Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La mới tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi Q.V.T 9 tuổi (huyện Thuận Châu) nhập viện trong tình trạng tim nhịp chậm, khó thở, tím tái toàn thân, mệt lả, da vàng và yếu cơ tứ chi.
Người nhà cho biết, buổi tối trước nhập viện, cháu T và bố đã ăn bọ xít với rau xào, T ăn nhiều hơn bố, khoảng trên 10 con.
Sau ăn khoảng hơn 2 giờ, cả 2 bố con đều nôn, chóng mặt, mệt, yếu chi. Ngày hôm sau, người bố đỡ mệt, hết nôn và đi lại được. Tuy nhiên, cháu T ăn nhiều hơn nên các triệu chứng nặng hơn, co giật từng cơn trong đêm nên được đưa vào bệnh viện huyện thăm khám trước khi chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La điều trị.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng, trẻ được chẩn đoán ngộ độc do ăn côn trùng (bọ xít). Sau đó, bệnh nhi được điều trị tích cực bù dịch, bù điện giải và dùng thuốc chống co giật song tình trạng chưa được cải thiện, trẻ mệt nhiều, vật vã, mạch chậm, huyết áp tụt và da vàng nhiều.
Bệnh nhi được hồi sức tích cực, đảm bảo hô hấp tuần hoàn và điều trị triệu chứng. Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và quyết định chuyển bệnh nhi đến Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục điều trị. Sau 7 ngày, hiện tình trạng sức khỏe bệnh nhi đã dần ổn định.
Theo chuyên gia y tế, bọ xít có nhiều loài, trong đó một số loài có thể có chất độc. Tuy nhiên, các thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Vì vậy, rất ít loài côn trùng được khoa học chứng minh là an toàn để ăn.
"Nhiều trường hợp bệnh nhân ăn các loại côn trùng như sâu, bọ xít bị ngộ độc nặng gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị, nguy hiểm đến tính mạng. Do vậy, để phòng tránh ngộ độc, người dân, đặc biệt là trẻ em không nên ăn các món ăn được chế biến từ các loại côn trùng. Trường hợp không may bị ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời", chuyên gia khuyến cáo.