Kinh nghiệm từ quận Bình Thạnh
Ví dụ như tại quận Bình Thạnh, năm 2020 địa phương này đặt ra mục tiêu duy trì không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP (thu nhập bình quân 28 triệu đồng/người/năm). Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện ngay từ những ngày đầu năm 2020 trở thành thách thức.
Bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng ban giảm nghèo quận cho biết, hộ nghèo và cận nghèo là nhóm bị tác động sớm nhất trong dịch, trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội thì các đối tượng trên hầu hết bị gián đoạn mưu sinh. Quận ủy và UBND quận chỉ đạo đến từng phường trên địa bàn, đặc biệt quan tâm rà soát, theo dõi tình hình từng hộ trong diện khó khăn. Quận đã vận động các mạnh thường quân được gần 500 triệu đồng để chăm lo người dân bị ảnh hưởng vì dịch.
Quận cũng chỉ đạo các phường tập trung rà soát đến từng hộ cận nghèo, tìm hiểu nhu cầu sinh kế. Trên cơ sở đó, quận vận động các mạnh thường quân hỗ trợ trực tiếp sinh kế theo nhu cầu mưu sinh của từng hộ cận nghèo. “Chúng tôi lấy ý kiến đến từng hộ cận nghèo, có hộ cần chiếc xe nước mía, hộ khác cần máy may công nghiệp, có hộ cần hỗ trợ xe máy… Họ quen với công việc gì thì đề xuất phương tiện sinh kế theo việc đó và nhận phương tiện chứ không nhận tiền mặt. Cách này giải quyết tăng thu nhập, đi vào thực tế của từng hộ gia đình cận nghèo”, bà Nga nói.
Trong giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn quận đã xuất hiện nhiều mô hình hay, phát huy tác dụng trong công tác giảm nghèo bền vững. Có thể kể đến mô hình “Tổ tự quản giảm nghèo bền vững”, “Hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có việc làm ổn định”... Những cách làm trên tập trung chăm lo người dân bán hàng rong bị ảnh hưởng việc làm do lập lại trật tự lòng lề đường; với các giải pháp hỗ trợ phù hợp như hỗ trợ vốn, phương tiện sinh kế; phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm, Trường Trung cấp nghề và các DN... để đào tạo, tuyển dụng, chuyển đổi nghề nghiệp.
Tại các đơn vị, phòng ban, đoàn thể quận cũng thực hiện nhiều mô hình chăm lo hộ nghèo, cận nghèo như: Tương trợ; liên kết đào tạo nghề và giải quyết việc làm; cấp học bổng cho con hộ nghèo, cận nghèo... Ở cấp phường có nhiều mô hình hay được nhân rộng như: Nuôi heo đất tiết kiệm để hỗ trợ phương tiện sinh kế, mô hình tay trao tay, câu lạc bộ xe ôm nữ, vận động mở sổ tiết kiệm cho hộ nghèo thuộc diện người có công…
Qua thời gian thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, theo kết quả rà soát, đến nay trên địa bàn quận Bình Thạnh hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP giai đoạn 2016-2020.
Tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP chỉ còn 0,13%
Nói về công tác giảm nghèo của TP giai đoạn 2016-2020, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Minh Châu cho biết, TP thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với chuẩn nghèo gồm 2 tiêu chí: Tiêu chí thu nhập hộ nghèo (từ 21 triệu đồng/người/năm trở xuống), hộ cận nghèo (từ trên 21 - 28 triệu đồng/người/năm) và tiêu chí đa chiều (gồm 5 chiều dịch vụ xã hội cơ bản với 11 chỉ số thiếu hụt).
Sau 3 năm thực hiện các chính sách, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo, cuối năm 2018, TP hoàn thành cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn TP giai đoạn 2016-2020. Tỉ lệ hộ nghèo từ 3,36% giảm còn 0,19%. Từ 2019-2020, TP tiếp tục điều chỉnh chuẩn nghèo, ở tiêu chí thu nhập. Cụ thể, hộ nghèo có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở xuống; hộ cận nghèo nhu nhập từ trên 28 - 36 triệu đồng/người/năm. Đến nay, TP hoàn thành cơ bản mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP giai đoạn 2019-2020.
Hiện tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 0,13%; và 0,6% hộ cận nghèo. Toàn TP có 5 quận và 85 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo; một quận và 23 phường hoàn thành mục tiêu không còn hộ cận nghèo giai đoạn 2019-2020.
Trong 5 năm qua, cùng với triển khai chương trình giảm nghèo theo quy định chung, TP còn chủ động ban hành 7 chính sách đặc thù về giảm nghèo với các chính sách thiết thực như: Hỗ trợ giảm học phí cho học sinh phổ thông học 2 buổi; hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ cho vay để xây dựng, sửa chữa nhà… Nhiều mô hình giảm nghèo tiêu biểu: Hỗ trợ sinh kế, chăm sóc sức khỏe miễn phí tại nhà, DN đồng hành, các đoàn thể chung tay với người nghèo.
Sau những kết quả đạt được, trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, TP sẽ triển khai một số cách làm riêng. Cụ thể, không áp dụng tiêu chí thu nhập trong xác định hộ nghèo mà thu nhập chỉ là một chỉ số về thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều, ngưỡng thiếu hụt thu nhập là 36 triệu đồng/người/năm. Trong hỗ trợ giảm nghèo, TP sẽ hỗ trợ có điều kiện. Các chính sách hỗ trợ được thực hiện 3 lần hoặc liên tục trong 3 năm mà người nghèo, cận nghèo không tham gia thì xem như không có nhu cầu trợ giúp và không thiếu hụt.