viêm tai giữa, ho và viêm amidan xuất tiết có hạch cổ. Adenovirus tuýp 3 và 7 gây ra một hội chứng riêng biệt của viêm kết mạc, viêm họng và sốt (sốt kèm theo viêm kết mạc - viêm họng - hạch)", bác sĩ Tùng chia sẻ.
Đặc biệt, bác sĩ Tùng cũng nhấn mạnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu khi nhiễm adenovirus. Nếu một đứa trẻ bị nhiễm adenovirus, điều trị hỗ trợ làm giảm các triệu chứng. Do adenovirus là virus, kháng sinh không có hiệu quả. Điều trị cụ thể cho nhiễm trùng adenovirus sẽ do bác sĩ xác định dựa trên các yếu tố: Tuổi, sức khỏe tổng thể và tiền sử bệnh của trẻ; Mức độ bệnh; Khả năng chịu đựng của trẻ đối với các loại thuốc, thủ thuật hoặc liệu pháp cụ thể.
Vì vậy, để phòng tránh adenovirus, bác sĩ Tùng khuyến cáo các bậc phụ huynh cần rửa tay thường xuyên là rất quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của adenovirus sang trẻ sơ sinh, trẻ em và người lớn khác.